Ghé thăm Ngôi chùa cổ ở Long An nơi gắn liền với sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử và văn học được xây dựng năm 1808, tọa lạc tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ban đầu chùa có tên là Lan Nhã, do thiền sư Viên Ngộ sáng lập.

Chùa Tôn Thạnh có tổng diện tích đất 34.410m², trong đó diện tích chùa chiếm 940m². Chùa Tôn Thạnh là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Long An. Thiền sư Viên Ngộ không những là một người con chí hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước Phật đài là sẽ ''trường tọa'' 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện ''trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc'' để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Hiện nay, để tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, trong khuôn viên chùa về phía tây còn có bảo tháp ba tầng hình lục giác cao 4,5 mét thờ ngài.

Ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Từ năm Kỷ Mùi 1859 đến năm 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đây sinh sống. Bề ngoài, cụ đồ Chiểu mở trường dạy học, nhưng bên trong thì cụ làm quân sư, cố vấn cho nghĩa binh chống Pháp. Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các tác phẩm như: Chạy giặc, Dương Từ Hà Mậu và một phần của truyện thơ Lục Vân Tiên cũng được sáng tác tại chùa Tôn Thạnh.

khuôn viên trong chùa (ảnh minh họa)

khuôn viên trong chùa (ảnh minh họa)

Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật mang phong cách thế kỷ 19. Ðặc biệt là pho tượng Bồ tát Ðịa Tạng bằng đồng được đúc tại chùa. Trong khuôn viên chùa còn có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dựng vào năm 1973 và tháp Hòa thượng Thiên Ngộ.

Bia tưởng niệm Cụ Nguyễn Đình Chiểu tại chùa (ảnh sưu tầm)

Qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được đôi nét cổ xưa. Nhà chùa là một tổng thể kiến trúc có mặt bằng gần giống dạng chữ đinh, thứ tự từ trước ra sau bao gồm: Tiền điện, Chính điện, Nhà giảng, Đông lang, Tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thiếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

https://petrotimes.vn/

Đồng Hoa (tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ghe-tham-ngoi-chua-co-o-long-an-noi-gan-lien-voi-su-nghiep-cua-nha-tho-nguyen-dinh-chieu-553505.html