Ghe đẩy côn sống chêt cùng mùa nước nổi

Là một trong những nghề thường chỉ xuất hiện mùa nước nổi ở vùng đồng bằng châu thổ, đẩy côn (hay kéo côn) để đánh bắt thủy sản đã từng được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay đẩy côn chỉ còn được những ngư dân thượng nguồn vùng An Giang, Đồng Tháp, Long An... dùng làm sinh kế mà thôi.

Các ghe thuyền đẩy côn ở cánh đồng biên giới Thông Bình

Cánh tay trên đồng nước

Được sử dụng bởi hầu hết là những người nghèo, đẩy côn là một trong những nghề đánh bắt thủy sản cực khổ và nhọc nhằn nhất mà tôi từng biết của miệt châu thổ này. Nếu như những nghề dựng chà, giăng dớn, thả câu con người có thể ngồi trên ghe để đánh bắt thì đẩy côn vừa phải đầm mình trong nước, vừa phải giong ghe chạy rong ruổi. Những tay côn dài vươn ra, dang rộng như cánh tay khổng lồ quét trên mặt nước mênh mông để kiếm tìm sinh kế.

Có mặt ở trên cánh đồng mênh mông nước gần thị trấn biên giới Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp), chúng tôi thấy ba bốn chiếc ghe đang lầm lũi, chậm chạp đi giữa mênh mông nước nổi. Thỉnh thoảng, người lái ghe lại nhảy xuống nước, sử dụng chiếc nơm đan bằng tre úp trên đồng nước để bắt cá.

Dừng lại trò chuyện, mới biết đó là nhóm người đẩy côn kéo cá ở đây. Anh Trần Văn Ban, 31 tuổi, một ngư dân bảo, bây giờ đã cuối mùa nước. Chỉ vài cánh đồng vùng biên giới mới có thể đẩy côn được chứ nhiều nơi khác, nước rút hết, bờ đã nhô lên thì đành chịu.

Vừa nói, anh vừa chỉ cho chúng tôi xem hai tay côn dài tới hơn 3 mét ghép lại như hình chữ V ở mũi thuyền. Trên mỗi tay côn làm bằng thép ấy có gắn thêm hệ thống lưới quét để khi sử dụng ghe đẩy (hay kéo) thì lưới sẽ “dồn” thủy hải sản đi. Mặc dù nguyên lý đánh bắt khá đơn giản, đó là cho ghe máy đẩy côn nhưng nghề này lại phải cực kỳ am hiểu sông nước, nếu không thì rất dễ tay trắng.

Sản phẩm nghề côn là cá lớn

Bóng côn cuối cùng

Trong thời gian trò chuyện cùng những người đẩy côn vùng biên giới Tân Hồng, Thông Bình, Sa Rài..., tôi mới phát hiện ra rằng, không phải nghề nào cũng có tính chọn lọc và độc đáo như đẩy côn. Nó hội tụ đầy đủ những gì đặc sắc nhất của đất và người ở đây. Đó là sự chăm chỉ, bền bỉ, khéo léo, tinh tế cũng như cả cái nghèo khó, lam lũ.

Có lẽ chính vì thế mà nhiều năm qua, đẩy côn vẫn là sinh kế đem lại nguồn sống cho bao nhiêu người, dù rất nhiều thứ đã thay đổi ở dải đất này. Như nhóm bạn của anh Ban, anh Vân vậy. Mỗi ngày, họ dầm mình trên đồng nước, giong ghe đẩy côn hàng chục cây số nhưng thành quả thì không ai biết trước.

“Mấy năm trước, thủy sản nhiều thì hầu hết người đẩy côn chỉ bắt cá trê, cá lóc mà thôi. Tuy nhiên, gần đây, nguồn lợi vơi dần, hầu như gặp cá gì anh em đẩy côn cũng dừng lại bắt. Mà chúng tôi vẫn sử dụng nơm tre như ngày xưa chứ nhiều người đẩy côn ở nơi khác, họ mang cả bình ắc-quy kích điện đi cùng. Khi côn chạm được cá, thay vì dùng nơm thì họ lấy kích điện ra bắt để không bỏ sót bất kỳ con cá nào. Đồng nước mênh mông, cá tôm không của riêng ai mà cuộc sống ngày càng khó khăn nên không thể trách họ được”, anh Vân thở dài tâm sự.

Thế nhưng, không vì vậy mà những người am hiểu, gắn bó sông nước như anh Vân và các bạn bè của mình cụt đường sinh kế. “Dù vất vả nhưng một ngày, anh em cũng kiếm mỗi người được hai ba trăm ngàn đồng. Rồi tranh thủ ban đêm đi tháo dớn, thả lờ cũng kiếm thêm ít cá tạp nữa. Đồng nước mênh mông, chỉ cần mình gắn bó với nó thì không bao giờ hết sinh kế vậy”, anh bảo.

Nhìn những chiếc ghe đẩy côn lặng lẽ trên hoang vu đồng nước, rất nhiều người không biết đó là ghe làm gì. Chỉ những ai gắn bó với dải đất này, những ai sống chết cùng những mùa nước nổi mới biết đó là những ghe đẩy côn. Những ghe đẩy côn gần như cuối cùng của miệt châu thổ mênh mông này.

ĐOÀN XÁ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/ghe-day-con-song-chet-cung-mua-nuoc-noi-3910851-b.html