Gelex - tay chơi mới trên thị trường M&A

Thoái vốn khỏi các công ty con, phát hành tăng vốn đầu tư ra ngoài ngành, không ngại những vụ thâu tóm lòng vòng..., những bước đi mới này của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sẽ giúp Tổng công ty trở thành ông trùm trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) hay còn mục đích nào khác?

Bí ẩn về cổ đông lớn

Những ngày cuối năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận kỷ lục trên thị trường UpCOM, khi 122 triệu cổ phiếu GEX của Gelex, tương đương gần 2.300 tỷ đồng được khớp lệnh chỉ sau 30 phút giao dịch. Số cổ phiếu này chiếm 78,74% vốn điều lệ của Gelex do Bộ Công thương nắm giữ trước đó. Với doanh thu, lợi nhuận của Gelex luôn duy trì đều đặn qua các năm và dự báo tăng trưởng như trên, cùng với những dự án bất động sản có giá đang nắm giữ, việc cổ phiếu GEX được săn đón là điều dễ hiểu.

Trong báo cáo phân tích cổ phiếu GEX của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hồi tháng 4/2016, SSI đánh giá cổ phiếu này “có thể là cổ phiếu tốt nhất UpCOM”. SSI cũng đưa ra dự báo Gelex có thể đạt 9.305 tỷ đồng doanh thu và 432 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2016, tăng 7,8% và 18,3% so với năm trước, tương ứng EPS đạt 2.793 đồng. Với cơ cấu sở hữu mới, SSI cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của Gelex và các công ty con là Cadivi (CAV) và THIBIDI sẽ cải thiện kể từ năm 2016 nhờ cơ cấu sở hữu mới.

Kinh doanh chính trong lĩnh vực thiết bị điện, bất động sản, việc Gelex quyết định đầu tư vào logistics thông qua thâu tóm Sotrans đem đến nhiều hoài nghi cho nhà đầu tư. Ảnh: K.T

Với cách thoái vốn của Bộ Công thương là khớp lệnh trực tiếp trên sàn, tưởng chừng cơ cấu cổ đông của Gelex sau khi thoát bóng doanh nghiệp nhà nước sẽ phân tán, nhưng những diến biến về nhân sự lại cho thấy điều ngược lại. Tính tới thời điểm hiện tại, HĐQT của Gelex gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên đã có thời gian dài gắn bó với Gelex là ông Nguyễn Hoa Cương, ông Nguyễn Trọng Tiếu, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành.

Hai thành viên HĐQT còn lại gồm ông Võ Anh Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và ông Nguyễn Văn Tuấn vừa thay ông Phan Mạnh Hà vào ngày 13/7/2016. Trên thị trường, ông Tuấn không phải là cái tên quá lạ, ngoài chức danh Phó chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán IB (VIX) và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam (SWC), ông Tuấn còn được thị trường đặt biệt danh là Tuấn “mượt”.

Cũng trong thời gian ông Tuấn tham gia HĐQT và nhậm chức Tổng giám đốc Gelex, cơ cấu cổ đông của Gelex xuất hiện một cổ đông lớn mới là Công ty TNHH Đầu tư GEX. Đây là một doanh nghiệp đến từ Thái Nguyên, thành lập vào cuối tháng 4/2016 với số vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Chủ sở hữu của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng mới đây đã có đợt tăng vốn “khủng” từ 3 tỷ đồng lên 952 tỷ đồng, với sự góp vốn của 5 cổ đông đều là các cá nhân. Công ty TNHH Đầu tư GEX hiện đã trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 20,57% của Gelex.

Theo một số nguồn tin từ các công ty chứng khoán chưa được kiểm chứng, trong phiên giao dịch thoái vốn thông qua khớp lệnh trên sàn của Bộ Công thương nói trên, đã có 3 đội lái mua được lượng lớn số cổ phần này. Sau đó, qua nhiều giao dịch thỏa thuận, một nhóm cổ đông lớn của Gelex đã tăng tỷ lệ nắm giữ lên 80% vốn điều lệ. Mặc dù hiện vẫn chưa thể khẳng định được ông chủ thực sự của Gelex là ai, nhưng các bước thay đổi nhân sự cũng phần nào hé lộ quá trình đưa Gelex trở thành công ty đầu tư.

