GDP tăng kỷ lục: Nội lực chiếm bao nhiêu?

Tăng trưởng không dựa trên nội lực cũng giống nỗ lực của một người ốm, vượt lên chính mình. Tuy nhiên, điều này chỉ có một giới hạn.

Không thể dựa mãi vào FDI

PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá, chỉ số tăng trưởng GDP quý III tăng kỷ lục với 7,46% là rất ngạc nhiên song có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố như: tác động từ đầu tư phát triển, tác động từ chính trị, xã hội... Điều này cho thấy, đã có một yếu tố đột biến tác động vào kinh tế, sản xuất khiến GDP tăng vọt chỉ trong một thời gian ngắn.

GDP tăng trưởng nhưng phải mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho nền kinh tế nội địa

Khi nhìn vào 3 lý do chính giúp GDP quý III tăng trưởng mạnh mẽ mà Tổng cục Thống kê công bố bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; Sản xuất nông nghiệp- thủy sản; đáng chú ý là xuất khẩu tăng mạnh với sự đóng góp chủ yếu của khu vực FDI... PGS.TS Lê Cao Đoàn nói thẳng Việt Nam đang làm lợi cho FDI chứ sản xuất nội địa không có nhiều.

Ông giải thích, xuất khẩu của nước ta năm 2016 tăng 8,6%, cao hơn mức tăng của năm 2015 (8,1%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017, theo báo cáo kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Sẽ là rất đáng mừng vì với tỉ lệ xuất siêu tăng mạnh như vậy ít nhiều sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực tài chính, tiền tệ... Tuy nhiên, nhìn vào cấu phần xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI đang lấn lướt hoàn toàn xuất khẩu trong nước.

Một chứng minh đã cho thấy, khối FDI luôn xuất siêu, ngược lại khối doanh nghiệp nội luôn nhập siêu. Xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD từ năm 2012 (114,5 tỷ USD), song đến năm 2016, khối nội chỉ đạt đúng 50 tỷ USD.

Riêng năm 2016 xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội chỉ tăng 4,8%, trong khi mức tăng chung là 8,6% và khối FDI tăng 10,2%.

Xuất siêu tăng mạnh như vậy nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này không tăng lên đáng kể (15,2% năm 2005 và 18,07% năm 2015).

PGD.TS Lê Cao Đoàn nhận định, sự tăng trưởng nhảy vọt của GDP quý III chủ yếu nhờ vào tỉ trọng xuất nhập khẩu của khối FDI. Về trước mắt có thể ghi nhận bảng thành tích đẹp đẽ đó, nhưng về lâu dài cần phải thừa nhận nội lực sản xuất trong nước vẫn chưa được cải thiện.

Đáng nói, động lực để FDI bứt phá lại nhờ những chính sách ưu đãi, trải thảm đỏ trong thu hút đầu tư. Còn thành quả xuất siêu chủ yếu là nhờ vào những mặt hàng được gia công, lắp ráp chứ không phải nhờ công nghệ chế tạo, sản xuất...

"Muốn đất nước phát triển thì phương thức sản xuất, kết cấu nền kinh tế trong nước phải thay đổi. Tức là phải dựa trên năng lực thực sự của nền kinh tế nội địa chứ không phải dựa vào những thành tựu của doanh nghiệp FDI. FDI chỉ nên coi là chất xúc tác tạo đà cho kinh tế trong nước phát triển, không phải là nhân tố phát triển bền vững", ông Đoàn nói.

Nói thêm về thết kế của nền kinh tế nội địa, PGS.TS Lê Cao Đoàn nói thẳng có nhiều thiết kế chưa phù hợp, chưa tạo ra nền tảng căn bản. Yêu cầu căn bản của một nền kinh tế hiện đại là phải đòi hỏi có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức làm việc...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp dù được đánh giá có tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng phải thừa nhận những giá trị nhận được không đáng là bao. Sản xuất nông nghiệp cơ bản còn rất lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém, giá thành cao, trong khi công nghệ chế biến không có. Điển hình từ bài học vải, nhãn, thanh long... sản xuất nhiều nhưng giá trị thu về lại rất nhỏ.

Tăng trưởng nóng như nỗ lực người ốm

Một điểm đáng chú ý nữa theo PGS.TS Lê Cao Đoàn là chỉ số GDP tăng rất mạnh nhưng lạm bình quân 9 tháng theo báo cáo lại rất thấp (là 1,45%). Vị chuyên gia cho rằng, con số trên phải được coi như một chỉ báo cho một chu kỳ đi xuống.

Vị PGS cảnh báo, nếu tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ thơi gian qua mà dựa trên những yếu tố mới thì đây là tín hiệu đáng vui mừng mở ra một chu kỳ mới của sự phát triển. Ngược lại, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như khai thác dầu mỏ, sản xuất thép... để kích thích "tăng trưởng nóng" là điều rất nguy hiểm.

GDP tăng kỷ lục: Mừng nhưng phải thận trọng...

Ông Đoàn ví von, tăng trưởng không dựa trên nội lực cũng giống nỗ lực của một người ốm, vượt lên chính mình. Tuy nhiên, điều này chỉ có một giới hạn.

"Trong ngắn hạn cần có sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, nghĩa là muốn tăng trưởng đạt tốc độ cao thì phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định. Nếu bằng mọi giá phải đạt được đồng thời cả hai mục tiêu trên sẽ rất dễ xa vào vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế", ông Đoàn lưu ý.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng đánh giá GDP phải dựa trên cấu trúc giá trị của nó. Nếu xuất - nhập khẩu tăng nhưng chủ yếu dựa vào khu vực FDI thì giá trị tạo lợi nhuận là FDI đang hưởng, còn Việt Nam chỉ có một chút ít lợi từ việc gia công, lắp ráp và nhân công giá rẻ.

Vì vậy, ông Đoàn nhấn mạnh, giá trị đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho nền kinh tế trong nước phải dựa trên giá trị sản xuất từ chính các doanh nghiệp trong nước chứ không phải từ FDI.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/gdp-tang-ky-luc-noi-luc-chiem-bao-nhieu-3344470/