Gerard Pique, từ nỗi sợ và cô đơn đến việc đá bay cơ hội ở MU

Gerard Pique tiết lộ câu chuyện từng trải qua bao cay đắng tại MU của Sir Alex Ferguson trước khi trở thành ngôi sao lớn tại Barca.

"Để tôi kể bạn nghe về bí mật này. Chắc ai cũng biết các cầu thủ bóng đá thường có những nhóm chat để trao đổi với nhau. Tôi cũng thế, một nhóm cho bạn bè, một cho những đồng đội ở Barca.

Tuy nhiên, nhóm chat mà tôi ưa nhất có lẽ sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên đấy. Hồi đầu mùa, khi Barca bỏ xa Real Madrid 8 hay 9 điểm, tôi bỗng nảy ra ý tưởng lập nhóm chat dành cho những cầu thủ Tây Ban Nha đang thi đấu cho cả hai câu lạc bộ.

Những bí mật chưa kể về Barcelona Ai đá phạt đền còn giỏi hơn Messi? Người nào vô kỷ luật nhất trong giờ giấc tập luyện? Nhiều bí mật thú vị về Barca đã được Rafinha giải đáp trong cuộc phỏng vấn với FourFourTwo.

Sở thích trêu cầu thủ Real Madrid

Nếu suốt ngày bị truyền thông nhồi nhét, chắc hẳn bạn nghĩ chúng tôi sẽ ghét nhau lắm, nhưng thực tế thì ngược lại. Chúng tôi nhắn tin trò chuyện, trao đổi về chiến thuật, những triết lý bóng đá và ngay cả những cuốn sách hay mà bọn tôi đang đọc. Dĩ nhiên, tôi đang nói đùa rồi. Tất cả những gì chúng tôi làm trong cái nhóm ấy là ngồi xỉa xói nhau đủ điều về Barca lẫn Real.

Thế nên, đó mới là nhóm chat vui nhất. Chúng tôi cứ như mấy đứa trẻ vậy. Còn lúc này, tôi vui chẳng biết để đâu cho hết, bởi Barca đã hơn Real tới cả 15 điểm trên bảng xếp hạng La Liga. Cũng vì lẽ đó, những tin nhắn của tôi dạo gần đây "thâm" hơn bao giờ hết.

Hồi cuối mùa trước, khi Real giành đủ thứ danh hiệu, họ phởn phơ lắm. Cứ gặp nhau trên tuyển là mấy người đó lại được thể hùa vào trêu chọc tôi.

Mùa trước, mỗi khi thắng trận, họ lại đăng ảnh "khoe thân" lên mạng xã hội. Mô típ thì cứ lặp đi lặp lại thôi, cười hớn hở rồi gồng lên như thể mình là "The Rock". Cũng đừng quên nhấn nhá thêm mấy cái biểu tượng hình danh hiệu nữa.

Vậy mà mùa này quay ngoắt 180 độ, chẳng ai nhận ra nữa. Trông trang cá nhân của họ ảm đạm phát buồn. "3 điểm hôm nay. Chúng ta phải tiếp tục cố gắng hơn nữa".

Thế nên, tôi nhắn ngay vào nhóm: "Tiến lên nào các chàng trai, sao phải xoắn chứ?". Thấy thế là chưa đủ, tôi còn phải tặng thêm cho họ biểu tượng mặt người khóc lóc và một cái thì đang cười ha hả. Tôi còn đặt cả cái tên cực hay cho nhóm chat đó đấy. Biết là gì không? Nó gọi là "Chúc mừng".

Tôi có thể ngồi đùa với những anh bạn này suốt ngày, bởi họ suy cho cùng là những người anh em của tôi trên tuyển Tây Ban Nha. Có thể chúng tôi căm thù đội bóng của người kia, nhưng tất cả đều chơi chung cho màu áo đội tuyển quốc gia, cùng mơ giấc mơ chung. Điều đó làm tôi thật sự tự hào.

Ngày còn bé, tôi đã chứng kiến Luis Enrique đổ máu trên chiếc áo của Tây Ban Nha tại World Cup 1994. Cũng kể từ đó, giấc mơ của tôi là được khoác lên mình màu áo đội tuyển.

Khi tôi nói mình tự hào vì được khoác chiếc áo của Tây Ban Nha, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên lắm. Nếu theo dõi chương trình truyền hình ở Madrid, bạn sẽ thấy họ kể những câu chuyện rất khác về tôi. Họ nói tôi là kẻ phản bội, thằng chia rẽ đất nước chỉ vì tôi ủng hộ quyền bỏ phiếu của những người Catalan.

Dĩ nhiên, đây là vấn đề hết sức phức tạp và cần đưa ra tranh luận thêm. Tôi ở một tình thế khá trớ trêu. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi là nâng cao chức vô địch World Cup với đội tuyển Tây Ban Nha, nhưng mặt khác, dòng máu Catalan lại chảy trong huyết quản tôi.