Không ngại những vụ thâu tóm lòng vòng

Việc kinh doanh trong ngành thiết bị điện đối mặt với nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước là điều mà lãnh đạo Gelex đã từng nói tới. Do đó, sau khi thoái vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương (CTB), Gelex đã công bố kế hoạch tái cấu trúc và đầu tư táo bạo. Theo đó, Gelex sẽ thành lập một loạt công ty con hình thức công ty TNHH một thành viên tại các lĩnh vực hoạt động chính của Tổng công ty, bao gồm: thiết bị điện (GELEX EMIC vốn điều lệ 368 tỷ đồng); bất động sản (Bất động sản GELEX - vốn điều lệ 900 tỷ đồng, đảm nhận vai trò đầu mối quản lý Tòa nhà 52 Lê Đại Hành, dự án 10 Trần Nguyên Hãn, cổ phần tại Khách sạn Melia cũng như các bất động sản khác sẽ hình thành trong quá trình mở rộng); phát điện (Đầu tư Năng lượng Gelex - vốn điều lệ 600 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Gelex sẽ tham gia lĩnh vực logistics với tổng giá trị đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng, thông qua chi phối cổ phần tại Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans, mã chứng khoán STG). Đây là ngành nghề mà Gelex chưa hề có kinh nghiệm, nhưng lại là doanh nghiệp sở hữu cổ phần tại Sowatco - doanh nghiệp mà ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex đang làm Chủ tịch HĐQT.

Nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư này được huy động từ việc phát hành 77,25 triệu cổ phiếu với giá 18.000 đồng/cổ phần và 2.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền. Cùng với thâu tóm Sotrans, Gelex đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu tại THIBIDI từ 43,44% lên 70,79%, tăng sở hữu tại Cadivi thông qua việc mua 2,8 triệu cổ phiếu CAV, đầu tư xây dựng khách sạn 6 sao tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội).

Từ trước tới nay, hoạt động kinh doanh chính của Gelex là thiết bị điện, cùng với đó là dự án bất động sản trên cơ sở quỹ đất có sẵn là dự án 52 Lê Đại Hành. Vì vậy, quyết định đầu tư vào logistics thông qua thâu tóm Sotrans đem đến nhiều hoài nghi cho nhà đầu tư theo dõi.

Tuy nhiên, nếu liên hệ với những chức vụ đang nắm giữ của vị Tổng giám đốc trẻ tuổi mới bổ nhiệm của Gelex sẽ thấy nhiều điều thú vị. Trong vài năm gần đây, tên tuổi của ông Nguyễn Văn Tuấn được chú ý bởi những thương vụ thâu tóm tại các doanh nghiệp logistics mà Nhà nước thoái vốn như Vietransimex, Sowatco và mới nhất là Gelex..., với tổng giá trị các thương vụ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đặc điểm của các thương vụ này là sự chuyển nhượng cổ phần lòng vòng vô cùng phức tạp giữa các cổ đông.

Đơn cử, tại Sowatco (Tổng công ty Đường sông Miền Nam), bắt đầu từ việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ hơn 66% vốn cổ phần hồi đầu năm nay (tổng giá trị thoái vốn khoảng 560 tỷ đồng), các cổ đông mới đã xuất hiện, từ tổ chức như Công ty cổ phần SCI, Công ty Chứng khoán IB cho đến hàng loạt cá nhân với khối lượng mua từ vài triệu cho đến chục triệu cổ phiếu. Cũng rất nhanh, các cá nhân này rút lui và chuyển cổ phần của SWC cho các tổ chức như Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp), Quản lý quỹ IB. Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sowatco, cổ đông đã chấp thuận việc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Hạ tầng Sotrans (thuộc Sotrans) được phép mua đến 75% cổ phần của SWC mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Theo một chuyên gia phân tích công ty chứng khoán, những bước đi mới của Gelex trong việc thoái vốn tại các công ty con và đầu tư vào các lĩnh vực mới là bất động sản và logistics thông qua M&A chưa thể đánh giá là rủi ro hay sẽ đem tới sự tăng trưởng vượt bậc cho Gelex.

Khó có thể cắt nghĩa cách đầu tư của Gelex, nhưng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cùng miếng bánh thị trường logistics Việt Nam được định giá khoảng 35 tỷ USD, các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu GEX vẫn có thể kỳ vọng vào sự thành công của Gelex thông qua những thương vụ M&A trong thời gian tới.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/gelex---tay-choi-moi-tren-thi-truong-ma-d52713.html