'Gậy ông đập lưng ông'

Mỹ-Nga vẫn đang lùng nhùng tranh cãi quanh những tuyên bố của Washington về việc sẽ rời khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) – một thỏa thuận có hiệu lực năm 1988, trong đó cả hai ông lớn này cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Hiệp ước này đánh dấu một thỏa thuận quan trọng giữa 2 nước là trung tâm của cuộc chạy đua vũ trang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nhưng giờ đây, nó đang có nguy cơ chết yểu khi Mỹ đã gửi một “tối hậu thư” cho Nga, đe dọa rút khỏi INF trong 2 tháng tới. Theo đó, Washington tuyên bố sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Hiệp ước INF trong 60 ngày, trừ khi Nga quay lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận này. Tất nhiên, Washington có cái lý của họ khi gây sức ép với Moscow như vậy. Nhưng nếu Washington thật sự quyết định rời đi, đó có thể là quyết định phản tác dụng.

Trước mắt, việc Washington rút khỏi hiệp ước này sẽ đặt thế giới vào một cuộc khủng hoảng kiểm soát vũ khí và Mỹ tìm cách hưởng lợi nhiều hơn từ động thái này của mình. Nga không phải là lý do chính để ông chủ Nhà Trắng đưa ra quyết định rút khỏi hiệp ước này, mà chính là Mỹ, dù Washington cứ khăng khăng đổ lỗi cho Moscow vi phạm thỏa thuận. Bởi thực tế là Mỹ không muốn nước nào khác có thể chiếm ưu thế trước trong một cuộc chạy đua vũ trang” mà không có các thỏa thuận”.

Việc từ bỏ hiệp ước này cũng làm dấy lên suy đoán liệu Mỹ có phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung trên bộ trong tương lai hay không. Một quyết định sai lầm của Washington cũng sẽ đẩy mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh Châu Âu rơi vào căng thẳng. Các đồng minh Châu Âu của Mỹ tất nhiên không hề vui mừng nếu Tổng thống Trump muốn rút khỏi hiệp ước này, một thỏa thuận vốn giúp bảo đảm hòa bình và an ninh trên lãnh thổ Châu Âu trong suốt 30 năm qua. Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ với Trung Quốc, Nga đang căng thẳng như thế này, hệ quả này chắc chắn là điều Nhà Trắng không hề mong muốn.

Đó là chưa kể đến nguy cơ sẽ đe dọa sự tồn vong của toàn bộ thỏa thuận tương tự, trong đó có Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) giữa Mỹ và Nga. Bởi khi nền tảng INF bị dỡ bỏ, không rõ liệu New START và việc kiểm soát cũng như cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm xa nói chung có thể được duy trì hay không.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_199304_.aspx