Ở một cầu thủ bóng đá, có những khía cạnh sâu lắng hơn mà hầu hết ít người nhận ra. Tôi tin rằng khi chúng tôi nói lên quan điểm của mình, nó đáng được tôn trọng. Cầu thủ bóng đá cũng là con người bình thường thôi, và có những điều bạn cũng chẳng thể tìm thấy trên các phương tiện truyền thông.

Nỗi sợ trong phòng thay đồ MU

Nhìn lại 10 năm qua, tôi đã giành đủ mọi danh hiệu cao quý, từ World Cup, Champions League, La Liga và rồi là cúp quốc gia. Tôi đã vô địch tất cả, và rất thích nhắc đi nhắc lại cho mấy anh bạn Madrid nhớ cho kỹ điều này.

Pique gây dựng tên tuổi ở Barcelona nhưng Manchester United mới là nơi cậu trai trẻ trưởng thành.

Nhưng 10 năm trước, cuộc đời tôi chỉ là đống hổ lốn không hơn không kém nếu Sir Alex không xuất hiện.

Tôi đến MU khi còn là cậu bé và rời đi bằng bước chân của một người đàn ông. Đó là một khoảng thời gian thực sự điên rồ bởi trước đấy, tôi chưa bao giờ xa nhà mình thế cả. Suốt 17 năm, tôi lớn lên tại Tây Ban Nha, gia nhập học viện Barcelona.

Tôi biết hết thảy mọi người ở đây và luôn sống gần gũi bên gia đình mình. Khi ấy, bóng đá với tôi chỉ như một trò vui. Tôi không hiểu những khía cạnh khác đằng sau mỗi trận đấu, bởi thế, tôi thực sự sốc nặng khi đặt chân đến MU.

Đó là một trong những trận đấu đầu tiên của tôi tại Old Trafford, tất cả đang ngồi trong phòng thay đồ để sẵn sàng ra sân. Tôi thì hoảng loạn tột độ. Cứ tưởng tượng mà xem - tôi chỉ là thằng nhóc 18 tuổi còn xung quanh là những Ruud Van Nistelrooy, Ryan Giggs rồi cả Rio Ferdinand nữa. Thật tình tôi chỉ muốn chui xuống cái lỗ nào trốn quách đi cho xong. Đầu tôi cứ tự lẩm bẩm: “Lo việc của mày thôi, đừng có gây chú ý gì cả”.

Chúng tôi ngồi đó, đợi huấn luyện viên đến phổ biến thêm vài điều trước khi ra sân, ngay bên cạnh tôi là Roy Keane. Phòng thay đồ thì khá nhỏ nên chân chúng tôi gần như đã chạm sát nhau, chẳng có kẽ hở nào cả.

Một khoảng lặng chết người, và bỗng nhiên, bạn nghe thấy một tiếng rung. Rất khẽ. Tôi dám chắc đó là điện thoại của tôi. Tôi đã để nó ở chế độ rung. Giờ cái điện thoại đang nằm trong quần của tôi, bên trong túi đồ treo ngay sau đầu Roy.

Tuy nhiên, anh ấy không nhận ra âm thanh phát ra từ đâu. Vậy là, Roy đảo quanh căn phòng như một gã điên. Ánh mắt anh ấy như xuyên thủng khắp nơi để tìm cho ra tiếng động kỳ lạ đó. Chắc những người từng xem bộ phim The Shinning còn nhớ phân cảnh nổi tiếng khi Jack Nicholson phá tung cánh cửa, nhìn Roy khi ấy trông y hệt vậy.

Anh ấy gầm lên “Điện thoại của ai? Sau cùng, tôi cũng mở miệng ra, rất khẽ, như một cậu nhóc bé bỏng. “Xin lỗi, của em ạ”. Roy chỉ nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi rồi phá ra cười, anh ấy bảo tôi không cần căng thẳng như thế đâu.

Các bạn biết thừa tôi đùa mà. Roy tức điên lên. Anh ấy nổi cơn tam bành với mọi người! Thật kinh khủng. Cảm tưởng như tôi sắp vãi ra quần ấy chứ. Dù sao, đó cũng là bài học tuyệt vời.

Những tên tuổi lớn như Roy Keane đã cho chàng trai trẻ Pique nhiều bài học quý giá.

Đá bay cơ hội ở MU

Giờ là năm 2018, mọi thứ cũng khác xưa rất nhiều. Bất kể đứa trẻ nào cũng đều lăm lăm trên tay chiếc điện thoại trước trận đấu. Năm 2006 thì không như vậy, đó là một thế giới hoàn toàn khác. Bạn không được làm vậy, đặc biệt là trong phòng thay đồ của MU - hay cách khác là phòng thay đồ của Roy Keane. Đó cũng chỉ là một trong hàng nghìn lỗi lầm ngớ ngẩn tôi mắc phải khi còn ở MU thôi.

