Gãy xương sẽ không còn là nỗi ám ảnh của người già

Xương gãy là nỗi ám ảnh của bất cứ người già nào trên thế giới, bởi lẽ xương của người cao tuổi phục hồi rất chậm sau khi bị gãy nghiêm trọng và thường chết vì loãng xương.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí PNAS tháng 3/2019 đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây ra tình trạng xương suy yếu của người già không phải là do sự lão hóa của mô xương mà là do sự gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể.

"Chính sự viêm nhiễm - không phải tuổi tác – là nguyên nhân khiến xương người già phục hồi chậm sau khi bị gãy. Do đó, có thể "trẻ hóa" mô xương và giúp người cao tuổi tránh được các vấn đề nghiêm trọng bằng cách sử dụng thuốc chống viêm", Anne-Marie Josephson thuộc Đại học New York (Mỹ) cho biết.

Người già sợ nhất bị gãy xương

Người già sợ nhất bị gãy xương

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã khởi động lại các cuộc tranh luận về bản chất của quá trình lão hóa và chết ở người và động vật. Một số nhà sinh vật học theo thuyết tiến hóa tin rằng đó không phải là một quá trình tự phát được kiểm soát bởi một "phần mềm" nhất định, nghĩa là bởi một bộ gen. Bộ mã gen này buộc cơ thể phải già và chết đi để nhường chỗ cho thế hệ mới.

Các nhà nghiên cứu khác nói rằng lão hóa là một quá trình tích lũy những biến thể, các "chất thải" protein và những lỗi của tế bào. Tất cả điều này khiến các tế bào "già" không còn tham gia vào các quá trình quan trọng của cơ thể. Các nhà khoa học gần đây đã chứng minh rằng việc loại bỏ những hạn chế trên khỏi cơ thể giun thí nghiệm đã giúp kéo dài đáng kể cuộc sống của chúng và cải thiện sức sống của chúng.

Quá trình tích lũy trên cũng dẫn đến sự tăng trưởng mức độ viêm trong các cơ quan khác nhau của cơ thể. Dựa trên dữ liệu từ các thí nghiệm Drosophila và quan sát về sự sống của tế bào gốc trong não chuột, các nhà nghiên cứu thấy rằng sự gia tăng mức độ viêm đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa của cơ thể và trong sự xuất hiện của các đặc điểm lão hóa.

Nhà nghiên cứu Anne-Marie Josephson và các đồng nghiệp cũng phát hiện một đặc điểm quan trọng khác ở xương của người già: số lượng tế bào gốc có khả năng tham gia quá trình "sửa chữa" xương gãy nhanh chóng giảm xuống theo tuổi.

Sau khi đưa máu của chuột già vào tủy xương của chuột non thí nghiệm, các nhà khoa học đã thấy điều bất ngờ: tốc độ phân chia tế bào gốc đã chậm lại đáng kể - giảm bốn lần - trong khi một tỷ lệ đáng kể các tế bào này bị "nghỉ hưu" sớm.

Sau phát hiện đáng kinh ngạc này, các nhà nghiên cứu hiểu ra rằng máu của loài gặm nhấm già chứa các phân tử thúc đẩy sự kích hoạt chuỗi gen NF-kB, phụ trách điều khiển hệ miễn dịch và viêm mãn tính.

Theo các nhà nghiên cứu, quá trình này có thể được kiềm chế bằng thuốc aspirin thông thường hoặc các chất khác có thể vô hiệu hóa các phản ứng viêm. Các tế bào gốc già sau khi được điều trị trẻ hóa bắt đầu hoạt động giống như các mẫu được lấy từ cơ thể của những con chuột non.

Điều này có nghĩa là người cao tuổi có thể tránh được chứng loãng xương hoặc gãy cổ xương đùi chỉ bằng cách uống aspirin? Các nhà khoa học chỉ ra rằng việc tự điều trị như vậy sẽ không mang lại kết quả khả quan và sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn nếu người già dùng loại thuốc này ngay sau khi gãy xương.

Thực tế là những loại thuốc này không chỉ ức chế viêm mãn tính, mà còn tất cả các phản ứng miễn dịch tương tự, bao gồm cả viêm cấp tính có vai trò chính trong việc phục hồi gãy xương.

Anne-Marie Josephson và các đồng nghiệp hiện đang cố gắng tìm cách vừa làm trẻ hóa xương của người già nhưng cũng vừa phép họ dùng các loại thuốc chống viêm hiện có trước khi phẫu thuật hoặc sau khi gãy xương.

Điều này có thể cho phép người già tích lũy đủ tế bào gốc hoạt động để ngăn ngừa loãng xương và các biến chứng khác liên quan đến phẫu thuật hoặc chấn thương xương do tai nạn.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gay-xuong-se-khong-con-la-noi-am-anh-cua-nguoi-gia-530518.html