Ghép tạng tại Việt Nam - Thành công và thách thức

Ngày 1/3, các bác sĩ của Bệnh viện 103 đã tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não. Thành công mới này một mặt khẳng định tay nghề đạt trình độ thế giới của các y, bác sỹ Việt Nam, nhưng mặt khác, việc hiến tạng, dù không phải là vấn đề mới, tiếp tục được đặt ra.

Các bác sĩ BV 103 tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên trên người.

Các bác sĩ BV 103 tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên trên người.

Tiếp theo sự thành công khi 3 lần “lĩnh ấn” tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng (ca ghép thận đầu tiên của nước ta thực hiện vào năm 1992; ghép gan vào năm 2006 và ghép tim vào năm 2010), tháng 8/2012, Bệnh viện (BV) 103 chính thức nhận Đề tài cấp Nhà nước KC10 từ Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của y học thế giới nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thành công sau những nỗ lực vượt bậc

Lần này, các thầy thuốc tiến hành việc nghiên cứu ứng dụng ghép tụy-thận trên người.

Ghép tụy nói riêng và việc đặt mục tiêu cùng lúc ghép đa tạng là kỹ thuật khó trong quy trình ghép tạng từ người hiến-nhận. Vì vậy, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, lãnh đạo Học viện Quân y và BV 103 đã nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các bộ phận triển khai thực hiện…

Các thầy thuốc đã từng tham gia các ca ghép tạng và cả lực lượng y, bác sỹ mới được bồi dưỡng, nghiên cứu, học tập không chỉ ở các trung tâm lớn, các BV trong nước, mà còn sang Nhật Bản, Bỉ, Singapore để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức.

Trước khi chuẩn bị cho ca ghép tụy-thận (2 tạng) đầu tiên này, BV đã lường hết những khó khăn có thể xảy ra trước, trong và sau khi ghép tạng, nên đã chuẩn bị 3 phương án: Mời các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia; liên kết với các trung tâm có uy tín về ghép tạng ở Việt Nam để tiến hành; đội ngũ cán bộ, nhân viên của BV 103 tự tiến hành.

Ở ca ghép này, do người hiến tạng chết não diễn ra bất ngờ trong đêm nên việc mời các nhà khoa học trong nước và nước ngoài cùng tham gia sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn cho việc duy trì chức năng của tạng. Vì thế, lãnh đạo BV 103 đã xin ý kiến và được lãnh đạo Học viện Quân y nhất trí triển khai theo phương án 3 - đội ngũ y, bác sỹ của BV tự tiến hành.

Người hiến tạng sau khi bị chết não là một người 34 tuổi (xin được giấu tên) bị tai nạn giao thông đã góp phần quan trọng vào thành công này, anh đã đồng thời hiến cả tụy, thận, gan cho y học, cho những người mắc bệnh hiểm nghèo cần phải được ghép tạng.

3 giờ sáng ngày 1/3, các kíp phẫu thuật nhận lệnh tiến hành ca ghép tạng. 4 phòng mổ cùng triển khai.

Kíp lấy tạng do PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 trực tiếp chỉ đạo. Các PGS.TS: Nguyễn Trường Giang, Trần Văn Hinh, các BS, TS. Lê Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Thạch, Lê Hồng Thanh, Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Thị Thư (B) đảm nhiệm.

Kíp ghép tụy-thận (do PGS.TS. Hoàng Mạnh An chỉ đạo) gồm các PGS. Hinh; TS. Nguyễn Phú Việt, BSCK2 Vũ Thắng tổ chức ghép thận; TS. Lê Thanh Sơn, Hồ Chí Thanh ghép tụy.

Kíp vô cảm (gây mê) gồm các BS: Nguyễn Viết Sơn, Đinh Quang Tỉnh, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Thư và TS. Trần Đắc Tiệp.

Kíp rửa tạng do BS. Phạm Quốc Đại, TS. Phạm Quang Vinh, ThS. Trịnh Hoàng Quân; KTV Nguyễn Hữu Tá tiến hành.

Kíp hồi sức sau mổ gồm PGS.TS. Nguyễn Văn Khoa, Mai Xuân Hiên, TS. Tô Vũ Khương và Bùi Văn Mạnh; ThS. Kiều Văn Khương và các bác sĩ tăng cường đảm nhiệm.

Bên cạnh các kíp phẫu thuật nói trên, nhiều thầy thuốc, kỹ thuật viên, phục vụ… được huy động với hơn 100 thầy thuốc tham gia ca ghép đa tạng lần này.

Ca ghép thận bắt đầu lúc 6h, hoàn thành lúc 9h ngày 1/3.

Ca ghép gan hoàn thành lúc 16h cùng ngày.

Ca ghép tụy-thận tiến hành từ 6h30 và hoàn thành lúc 13h30 cùng ngày.

Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 - một trong những người trực tiếp điều hành các ca ghép, cho biết sau 3 ngày ghép tạng (tính đến ngày 3/3), người nhận tạng trong trạng thái ổn định; các thông số được quản lý và có thể nói bước đầu ca ghép đã thành công như mong đợi.

Theo Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, khó khăn lớn nhất trong ca ghép này là cùng một lúc phải ghép 2 tạng (tụy và thận), trong khi về mặt kỹ thuật, Việt Nam chưa từng ghép 2 tạng lần nào. Vì thế, về mặt miễn dịch, các diễn biến cũng chưa biết sẽ như thế nào. Đó là chưa kể là làm thế nào để cùng một lúc có cả thận và tụy của cùng 1 người cho chết não (do điều này phù hợp về cơ chế miễn dịch nhiều hơn cho ca ghép và đỡ khó khăn cho người nhận).

Bên cạnh đó, dù đã được đầu tư, nhưng trang thiết bị, dụng cụ phục vụ phẫu thuật của BV chưa thể sánh kịp với các trung tâm hiện đại trong nước, chứ chưa nói đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Bình cho hay cái khó nhất là ở chỗ nguồn tạng phục vụ nhu cầu ghép vẫn rất khan hiếm. Hiện nay, nhiều người bệnh đang cần được ghép tạng để nâng chất lượng sống, do vậy rất cần nguồn tạng hiến tặng.

Nhà nước đã có Luật Hiến tạng, tuy nhiên, số người dám chấp nhận sự hy sinh cao cả vì sự nghiệp y học vẫn còn rất hạn chế. Các thầy thuốc hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều người sẵn sàng hiến tạng để cứu giúp được nhiều người bệnh.

Những người không may gặp rủi ro trong cuộc đời, họ mất đi là niềm thương tiếc của gia đình, người thân... Nhưng nếu trong trường hợp đó, những nghĩa cử cao quý, giàu tình người như của trường hợp hiến tạng nói trên thật giàu ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Dù đã mất nhưng anh đang mang lại sự sống cho ít nhất 3 người. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao.

Hy vọng rằng, trong xã hội chúng ta, sẽ có thêm nhiều, nhiều người nữa sẵn sàng hiến tặng một bộ phận cơ thể của mình cho sự nghiệp y học để giành lại sức khỏe và sự sống cho nhiều người khác.

Ngô Anh Thu

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/ghep-tang-tai-viet-nam-thanh-cong-va-thach-thuc/193939.vgp