Bóng đá không phải điều gì đó quá khó khăn. Nhưng rào cản lớn nhất của tôi là ngôn ngữ, văn hóa và cả sự cô đơn. Nỗi buồn chia xa có lẽ là một trong những gì tệ nhất lúc đó. Tưởng tượng mà xem, rời gia đình khi mới 17, bao quanh là những người đàn ông trưởng thành, những huyền thoại sống và cả một huấn luyện viên như Sir Alex nữa. Mọi thứ thật sự hỗn độn.

Khi một ai đó thắc mắc vì sao tài năng trẻ này không dám xuất ngoại, tôi cam đoan với bạn đó hầu như không phải vì vấn đề chuyên môn. Còn nhiều thứ vô hình khác bạn chẳng thế nào thấu được.

Hai năm đầu ở Anh là những ngày tôi trở về nhà khi màn đêm phủ xuống dù kim đồng hồ mới điểm bốn giờ chiều. Cô đơn, lặng lẽ trong căn hộ nhỏ. Và cuộc điện thoại từ mẹ sẽ lại reo lên, tôi chỉ biết giấu đi: "Không sao mẹ ơi, con ổn, mọi thứ đều tuyệt cả".

Nhưng chẳng có chút nào trong câu nói đó là sự thật. Tất cả thật tệ hại. Tôi chỉ muốn trở về Tây Ban Nha ngay lúc này. Tôi muốn trở lại những ngày đó, khi còn có cha mẹ ở bên trong những thời khắc như thế.

Tôi chỉ biết phàn nàn với cha: "Con không hiểu, cha ạ. Huấn luyện viên không có chút niềm tin với con. Những người khác thì quá khỏe. Con khổ quá".

Ông ấy sẽ đáp lại: "Sao con biết chắc thế? Có lẽ hôm nay là một ngày đen đủi, nhưng mặt trời vẫn luôn ló rạng vào sớm mai mà".

Chẳng hiểu vì gì nhưng tôi cảm thấy mình khá hơn khi nghe những lời đấy. Nó giúp tôi tiếp tục bước đi. Với cầu thủ trẻ như tôi, có người thầy như Sir Alex trong những ngày đầu sự nghiệp quả là điều may mắn. Những huấn luyện viên hàng đầu luôn có một điểm chung - dù cho ông ấy không thường xuyên để bạn ra sân, dù cho ông ấy có khắt khe với bạn thế nào - ông ấy sẽ luôn biết cách làm bạn tin rằng ông ấy thực sự quan tâm đến bạn. Với tôi, Sir Alex giống như một người cha thứ hai vậy.

Năm 2007, 2 năm sau khi tôi tới Anh, ông ấy nói rằng tôi có thể chơi khoảng 25 trận mùa này. Mọi thứ đi khá đúng quỹ đạo. Tôi được chơi nhiều hơn bên cạnh Rio. Rồi tháng 11 đến, chúng tôi có trận đấu với Bolton.

Tôi vẫn mường tượng ra khoảnh khắc trái bóng trôi lửng lơ trên không. Đó là một tình huống đá phạt. Tôi được sắp xếp theo kèm Nicolas Anelka. Cầu thủ Bolton thực hiện đường treo bóng vào khu cấm địa, và tôi nghĩ mình cần chiếm ưu thế. Lập tức, tôi nhảy lên đánh đầu để phá quả bóng ra xa, và hụt hoàn toàn.

Đến giờ nghĩ lại nó vẫn như một cơn ác mộng kinh khủng. Quả bóng cứ thế lơ lửng trôi. Giờ tôi vẫn nhớ đó là quả bóng màu vàng xen tím của Premier League năm đó. Nó cứ lơ lửng bay qua đầu tôi như một quả bóng bay vậy.

Pique đã tự gạt đi cơ hội quý giá Sir Alex trao tặng.

Tôi tiếp đất và nhận ra sắp có điều gì đó chẳng lành. Anelka khống chế quả bóng gọn gàng rồi dễ dàng ghi bàn. Hết trận, chúng tôi thua 0-1, và đó là lỗi của cá nhân tôi. Còn là cầu thủ trẻ mà để mắc lỗi như vậy, bạn biết chắc huấn luyện viên sẽ không bao giờ đặt niềm tin nơi mình nữa. Dù muốn, ông ấy cũng không thể. Ngay cái khoảnh khắc Anelka khống chế được trái bóng đó, tôi biết mình đã đá bay niềm tin của Sir Alex và các cổ động viên MU.

Đón đọc phần tiếp theo của câu chuyện Gerard Pique lúc 8h30 ngày mai 18/4

Anh Tú (Theo The Players' Tribune)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gerard-pique-tu-noi-so-va-co-don-den-viec-da-bay-co-hoi-o-mu-post829567.html