Ghé thăm chợ nón làng Chuông

'Mồng mười đi chợ Chuông chơi/Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi', ấy là câu ca từ xửa xưa mời gọi khách đến chợ Chuông. Cũng là chợ quê đấy, nhưng chợ Chuông mang trong mình những khác biệt lạ lùng.

Nón lá chợ Chuông.

Nón lá chợ Chuông.

Làng Chuông cách trung tâm Hà Nội chừng hai chục cây số, làng thuộc xã Phương Trung (Thanh Oai - Hà Nội). Nơi đây nổi tiếng có nghề làm nón lá vừa đẹp vừa bền từ vài trăm năm trước.

Theo các cụ trong làng, ngày xưa nón làng Chuông là sản vật cung tiến hoàng hậu, phi tần, công chúa trong cung đình. Ngày nay, nón làng Chuông cũng chẳng kém xưa, đã góp mặt cả trên thị trường quốc tế.

Trăm năm chợ nón

Chợ Chuông họp trong và ngoài đình chùa làng Chuông.

Bắt đầu từ những bàn tay khéo léo, và bắt nguồn từ những khóm tre làng mà thành chiếc nón lá để che mưa che nắng, che cả những bão tố bất an cho ngày cô dâu đội nón trên đầu.

Và từ đó, chợ Chuông hình thành. Không biết bao năm rồi, phiên chợ ấy vẫn đều đặn nếp cũ vào các ngày 4, 10, 14, 20 và 24 âm lịch.

Làng Chuông có một ngôi cổ tự, cổng tam quan bề thế dài rộng cao ráo và vững chãi như cổng thành. Trong và ngoài sân chùa chính là nơi họp chợ phiên của làng.

Các cụ bảo rằng, thường thì chốn thờ tự không phải nơi buôn bán ồn ào; riêng làng Chuông lại khác, chợ hoạt động ngay trong sân chùa.

Chợ làng Chuông họp từ rất sớm. Mới 6 giờ sáng, người khắp nơi đã tụ tập kín chợ. Chợ họp nhanh, ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau vài tiếng đồng hồ.

Người đi chợ phải đi từ rất sớm, kẻ muốn đến chơi cũng phải chạy đến từ sớm tinh mơ, để hưởng cái không khí náo nhiệt của chợ nón.

Những người đàn bà trong làng, từ lúc trời còn tối đất đã rục rịch chuyển nón ra chợ. Mỗi người vác trên vai vài chục chiếc nón lá trắng muốt.

Và cả những cụ già, họ chậm rãi đem theo những chiếc khung hay những xấp mo tre đến chợ để sửa nón cho khách.

Khi Mặt trời vừa lên cũng là thời khắc chợ bắt đầu mua bán. Những vị khách từ xa đến cũng không phải sốt ruột mua hàng kẻo hết nón đẹp. Bởi vì nón làng Chuông trăm cái như một, nên chỉ cần cầm vào đội thử và trả tiền.

Có những khách mua đến vài chục cái nón, cái để cho mình, cái làm quà cho người thân, cái để dành cho con trai đi lấy vợ. Cũng có những khách là thương lái đến mua sạch sành sanh nón lá của cả một góc chợ, chuyển ra xe tải đợi sẵn ngoài cổng.

Ở chợ Chuông, người ta rất ít khi bán những thứ không liên quan đến nón. Nhưng để mua bất kỳ một vật dụng gì mang tên “họ nhà nón” thì không bao giờ thiếu. Từ khung, mo tre, dây cọ, đến kim chỉ khâu nón đều có hết. Bởi thế, từ xa xưa người ta đã gọi đây là “chợ nón Chuông”.

Một tiểu thương tại chợ Chuông cho biết: “Ngoài phiên chính ra thì chợ còn họp vào các phiên xép, nhưng phiên xép thì không bán nhiều nón mà chỉ lác đác. Làng làm nghề nón nên khách đến mua đồ hầu hết vẫn là người làm nón”.

Mặt hàng trao đổi tại chợ chủ yếu là vật liệu làm nón.

Bí kíp nón Chuông

Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Theo thống kê chưa đầy đủ thì ở làng Chuông có tới 85% hộ làm nón, sản xuất hàng triệu chiếc nón/năm.

