Gây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản

Sau 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Trong đó, có 18 mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều loại trái cây của Vĩnh Long đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính.

Nhãn Edor của huyện Long Hồ được chứng nhận VietGAP.

Nhãn Edor của huyện Long Hồ được chứng nhận VietGAP.

Mở rộng diện tích cây đặc sản

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ðến nay, ước tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh đạt 54.770 ha (vượt 1,4% chỉ tiêu đến năm 2020 là 54 nghìn ha). Trong đó, diện tích cây có múi tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2017, nhất là cam sành trên đất lúa, bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Ðến cuối năm 2017, diện tích cây có múi đạt hơn 18.200 ha, tăng 16,1% so năm 2013, và vượt so với kế hoạch cơ cấu lại đến năm 2020 khoảng 3.200 ha. Trong đó, cây cam tăng 18,22%, đạt 9.244 ha; cây bưởi tăng thêm 14,04%, đạt hơn 8.979 ha. Cùng với mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp và nông dân tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế để tạo ra sản phẩm chất lượng theo hướng GAP và xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả đặc sản của địa phương.

Ðể nâng sản lượng và chất lượng vườn cây ăn quả, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ hơn 500 nghìn cây giống, gồm nhãn Edor, xuồng cơm vàng, chôm chôm, bưởi da xanh và sầu riêng cho hơn 2.000 ha vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, bệnh nặng, khó phục hồi tại các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm và TP Vĩnh Long. Ðáng chú ý, Chi cục đã hỗ trợ nông dân thành lập 80 tổ hợp tác sản xuất và 18 mô hình tổ dịch vụ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), thu hút 7.175 hộ nông dân tham gia. Trong đó, có mô hình 10 ha bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại thị xã Bình Minh; 50 ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại hai huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Ðến nay, nhiều mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Tiến sĩ Huỳnh Kim Ðịnh, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2017, dự định xây dựng vùng chuyên canh bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ khoảng 10 ha để thực nghiệm, nhưng sau khi khảo sát và vận động, người dân đã tham gia ngày càng đông với 141 hộ và diện tích hơn 95 ha. Hiện tổ hợp tác đã liên hệ với các công ty và cơ quan chức năng xây dựng dây chuyền chế biến, kho bãi hàng hóa, đồng thời cơ bản hoàn thành về truy xuất nguồn gốc, mã vạch… Ðể nâng cao giá trị sản phẩm bưởi Năm Roi, Chi cục đã liên hệ với các doanh nghiệp, công ty khi bao tiêu sản phẩm phải mua hết của nông dân, sau đó phân ra các loại rõ ràng để đối tác có cách xuất bán ở những nơi thích hợp, từ đó tạo lòng tin trong nhân dân.

Ðến xã Hòa Ninh, một trong bốn xã cù lao của huyện Long Hồ, chúng tôi được ông Lương Cánh Dân, Chủ nhiệm tổ hợp tác kinh tế vườn Hòa Lợi, cho biết: Tổ hợp tác được thành lập từ cuối năm 2013, ban đầu chỉ có 21 hộ với 11,5 ha trồng nhãn Edor, đến nay đã thu hút được 82 hộ tham gia với diện tích 45 ha. Cuối tháng 12-2016, tổ hợp tác đã xây dựng được mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP có 44 hộ tham gia với diện tích 20 ha và sản lượng 200 tấn/năm. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, những trái nhãn này đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước khó tính. Ông Dân chia sẻ: “Xây dựng được mô hình thành công, cả cán bộ nông nghiệp, lãnh đạo địa phương và người dân đều trải qua một quá trình dài vất vả. Chúng tôi phải phối hợp với cán bộ nông nghiệp đến tận vườn nhà người dân trồng nhãn để tìm hiểu, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm giúp họ biết lợi ích của việc tham gia mô hình VietGAP. Người dân dần thay đổi những thói quen, tập quán cũ và thực hiện các bước sản xuất hiện đại, khoa học, ghi chép cẩn thận từng giai đoạn phát triển, sinh trưởng của cây cho đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giờ đây, nông dân chúng tôi không sợ cực, chỉ sợ đầu ra chưa đáp ứng với những gì mong muốn. Ông Dân khẳng định thêm: Với thổ nhưỡng và thời tiết cùng kinh nghiệm, người dân của xứ cù lao Long Hồ này đã và đang điều khiển được cây cho ra trái quanh năm. Do vậy, nếu có hợp đồng xuất khẩu liên tục, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu của tất cả các công ty.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm

Chúng tôi về thị xã Bình Minh, nơi hiện có hơn 1.900 ha bưởi Năm Roi, tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Hòa, Ðông Thành và Thuận An, cung cấp cho thị trường hằng năm hơn 23.700 tấn. Ðiều đáng mừng là bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ðây là điều kiện thuận lợi để trái bưởi Năm Roi - Bình Minh vươn xa...

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Nguyễn Văn Mạnh cho biết, toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 2.345 ha, trong đó diện tích đất trồng bưởi là 1.163 ha (hiện đang cho trái 1.017 ha), với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá bưởi trung bình bảy tháng đầu năm 2018 đạt 19 đến 22 nghìn đồng/kg, mang lại cho người nông dân thu nhập từ 360 đến 600 triệu đồng/ha/năm, vì thế hầu hết nông dân trồng bưởi đều phấn khởi.

Những ngày này, tại vùng chuyên canh bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, ai ai cũng phấn khởi vì vừa trúng mùa vừa được giá. Anh Trần Công Trường (40 tuổi, ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Hòa) cho biết, vừa rồi có chuyến hàng lớn, gia đình anh phải thức trắng hai đêm để lo đủ số hàng cho thương lái ở các tỉnh miền bắc với số lượng 50 tấn. Anh Trường vừa là chủ doanh nghiệp tư nhân thu mua bưởi ở địa phương vừa là tổ trưởng tổ hợp tác bưởi Năm Roi theo mô hình VietGAP ở xã Mỹ Hòa. Anh Trường phấn khởi cho biết: Kết quả sau một năm vào tổ hợp tác theo mô hình VietGAP, nông dân ở đây ai cũng mừng vì vườn bưởi của người dân nơi đây vừa giảm chi phí đầu tư lại vừa tăng năng suất thấy rõ mà lại an toàn, đầu ra tương đối ổn định. Làm VietGAP dù cực hơn nhưng dần dần ai cũng thấy yên tâm khi vườn bưởi ngày càng tươi tốt và bán được giá.

Ðồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy việc đầu tư sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Các mô hình hợp tác sản xuất bền vững mang tính hình thức, do mối liên kết giữa các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) chưa chặt chẽ, chưa có nhà nào làm “nhạc trưởng”; các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu điều phối sản xuất, liên kết sản xuất tiêu thụ chưa nhiều; doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp còn ít, thiếu doanh nghiệp mạnh để làm đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị sản phẩm rõ nét, chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc, khâu phối hợp giữa sản xuất và tiêu thụ chưa tốt cho nên khó nhân rộng các mô hình trình diễn về cơ cấu lại hiệu quả. Công nghiệp chế biến tạm trữ còn hạn chế, khâu tổ chức và dự báo thị trường còn nhiều bất cập.

Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, các ngành và địa phương đang rà soát lại những thành quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thời gian qua, phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả ở địa phương; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực cho lựa chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư có trọng điểm và xây dựng được chuỗi sản phẩm này; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến xuất khẩu, dần xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả, bền vững. Ðây là những nhân tố bảo đảm thành công để cơ cấu lại nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ DŨNG

(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Vĩnh Long)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37363502-gay-dung-vung-chuyen-canh-cay-an-qua-dac-san.html