GEF6: Thiết lập 'dây chuyền lạnh' để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu

Ngày 23-6, tại Trung tâm hội nghị Ariyana, TP Đà Nẵng, Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đã chính thức bắt đầu với hơn 20 Phiên họp song song cấp kỹ thuật của GEF trong đó có 17 cuộc họp của các nhóm cử tri GEF toàn cầu, đến từ 183 quốc gia thành viên.

Các đại biểu tham dự GEF 6 tại phiên họp song phương kỹ thuật ngày 23-6.

Nội dung chính tập trung vào các cách tiếp cận tích hợp trong giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững; an ninh môi trường; kinh tế tuần hoàn và lương thực bền vững; kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa... trong các khu vực thành viên GEF.

Chủ đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững cũng được nhiều nước quan tâm, đây là thực trạng quan trọng của toàn cầu hiện nay. Việt Nam nằm trong nhóm cử tri Đông Á gồm có Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ. Các đại biểu họp bàn tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên GEF 6, xem xét phê duyệt các đề xuất sửa đổi với Văn kiện GEF cho giai đoạn 2018-2022, đưa ra những định hướng ưu tiên cho GEF 7.

Trong ngày 24-6, đã diễn ra phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 với 7 sự kiện song song bên lề, như: "Sạch, mát, thông minh: Chiến lược hệ thống lương thực và khái niệm dây chuyền lạnh để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu" do UNIDO chủ trì; "Tăng cường năng lực quốc gia để đáp ứng về minh bạch" do CI, FAO, UNDP, UN Environment chủ trì; "Cơ sở hạ tầng bền vững - Xây dựng đổi mới và chuyển động toàn cầu để phòng tránh mất đa dạng sinh học và thoái hóa rừng từ đầu tư cơ sở hạ tầng" do ADB chủ trì; "Kinh nghiệm sử dụng công cụ địa chất không gian để đánh giá, giám sát phục vụ các mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do FAO chủ trì; "Dự án Hỗ trợ và thực hiện NAMAs trong MRC (SPI-NAMA)" do JICA chủ trì; "Hệ thống năng lượng đô thị" do Cơ quan môi trường LHQ chủ trì; "Diễn đàn cho người dùng hỗ trợ đạt được mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do INCCD, CI chủ trì.

* Tại hội thảo "Sạch, mát, thông minh: Chiến lược hệ thống lương thực và khái niệm dây chuyền lạnh để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu" do UNIDO chủ trì, đại diện các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn về tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận lồng ghép đối với hệ thống thực phẩm, mở ra con đường dẫn tới đa lợi ích toàn cầu.

Với chủ đề Sạch, mát, thông minh - Các Chiến lược về thực phẩm và chuỗi lạnh nhằm tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội thảo cũng đã giới thiệu những nỗ lực mà UNIDO và các đối tác của mình đã làm được, nhấn mạnh các phương pháp tiếp cận thực phẩm theo chuỗi giá trị, một cách tiếp cận tổng thể nhằm thiết lập khả năng thích ứng và giảm thiểu một số tác nhân gây thách thức đối với môi trường trên toàn cầu. Ngoài ra, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các doanh nghiệp của khu vực tư nhân, công ty cung cấp dịch vụ chuỗi làm lạnh hàng đầu ABA CoolTrans và Công ty chế tạo máy chế biến cà-phê nổi tiếng Viết Hiền cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận lồng ghép hệ thống thực phẩm để có thể tạo nhiều lợi ích toàn cầu đồng thời xem xét tầm quan trọng của việc kết hợp công nghệ sáng tạo và kỹ thuật trong quá trình xử lý, vận chuyển và lưu kho các sản phẩm nông nghiệp mà sử dụng tối thiểu năng lượng cũng như giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch và rác thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...

Được biết, trọng tâm các hoạt động hỗ trợ của UNIDO tại Việt Nam là chia sẻ các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân và các cơ sở nghiên cứu kỹ thuật và công nghiệp. Các hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực thương mại, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, xúc tiến đầu tư, và tăng cường thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Với bề dày kinh nghiệm, UNIDO tập trung hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho việc chuẩn bị và thực hiện các chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp và thương mại. Trong tương lai, ưu tiên của UNIDO dành cho Việt Nam là sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả.

HỒNG THANH – NGUYỄN SƠN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_191378_gef6-thiet-lap-day-chuyen-lanh-de-tang-cuong-tinh-chong-chiu-voi-bien-doi-khi-hau.aspx