Ghé thăm bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam

Nước mắm từ bao đời đã trở thành gia vị thân thuộc, không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt. Với mong muốn gìn giữ 'quốc hồn, quốc túy' lịch sử, văn hóa và để nhiều người hiểu hơn nước mắm truyền thống bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời.

Làng chài xưa tại bảo tàng nước mắm

Nằm trong không gian trưng bày nghệ thuật Làng chài xưa, bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam mang đến cho mọi người một cái nhìn toàn diện hơn về nghề làm mắm truyền thống.

Đến với không gian trưng bày, du khách sẽ như được ngược dòng lịch sử về thăm Làng chài Phan Thiết 300 năm trước, chạm nét văn hóa Người Chăm Pa, thời vua Nguyễn, thời Pháp và những thập niên 40 - 60. Mọi thứ sẽ được tái hiện một cách chân thực, du khách không chỉ được thăm quan mà còn có thể được nhập vai, được chạm tay và biết thêm nhiều khái niệm lạ.

Từng bối cảnh sẽ đưa mọi người khám phá và hiểu hơn về cách làm sao để tạo ra mắm nước của người xưa. Đó là một hành trình dài, vượt qua muôn trùng sóng gió, được tổ tiên của nghề nước mắm học và phát huy.

Ở đây, du khách cũng sẽ được biết đến một khái niệm vô cùng lạ “nước mắm tĩn”. Đó là một cái tên gắn liền với ông tổ nghề Trần Gia Hòa. Du khách sẽ vừa được tập làm nước mắm, vừa có cơ hội được nếm thử giọt nước mắm Tĩn để cảm nhận trọn vẹn nhất vị của nước mắm, vị của công sức và tâm huyết của người làm mắm khi tạo nên từng giọt vàng chứa vị mặn mòi của biển, vị ngọt đậm đà của cá biển kết hợp một cách hoàn hảo.

Không gian thiết kế vừa mang đậm đà nét cổ xưa, tái hiện sống động cái hồn của làng chài Phan Thiết, vừa vô cùng thân thuộc, gần gũi với các du khách hiện đại, nên ngay khi bước vào bảo tàng, bước vào khuôn viên làng chài, mọi người sẽ như được trở về một nơi thân thuộc, trọn vẹn hương vị như không có thời gian.

Quê hương của nước mắm, nơi nước mắm Tĩn ra đời, suốt 300 năm trải dài của lịch sử, đó là niềm tự hào, là sự cất giữ hoài niệm, là khao khát mang đến và gìn giữ lịch sử nước mắm truyền thống Việt Nam.

Nước mắm Tĩn hương vị của nước mắm xưa

Tên gọi nước mắm Tĩn đã ra đời từ hơn 300 năm trước khi người dân làng chài cùng ông tổ nghề nước mắm bắt đầu học kỹ nghệ làm mắm nước được du nhập từ La Mã thông qua con được tơ lụa.

Tại làng chài Phan Thiết xưa, người dân bắt đầu biết cách kéo rút mắm nước từ thùng lều gỗ, đưa sang các bình gốm (cái tĩn), chở ghe bầu, tạo ra hương vị riêng và đưa nước mắm Tĩn trở thành một loại nước mắm bán chạy nhất thời bấy giờ.

Ngoài hương vị vô cùng đặc biệt, nước mắm Tĩn còn được biết đến là loại nước mắm sánh đặc thịt cá, từ một chai nước mắm Tĩn có thể làm được 3, 4 chai nước mắm theo công thức thông thường khiến nó càng trở thành một cái tên thứ thiết chiếm thị phần lớn bán chạy khắp Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhưng khoảng mấy chục năm gần đây, nước mắm Tĩn dần bị mai một, nhiều người còn không hề biết đến cái tên nước mắm Tĩn, rất nhiều người dân không còn quen với khái niệm nước mắm rin nguyên chất.

Mãi đến năm 2018, khi bảo tàng nước mắm đầu tiên tại Việt Nam ra đời đã tái hiện lại một Phan Thiết xưa, một làng chài êm đềm và cái tên nước mắm Tĩn dần trở nên thân thuộc với mọi người. Khoảng cách thế hệ, niềm tin, văn hóa đã khiến nước mắm Tĩn nhạt màu, thì giờ đây, giới trẻ hay ngay cả các bạn nhỏ cũng có cơ hội được hiểu, được nhìn, được nếm và được yêu.

Đó hơn cả một hành trình đưa nước mắm Tĩn lại với du khách mà đó là hành trình lưu giữ nét tinh hoa 300 năm trước của người dân Phan Thiết, của Việt Nam.

Thu Dung

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ghe-tham-bao-tang-nuoc-mam-dau-tien-o-viet-nam-76224