'GDP quý I chưa đạt so với Quốc hội giao nhưng tích cực so với các nước'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá mức tăng trưởng 3,32% của quý I dù chưa đạt được như Quốc hội giao nhưng là kết quả tích cực, bởi nhiều nước có tăng trưởng thấp, thậm chí có nước tăng trưởng âm.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

3 khó khăn lớn nhất

Giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm 1/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong lúc tình hình thế giới rất khó khăn, kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2022 là tích cực, rất đáng trân trọng, tự hào.

Thành quả này có được, theo Bộ trưởng, là do sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự giám sát, đồng hành hiệu quả của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng; sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

“Một truyền thống hết sức tốt đẹp của dân tộc ta, là mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì Việt Nam lại đoàn kết hơn, đồng lòng hơn và mạnh mẽ hơn”, ông Dũng nói.

Về tình hình năm 2023, Bộ trưởng cho hay từ cuối năm 2022 đã có nhiều khó khăn. Đảng, Chính phủ đã nhận diện được hết những vấn đề này và có nhiều chính sách ứng phó.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết một số bộ phận cán bộ đang còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ của mình.

Mặc dù chưa đạt được kết quả như Quốc hội đã giao, nhưng theo Bộ trưởng, mức tăng trưởng của quý I/2023 đạt 3,32% cũng là một kết quả tích cực so với các nước trên thế giới.

Đối với các vấn đề đại biểu nêu về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện nay khó khăn tập trung ở 3 vấn đề. Thứ nhất là thị trường, thứ hai là dòng tiền và thứ ba là thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.

Bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân đã và đang thực hiện, Bộ trưởng khẳng định thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động, qua đó hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Phân cấp mạnh mẽ trong đầu tư công

Về đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa khẳng định “đến nay tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả quyền cho các bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công...”.

Bộ trưởng nêu rõ, “Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát, đúng thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để phân giao một cục về cho địa phương, trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm thì địa phương phân chi tiết cho từng dự án, các bộ trên trung ương không còn làm những việc đó nữa”.

Giải thích về việc cùng một mặt bằng pháp lý mà nơi làm tốt, nơi không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công.

Tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu nêu về việc phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo hướng trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát. Cấp địa phương phải chịu trách nhiệm thực hiện, “chứ không để trên này các vấn đề cứ vướng”, Bộ trưởng nói.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/gdp-quy-i-chua-dat-so-voi-quoc-hoi-giao-nhung-tich-cuc-so-voi-cac-nuoc-20180504224285053.htm