Ghé lại Tiền Giang

Lênh đênh chợ nổi Cái Bè, cồn Thới Sơn, thăm di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Vĩnh Tràng...thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho đúng điệu dân miền Tây là những trải nghiệm khiến du khách thích mê khi đặt chân tới Tiền Giang.

Chợ nổi Cái Bè.

Thủ phủ của tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho cách TP.Hồ Chí Minh chừng 70 km nên có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Nếu di chuyển bằng xe máy, đi theo quốc lộ 50 (qua Long An – Gò Công – Mỹ Tho) sẽ mang lại nhiều cảm giác mới lạ, cách này dành cho những người ưa khám phá.

Ở thành phố Mỹ Tho, khách sạn có rất nhiều. Giá phòng cũng tương đối mềm, khoảng 200.000 đồng một đêm, đa phần các khách sạn đều có nước nóng và wifi. Tốt nhất, bạn nên chọn những khách sạn nằm ở trung tâm thành phố hoặc trên đường 30/4, Ấp Bắc, Tết Mậu Thân... là những khu vực sôi động nhất của thành phố.

Nổi tiếng nhất của Tiền Giang là chợ nổi Cái Bè, nằm cách Mỹ Tho khoảng 40km. Chợ bắt đầu vào buổi sáng, thời gian lý tưởng nhất để bạn tham quan khu chợ này vào khoảng từ 5h đến 7h sáng. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu của các ghe thuyền ở đây là trái cây và các mặt hàng nông sản.

Ngoài chợ nổi, bạn có thể lên thuyền để tham quan các cù lao Long, Lân, Quy, Phụng hai bên bờ sông Tiền. Cù lao Thới Sơn (còn gọi là cồn Lân) cũng là một điểm tham quan hấp dẫn. Đến đây, bạn sẽ được xem quá trình chế biến kẹo dừa nổi tiếng của xứ Bến Tre, uống trà mật ong hoa nhãn, đi xe ngựa trên đường làng, thưởng thức đặc sản vú sữa Lò Rèn. Trong lúc uống trà, thưởng thức kẹo dừa bạn có thể tận hưởng những thanh âm mượt mà, sâu lắng từ tiếng đàn, lời ca qua dòng nhạc tài tử.

Điểm thú vị nhất khi đến Tiền Giang là bạn thỏa sức thưởng thức những món ăn ngon mà không sợ bị “chặt chém” như các khu du lịch khác. Nổi tiếng nhất ở đây là hủ tiếu Mỹ Tho, tới đây mà không thưởng thức món ăn này là một thiếu sót lớn.

Một số địa điểm hủ tiếu ngon bạn có thể tham khảo như: hủ tiếu chay ở ngã ba Trung Lương, quán hủ tiếu Bánh Cam trên đường Ấp Bắc. Quán chú Dìn trên đường Lê Lợi, nếu bạn muốn ăn hủ tiếu chay thì hãy ghé Bồ Đề Quán đối diện Chùa Vĩnh Tràng, hủ tíu bò viên đường Lê Đại Hành, quán bà Tư Lùn trên đường Đinh Bộ Lĩnh, hay hủ tíu sa tế 246 Nam Kì Khởi Nghĩa.

Đến Tiền Giang, không thể bỏ qua Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, nơi từng diễn ra trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược năm 1785. Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút là một chiến công lừng lẫy trong lịch sử, nêu cao truyền thống hào hùng của nhân dân miền Nam. Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút nằm ở ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, cách Mỹ Tho khoảng 12 km về phía tây.

Điểm nhấn của khu di tích là tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng dân tộc trong tư thế rút gươm rất uy dũng. Bên cạnh đó là một binh sĩ đang giương cung và một người dân đang chèo thuyền tạo thành một thể hài hòa, thống nhất.

Ngôi chùa Vĩnh Tràng có lối kiến trúc độc đáo tọa lạc ở đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Trước kia vốn chỉ là một thảo am do ông Tri huyện Bùi Công Đạt xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Vĩnh Tràng được xem là ngôi chùa lớn, với kiến trúc độc đáo nhất và cổ nhất của khu vực Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc “cổ lầu”, được tô điểm bởi nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ của nghệ nhân xứ Huế để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện dân gian độc đáo khiến biết bao du khách đến đây phải trầm trồ khen ngợi

Nhìn bên ngoài, bạn sẽ thấy ngôi chùa mang cả hai phong cách kiến trúc Đông - Tây kết hợp rất lạ. Vòm cửa, hoa văn trang trí theo kiểu châu Âu, nền lát gạch men Nhật Bản, 5 mái ngói nhô cao tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) của phương Đông.

Song bên trong, lối kiến trúc điêu khắc Việt Nam thể hiện đậm nét qua 60 bức tượng quý, được tạc bằng gỗ, đồng và đất nung. Trong số đó, giá trị nhất là bộ tượng 18 vị La Hán được làm bằng gỗ mít, có từ đầu thế kỷ 20. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai theo giáo lý nhà Phật. Có thể nói, bộ tượng này là tuyệt đỉnh nghệ thuật tạc tượng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuở xưa.

Cùng nằm trong hệ thống các công trình tôn giáo, nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho là công trình kiến trúc mang phong cách Tây Âu uy nghiêm, với chiều cao 24m, chiều dài 53m, chiều rộng hơn 17m, một gian chính và hai gian phụ hai bên. Kết cấu chính của tòa nhà được xây theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo. Tháp chuông nhà thờ đầu tiên được dựng bên hông nữ. Đến năm 1958, cha sở Phaolô Nguyễn Minh Chiếu đã di dời chuông lên tháp cao bên Nam và đến năm 1995 thì xây tháp chuông tách biệt nhà thờ, lưu giữ đến ngày nay.

Nếu muốn tìm đến trải nghiệm khác biệt trong chuyến đi thì trại rắn Đồng Tâm – được mệnh danh là vương quốc rắn ở Tiền Giang sẽ mang lại cho bạn cảm giác sởn da gà. Trại rắn Đồng Tâm nằm bên bờ sông Tiền, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 9 km, là một trong những trung tâm nuôi giữ, nghiên cứu, chế biến dược liệu và điều trị rắn cắn cho người dân ở các tỉnh miền Tây. Trại rắn Đồng Tâm giờ trở thành điểm vui chơi, thăm thú của du khách ưa cảm giác mạnh và thích tìm hiểu về tự nhiên.

Minh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/ghe-lai-tien-giang-tintuc390593