Ghé Lạng Sơn mà không thưởng thức vịt quay, phở chua, khâu nhục thì như chưa từng đến

Lạng Sơn là vùng địa đầu của Tổ quốc, với nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, nhiều di tích văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mang lại tiềm năng phát triển du lịch cùng với đó là những sản vật mang vị riêng đặc trưng nơi đây.

Nếu đặt chân đến xứ Lạng, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ “sơn thủy hữu tình” của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Lạng Sơn mang trong mình một dòng văn hóa ẩm thực đặc biệt với những món ăn hấp dẫn, những món ăn dân dã nhưng lại mang đầy phong vị độc đáo, rất Lạng Sơn. Một lần thưởng thức những món ăn của miền đất này hẳn sẽ khiến du khách nhớ mãi bởi sự độc đáo, tinh túy và mang đậm bản sắc quê hương.

Vịt quay lá móc mật

Vịt quay lá móc mật là món ngon có tiếng của người Lạng Sơn. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt. Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng.

Phở chua

Một bát phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng… chưa kể các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang… Với nguyên liệu đa dạng như vậy, phở chua hội tụ đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh.

Khâu nhục

Khâu nhục được làm từ thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì đều rất ngon.

Bánh cuốn trứng

Đến Lạng Sơn phải thử món bánh cuốn trứng chuẩn vị. Bánh sau khi tráng được đập thêm một quả trứng rồi đậy vung cho trứng chín hơi. Bên trên đĩa bánh rắc thêm thịt băm và hành khô.

Bánh áp chao

Món bánh áp chao này có vỏ được chế biến từ gạo nếp trộn gạo tẻ. Bên trong nhân bánh chính là món thịt vịt nổi tiếng của người Lạng Sơn. Vỏ bánh rán giòn quyện với vị đậm đà của thịt vịt và mắm chua ngọt, ăn kèm rau sống rất kích thích vị giác.

Bánh coóng phù

Bánh coóng phù khá giống bánh trôi có vỏ làm bằng bột nếp với phần nhân là đường nâu. Bánh được ăn kèm với nước nấu từ đường hoa mai và gừng thơm nức mũi, trên rắc thêm ít dừa và lạc.

Quýt Bắc Sơn

Quýt Bắc Sơn được người dân ở đây trồng trên các thung lũng của huyện Bắc Sơn. Quýt Bắc Sơn có màu sắc hấp dẫn, mũi quả căng mọng, ít hạt và có vị đậm hơi chua hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được.

Nem nướng Hữu Lũng

Món nem nướng Hữu Lũng khi ăn kẹp cùng với lá đinh lăng, lá sung chấm tương ớt mang đến vị chua, ngọt, cay dịu tạo nên hương vị khó từ chối.

Na "đu dây" Chi Lăng

Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc. Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã làm ra những chiếc dòng dọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khác du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây”.

Đào Mẫu Sơn

Quả đào Mẫu Sơn có màu sắc, hương vị khác hẳn những giống đào ở các tỉnh khác. Mỗi quả đào Mẫu Sơn to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg, khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng, ai đã từng được ăn sẽ không thể quên.

Hồng không hạt Bao Lâm

Hồng không hạt Bao Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc cùng các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Hồng Bảo lâm có thịt quả dòn, thơm .ngọt đậm. Mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 đến 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị là do các hạt lép tạo thành. Mặt cắt dọc quả không có thớ, thị quả mịn, không có đốm đen và không có hạt.

Rượu Mẫu Sơn

Rượu Mẫu Sơn nổi tiếng thơm ngon, trong vắt như nước suối, uống rất dịu, vị đậm đà, lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng, mà hễ ai đã từng một lần uống thì mãi không thể quên được.

Ẩm thực Lạng Sơn phong phú đa dạng, với những hương vị rất riêng khi du khách thưởng thức những món ăn tại đây.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có 253km đường biên, có cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, là cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Trung Quốc. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh Lạng Sơn. Từ hàng nghìn năm, bằng ý chí độc lập tự cường dân tộc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ghe-lang-son-ma-khong-thuong-thuc-vit-quay-pho-chua-khau-nhuc-thi-nhu-chua-tung-den-75006.html