Gây quỹ xuất bản và vai trò của độc giả trong thời đại 4.0

Gây quỹ xuất bản là một trong những xu hướng dần được bạn đọc tiếp nhận. Ở đó, độc giả có vai trò quyết định đối với quá trình xuất bản một cuốn sách.

Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nhanh chóng những mô hình thuộc nhiều lĩnh vực. Hoạt động xuất bản cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Sự phát triển của công nghệ đồng thời cũng làm thay đổi mô hình và quá trình xuất bản, từ sáng tạo đến tiêu dùng, từ tác giả đến bạn đọc. Theo đó, những xu hướng xuất bản mới dần được hình thành. Gây quỹ xuất bản là một trong những xu hướng dần được bạn đọc tiếp nhận và tiếp cận gần hơn. Từ đây, vai trò của độc giả đối với quá trình xuất bản một cuốn sách dần được thay đổi một cách rõ nét.

Sân chơi mới cho người đọc

Trong những năm gần đây, khái niệm “gây quỹ xuất bản” đã không còn quá xa lạ với độc giả Việt. Có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2012, cho đến nay, xu hướng xuất bản này dần được bạn đọc tiếp nhận, ủng hộ và ngày càng phát triển. Và độc giả đã đóng một vai trò mới trong quy trình xuất bản: Vai trò nhà đầu tư.

Ở hình thức xuất bản truyền thống, độc giả chỉ được biết đến tác phẩm bằng cách “mua chúng” sau một quá trình xuất bản kỹ lưỡng. Ngược lại, ở hình thức gây quỹ, độc giả chính là nhà tài trợ để một cuốn sách ra đời. Họ được quyền biết đến cuốn sách ngay từ khi nó còn là bản thảo.

Có thể, độc giả cũng chính là người quyết định hình hài của cuốn sách. Tính đến nay, đã có không ít dự án sách được xuất bản theo hình thức này và rất thành công, điển hình như: Bộ truyện tranh lịch sử Long Thần Tướng, Ma Đạo Tổ Sư, bộ sách Helping Your Child

 Long thần tướng là bộ sách khởi đầu cho trào lưu gây quỹ xuất bản ở Việt Nam.

Long thần tướng là bộ sách khởi đầu cho trào lưu gây quỹ xuất bản ở Việt Nam.

Nối tiếp những thành công ấy, mới đây nhất, Waka, công ty được biết đến là đơn vị phát hành sách điện tử bản quyền hàng đầu Việt Nam, đã phát triển xu hướng này với bộ sách Boss là nữ phụ vào cuối năm 2019. Tác phẩm được độc giả đón đọc và ủng hộ dù đã xuất bản thành sách điện tử (ebook). Chỉ trong vòng 6 tuần kêu gọi, gần 600 độc giả đã ủng hộ số tiền lên tới 181 triệu đồng, hoàn thành 139% so với mục tiêu ban đầu (130 triệu đồng) để xuất bản Boss là nữ phụ.

Độc giả sẵn sàng đóng góp nhiều lần mà không cần nhận lại sách, chỉ để đảm bảo tác phẩm yêu thích được xuất bản. Khi bộ sách ra đời, đã nhận được không ít phản hồi tích cực từ độc giả từ chất lượng bản thảo đến hình ảnh.

Qua đó cho thấy, với xu hướng xuất bản này, cái nhìn về mối quan hệ sách điện tử và sách giấy có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, khi sách điện tử ra đời, đã có không ít những ý kiến lo ngại rằng sách điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sách giấy.

Tuy nhiên, với dự án mới kiểu này, độc giả và đơn phát hành có cơ hội tương tác nhiều hơn, đồng thời giúp đơn vị phát hành hiểu rõ mong muốn của độc giả, từ đó, họ có thể nắm bắt và chủ động hơn với nội dung của sản phẩm mà họ muốn đầu tư. Nhất là với những tiểu thuyết dài tập, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao.

Theo phản ánh của nhiều độc giả, mặc dù họ đã đọc sách điện tử 100% nội dung, song họ vẫn mong muốn được đọc sách giấy. Một mặt họ muốn ủng hộ bản quyền tác giả, nhưng quan trọng không kém, đó là những trải nghiệm mà chỉ khi đọc sách giấy mới mang lại được. Đó là sự thoải mái khi cầm cuốn sách được in trên giấy, sự tập trung cao độ khiến người đọc lĩnh hội được nội dung tốt hơn… Đó là minh chứng rõ ràng về vị trí của sách giấy.

Mặt khác, với xu hướng xuất bản hiện đại như vậy đã tạo ra một sân chơi cũng như tinh thần gắn kết giữa độc giả với độc giả, độc giả với đơn vị xuất bản và độc giả với tác giả. Thông qua đó, độc giả chính là nhưng thành viên giám sát chất lượng của sản phẩm.

Những tác động tích cực của xu hướng tới độc giả trẻ

Khi xu hướng gây quỹ xuất bản mới xuất hiện ở Việt Nam, đã có không ít những quan ngại về vấn đề minh bạch tài chính, cũng như chất lượng của thành phẩm... Tuy nhiên, qua thời gian và thực tiễn đã chứng minh, những vấn đề ấy dần được giải tỏa và lấy được lòng tin của độc giả.

Hơn thế, với hình thức xuất bản này, vấn đề bản quyền ngày được nâng cao, siết chặt cũng như bởi chính những độc giả, những nhà đầu tư. Độc giả đã cùng chung tay với tác giả và đơn vị xuất bản bảo vệ bản quyền của tác phẩm thay vì tình trạng sách lậu diễn ra tràn lan và luôn là bài toán khó đối với các đơn vị xuất bản.

Nhiều độc giả dù đã đọc trọn bộ ebook Boss là nữ phụ những vẫn gây quỹ xuất bản vì muốn được đọc sách giấy.

Khi bộ tiểu thuyết Boss là nữ phụ được xuất bản, đã có không ít người muốn trục lợi bằng cách bán sách lậu, sách kém chất lượng. Và chính những độc giả đã là những người phát hiện, thông báo với đơn vị xuất bản, chia sẻ và lan tỏa với cộng đồng “nói không với sách giả”, khiến những kẻ trục lợi đã phải tự động gỡ bài đăng bán. Điểm đặc biệt là, độc giả của bộ sách có độ tuổi trung bình chỉ từ 14-16 tuổi. Trước khi sách giấy được xuất bản, những độc giả trẻ ấy đã không ít lần kêu gọi tẩy chay và lên án việc chia sẻ nội dung tác phẩm lên những trang mạng xã hội không có bản quyền.

Gây quỹ xuất bản là một hướng đi không chỉ tốt trong vấn đề bản quyền mà còn tốt khi thúc đẩy độc giả đọc sách văn minh hơn, chất lượng hơn giúp xây dựng thị trường xuất bản không sách lậu.

Có thể nói, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, xu hướng gây quỹ xuất bản đã và đang là trào lưu được độc giả ủng hộ rất sôi nổi. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực đến những bạn đọc trẻ. Những hoài nghi, những trọng tâm thiên về kinh tế dần giảm đi mà thay vào đó là ý thức cao độ của độc giả trong vấn đề bản quyền và sách lậu. Điều ấy góp phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.

Ý An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gay-quy-xuat-ban-va-vai-tro-cua-doc-gia-trong-thoi-dai-40-post1054841.html