Ghép xương đồng loại giúp bệnh nhân bị tiêu hủy xương tiết kiệm 90% chi phí

U tế bào khổng lồ gây tiêu hủy xương khiến người mắc có thể phải cắt cụt chân. Kỹ thuật ghép xương đồng loại cho phép điều trị bệnh hiệu quả.

Ghép xương đồng loại điều trị bệnh u xương tế bào khổng lồ - Ảnh Thúy Anh

Khối u “ăn” xương

Hơn 4 năm trước, cô giáo N.T.Q (36 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) phát hiện mắc u xương tế bào khổng lồ sau một lần bị ngã.

Khi đến viện khám, bệnh nhân được phát hiện khối u lớn đã “ăn” hết khối lồi cầu ngoài xương đùi. Thời điểm đó, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mổ lấy u và ghép xi măng xương tạm thời, tuy nhiên, không thể đi lại được bình thường sau mổ, phải tạm dừng giảng dạy.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), khối lồi cầu xương đùi là một phần quan trọng của khớp gối, có vai trò chịu lực chính của cơ thể. Mặc dù u tế bào khổng lồ là bệnh lành tính nhưng hay tái phát (tỷ lệ từ 10 - 50%). Bệnh thường gặp ở phần xương dài như: chân, tay và đặc biệt ở lồi cầu xương đùi, chiếm tới 50% các trường hợp.

Khối u gây tiêu hủy xương khiến bệnh nhân không đi lại được, thậm chí là tàn phế. Việc điều trị rất khó khăn do người bệnh thường đến khám và chữa trị muộn, khi khối u “ăn” phần lớn xương vùng khớp gối khiến người bệnh sau điều trị nhiều lần vẫn rất khó trở về cuộc sống bình thường.

Với bệnh nhân Q. nêu trên, do khối u “ăn” rất nhiều xương nên để điều trị sau phẫu thuật lần đầu, giải pháp duy nhất lúc đó là cô Q. phải thay khớp gối loại đặc biệt, chi phí khoảng 1 tỉ đồng, và phải ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân không có khả năng chi trả.

Ghép sụn, xương từ đồng loại

Tiến sĩ, bác sĩ Tùng đã sử dụng khối lồi cầu kèm sụn từ nguồn bệnh nhân tai nạn và chết não hiến tặng, ghép điều trị cho bệnh nhân Q. Khối xương lồi cầu đùi kèm sụn sau khi được loại trừ vi khuẩn, vi rút; bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm 85 độ C, đã được đem ghép cho nữ bệnh nhân nói trên.

Ghép xương đồng loại giúp bệnh nhân u xương phục hồi tốt - Ảnh Thúy Anh

Với nỗ lực của các bác sĩ, toàn bộ xương và sụn ghép đã “sống” trong cơ thể mới. Sau 6 tháng phẫu thuật, bệnh nhân Q. đã đi lại tốt. Hiện tại, sau 3 năm theo dõi liên tục, khối u không tái phát, xương và sụn ghép phát triển tốt, bệnh nhân đi lại, chạy,... gần như bình thường.

Các bác sĩ đánh giá, so với việc thay khớp gối nhân tạo, việc ghép xương đồng loại tốt hơn rất nhiều, đồng thời giúp giảm chi phí điều trị xuống còn khoảng 25 - 30 triệu đồng, thấp hơn khoảng 10 lần thay khớp nhân tạo loại đặc biệt nếu điều trị ở trong nước (khoảng 250 - 300 triệu đồng).

Đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép được cho 8 bệnh nhân với tiến triển tốt, trong đó 7 bệnh nhân đi lại bình thường, 1 bệnh nhân sau hơn 2 năm phần sụn khớp hồi phục kém nên sẽ được ghép thêm sụn qua phẫu thuật nội soi vào tuần tới.

“Bệnh u tế bào khổng lồ rất hay gặp ở độ tuổi lao động, nên nếu thấy đau ở vùng xương, nhất là vùng khớp gối, nên đi chụp X-quang và khám các bác sĩ chuyên khoa sớm để phát hiện khối u ở giai đoạn đầu. Với trường hợp này, khi mổ lấy khối u, việc ghép xương sẽ thuận lợi hơn, cho kết quả điều trị tốt hơn", tiến sĩ Tùng khuyến cáo.

Nam Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/ghep-xuong-dong-loai-giup-benh-nhan-bi-tieu-huy-xuong-tiet-kiem-90-chi-phi-1044432.html