GDP Việt Nam tăng 6,8% trong năm 2019

Đây là dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2019. Theo ADB, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020, tương ứng 6,8% và 6,7%.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm nhẹ từ 7,0% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Tuy vậy, tác động bất lợi của việc giảm tốc độ tăng xuất khẩu lên tăng trưởng GDP đã được hạn chế nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục giữ vững.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo ADB, dù tăng trưởng GDP có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. GDP của Việt Nam được dự báo tăng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm 2020, sau khi aaà̈ bûát phaá maånh vúaí tỷ lïå 7,1% trong năm 2018. Đặc biệt, ADB dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống 3,5% cho năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều giảm nhẹ, song ở các mức độ khác nhau. Hạn hán kéo dài và dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm cho tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm từ 3,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 2,4% trong cùng kỳ năm nay. Trong ngành nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 1,3% và tăng trưởng sản lượng lâm nghiệp cũng giảm từ 5,5% xuống 4,2%, trong khi thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 6,4%.

Lạm phát bình quân giảm từ 3,3% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 2,6% trong nửa đầu năm nay. Đây là mức lạm phát bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối tăng, đến tháng 6/2019 đạt tương đương 3 tháng nhập khẩu.

Giải ngân vốn FDI tăng 8,1% trong nửa đầu năm 2019, đạt 9,1 tỷ USD, tương đương 8,4% GDP. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018, đạt 8,1 tỷ USD.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam - nhận định: Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.

ADB cho rằng, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn của Việt Nam.

Báo cáo của ADB cũng nêu lên những rủi ro đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, rủi ro lớn nhất từ bên ngoài là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm.

Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gdp-viet-nam-tang-68-trong-nam-2019-125748.html