Nón làm thủ công, một ngày có khi chỉ làm được 3 - 5 chiếc. Lá nón được lấy từ một loại cây họ nhà cọ, hoặc mo tre ở Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Lá nón phải trắng sáng hoặc có màu ngả xanh lá mạ thì mới đẹp.

Hiện, ở làng Chuông chỉ có người già làm nghề truyền thống.

Sau khi mua về, lá sẽ được vò trong cát cho mềm rồi đem phơi khoảng hai đến ba nắng. Sau đó, người thợ sẽ dùng chiếc giẻ bọc vào lưỡi cày hơ trên than củi để là cho lá phẳng mịn. Công đoạn này đòi hỏi sự cẩn thận, căn chỉnh nhiệt độ sao cho vừa phải để lá không bị cháy, đỏ. Nếu nhiệt không đủ, chiếc lá sẽ bị sống, không bóng đẹp.

Vòng nón ở làng Chuông được làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại.

Người khâu nón được ví như người thợ thêu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu, thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài.

Khâu nón là công đoạn khó nhất, thể hiện sự tài tình khéo léo của người làm. Người thợ giỏi khi khâu phải bảo đảm lá không bị nát, không lộ chân kim, đường kim mũi chỉ đều tăm tắp, chặt chẽ, khi soi lên Mặt trời không thấy kẽ hở.

Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha màu, phối màu. Ðể tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp dầu thông mỏng. Cái tài của người thợ làng Chuông là múi nối sợi móc được giấu kín, khi nhìn vào chỉ thấy những mũi khâu mịn màng.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy cho hay: “Người xưa đã có câu ca: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Nghề làm nón nơi đây được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi vậy mà chất lượng nón rất tốt, mẫu mã đẹp. Giá cả thì tùy loại, có cái chỉ hơn trăm nghìn, nhưng có loại lên tới tiền triệu”.

Người cũ – nghề xưa

Chợ Chuông đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Dù chợ nón làng Chuông từ xưa đã hình thành một hội chợ, vượt qua cả phiên chợ Đình ở thị trấn Vân Đình; và dù nghề khâu nón chuông đã là một nghề cổ được công nhận, được vinh danh, thậm chí được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”.

Nhưng nguy cơ mai một, thất truyền nghề cổ đang là lo lắng của nhiều người làng Chuông. Đó là điều có thật, và đang diễn ra một cách phổ biến ở xã Phương Trung. Nếu như 20 năm trước, già trẻ - trai gái làng Chuông thi nhau làm nón, và nghề làm nón trở thành nghề chính; thì nay đã khác, lớp trẻ không ai mặn mà với nghề nữa.

“Nghề của làng có đến nay là hơn 300 năm. Nhưng đến nay, chỉ có những người cũ, tức là người già cả mới mặn mà với nghề. Lớp trẻ hầu hết đi ra thành phố tìm vận đổi đời và hầu hết không biết đến nghề của làng”, nghệ nhân Lê Văn Tuy cho hay.

Quả thật, ở ngay chợ Chuông cũng chỉ thấy những người làm nón và buôn bán nón là những người đã có tuổi. Vào các hộ làm nghề, khách lạ cũng chỉ thấy ông già bà lão ngồi bên hiên nhà khâu nón, rất hiếm và thậm chí là không thấy người trẻ làm nghề.

Cụ Phạm Trần Cảnh, một nghệ nhân nổi tiếng làng Chuông nói rằng: “Không mong gì lớp trẻ làm nghề này đâu. Người cũ thì làm nghề xưa, người mới thì làm nghề hiện đại. Nghề làm nón của làng cũng khó mong tồn tại lâu dài, vì không ai có quyền bắt người khác phải theo nghề làm nón”.

“Chợ nón làng Chuông mang trong mình cội rễ văn hóa lâu đời và cực kỳ phong phú. Điều đáng nói là chợ ở cạnh một ngôi chùa cổ, nên nếu xuất hiện một tầng văn hóa sâu hơn cái ta thường thấy, ấy là hội chợ Chuông phảng phất tín ngưỡng hội chùa” - PGS. Trần Lâm Biền.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ghe-tham-cho-non-lang-chuong-49c6oUhMR.html