Gel rửa tay khô, bất đắc dĩ mới phải dùng

Gel rửa tay khô dù rất tiện lợi nhưng không thay thế được cách rửa tay truyền thống với xà phòng và nước.

Gel rửa tay khô ngày càng được sử dụng rộng rãi ở bệnh viện và trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại gel này khó đảm bảo đủ sạch trong nhiều trường hợp và không nên thay thế hoàn toàn cách rửa tay truyền thống với xà phòng và nước.

Hiệu quả vì chứa cồn

Chuyên gia tư vấn Carol McLay tại Cơ quan tư vấn Phòng chống Lây nhiễm Lexington (Hoa Kỳ) khẳng định, thường xuyên rửa tay là cách tốt nhất để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Cách hiệu quả nhất là phải rửa tay với xà phòng và nước. Tuy nhiên, nhiều người hiện ưa dùng gel rửa tay khô (loại dung dịch kháng khuẩn không dùng nước) và tin rằng có thể tiêu diệt được virus.

Thực tế, GS Ron Eccles, Trung tâm Phòng cúm, Đại học Cardiff (Hoa Kỳ) cho rằng, các loại gel rửa tay không dùng nước chỉ có hiệu quả bởi vì chúng chứa cồn. Cồn sẽ phá hủy lớp vỏ bọc bảo vệ virus, làm cho chúng bị tê liệt, do đó “bẻ gãy” sự lan truyền virus và ngăn ngừa bệnh phát triển.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Về bản chất gel rửa tay khô sử dụng cồn và các chất diệt khuẩn mạnh. Về mặt lý thuyết, nhờ cồn và các chất diệt khuẩn mạnh mà gel rửa tay khô có thể diệt được 99% vi khuẩn. Tuy nhiên, trên lý thuyết thì như vậy, còn thực tế liệu các sản phẩm trên thị trường có làm được điều này hay không thì cần phải có những kiểm chứng cụ thể, nhất là các hóa chất được sử dụng có đảm bảo an toàn hay không mới quan trọng.

TS Rachel Orscheln, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Y, Đại học Washington (Hoa Kỳ) cho rằng, gel rửa tay khô có chứa cồn cũng có thể rất hiệu quả trong việc làm sạch tay nếu bàn tay không dính những vết bẩn quá nhem nhuốc. Tuy nhiên, sử dụng gel rửa tay khô có chứa cồn đòi hỏi phải rửa đúng cách mới sạch. Trước hết là lựa chọn sản phẩm gel rửa tay khô phải chứa ít nhất 60% cồn. Lấy một lượng vừa đủ để có thể thoa đều khắp bàn tay, cả mu bàn tay, lòng bàn tay và các ngón tay. Dùng các ngón tay cọ sát với nhau và khắp bàn tay trong ít nhất 20 giây cho đến khi khô hẳn.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không tác dụng với chất bẩn hữu cơ

Theo TS Richard T. Ellison III, giáo sư y học, di truyền học phân tử và vi sinh học tại trường Y, Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ), gel rửa tay diệt khuẩn không dùng nước có thể thay thế cho việc rửa tay với nước và xà phòng khi không có các vết bẩn hữu cơ trên tay, ví dụ như bụi bẩn, dầu mỡ hay các vết bẩn nhìn thấy được. Việc sử dụng cồn và các kháng sinh có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt vi khuẩn và virus, nhưng chỉ khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các vi sinh vật này.

Vì vậy, nếu có là rất nhiều bụi bẩn trên tay, gel rửa tay diệt khuẩn có thể sẽ không chạm đến được các vi sinh vật nằm dưới những bụi bẩn đó. Ngoài ra, gel rửa tay diệt khuẩn không loại bỏ các bụi bẩn. Vì vậy, nếu bạn có thể nhìn thấy hoặc cảm thấy những vết bẩn trên tay thì tốt nhất là rửa bằng xà phòng và nước. Xà phòng có thể giúp phá vỡ các chất hữu cơ và nước giúp rửa sạch chúng.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, dung dịch sát khuẩn dùng để rửa tay này chỉ nên dùng ở bệnh viện, hay khi đi trên tàu xe, những nơi hạn chế nước, không nên áp dụng tại các hộ gia đình. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, việc sử dụng loại gel không cần nước này có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập vi khuẩn và virus qua da, vì cồn sẽ làm cho da bị khô và nứt nẻ, điều đó lại giúp virus chui vào cơ thể thuận lợi hơn. Hãy dùng kem dưỡng sau khi rửa tay bằng gel để phòng ngừa nguy cơ này.

Huy Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/gel-rua-tay-kho-bat-dac-di-moi-phai-dung-528544.html