GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%

Mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% trong năm 2019 là khả thi.

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2019 vào ngày 28/6, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những tháng tiếp theo.

Mức tăng trưởng 6,76% trong 6 tháng đầu năm 2019 được đánh giá là thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.

Trong khi đó, về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21% (cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2018 là: 14,13%; 33,83%; 41,8%; 10,24%).

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhận xét, mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% trong năm 2019 là khả thi. Bởi lẽ, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tuy không tăng nhanh bằng năm 2018, nhưng vẫn duy trì mức khá cao.

Các doanh nghiệp khá lạc quan, ông Hùng dẫn số liệu có 83,5% doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I và 88,6% tin là quý III hơn quý II.

Các hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, tiêu dùng tăng cao, trong khi chỉ số giá cả tiêu dùng CPI duy trì ổn định. Điểm cần lưu tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, các hiệp định thương mại sẽ có tác động nhiều chiều đến xuất nhập khẩu, trong khi đó cần tính đến việc suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tình hình dịch tả lợn châu Phi và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ -Trung ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng cuối năm như thế nào nhận được sự quan tâm lớn của các phóng viên.

Theo Tổng cục Thống kê, để hạn chế ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tới tăng trưởng của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2019, ngành nông nghiệp nên tăng cường chăn nuôi gia cầm, gieo trồng rau củ quả ngắn ngày, nuôi trồng thủy hải sản. Ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái để tái đàn sau dịch bệnh, không tái đàn đối với các cơ sở bị dịch bệnh trước đó.

Đối với Việt Nam, bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ tạo 3 cơ hội: thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước, tạo lợi ích về quan hệ thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với Trung Quốc và với các nước khác.

Tuy nhiên, bối cảnh này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng Việt Nam, thâm hụt thương mại Việt Nam với các nước sẽ rất lớn, xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn hàng chất lượng cao, chúng ta phải đối phó với gian lận thương mại, tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gdp-6-thang-dau-nam-2019-tang-676-3382822/