Gay cấn cuộc cạnh tranh quyền lực Nga- Thổ ở Nam Caucasus

Một trong những điểm nóng địa chính trị còn sót lại sau sự sụp đổ của Liên Xô, cuộc xung đột Nagorny-Karabakh đã bùng phát sau khi một khu vực tự trị của nước Cộng hòa Azerbaijan với đa số là người Armenia bỏ phiếu ủng hộ ly khai và thống nhất với quốc gia láng giềng Armenia. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để mắt đến Nam Caucasus, khiến Nga phải vất vả kiềm chế tham vọng ngày càng tăng của Ankara về việc mở rộng đế chế Ottoman mới.

Sau khi có hàng chục nghìn người thương vong và nhiều báo cáo về việc thanh lọc sắc tộc, Armenia và Azerbaijan đã đàm phán về một lệnh ngừng bắn vào năm 1994 với Moscow đóng vai trò trung gian. Ngoại trừ các cuộc giao tranh nhỏ trong những thập kỷ sau đó, cuộc xung đột phần lớn vẫn đóng băng cho đến nay. Cuối tháng 9 vừa qua, Azerbaijan đã phát động một cuộc chiến toàn diện để chiếm lại Nagorny-Karabakh. Hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng và tội ác chiến tranh mới đang diễn ra hàng tuần.

Bàn tay của Ankara hiện hữu ở khắp nơi trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh năm 2020 kể từ khi cuộc chiến tái bùng phát. Nếu trước đó Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí cho Baku với số lượng không đáng kể, thì hoạt động này đã tăng đột biến trong vài tháng trước khi nổ ra cuộc tấn công của người Azerbaijan. Chỉ vài tuần trước cuộc tấn công, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Nam Caucasus.

Đầu mùa hè năm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Azerbaijan được cho là đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về cách ứng phó với “những hành động khiêu khích” của Armenia. Với số lượng bằng chứng quá lớn này, ngày càng khó có thể tin rằng Ankara không hề liên quan đến quyết định của Azerbaijan nhằm chiếm lại Nagorny-Karabakh bằng vũ lực. Sự can dự sau đó của Ankara thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn. Có rất nhiều tài liệu ủng hộ cáo buộc mà Paris chính thức đưa ra hồi đầu tháng 10 vừa qua và sau đó được Moscow nhắc lại - rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyển mộ hàng nghìn lính đánh thuê từ Syria và Libya để chiến đấu ở Nagorny-Karabakh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong một cuộc gặp Tổng thống Erdogan. Ảnh tư liệu

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong một cuộc gặp Tổng thống Erdogan. Ảnh tư liệu

Trong khi tất cả các bên khác hiện tham gia môi giới đàm phán giải quyết cuộc xung đột Nagorny-Karabakh - gồm Nga, Mỹ và Pháp, gọi chung là “Nhóm Minsk”- tiếp tục tuyên bố lập trường trung lập của họ, ông Erdogan không giấu giếm sự ủng hộ công khai của Ankara đối với Azerbaijan. Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp hồi tháng trước, ông Erdogan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Azerbaijan để giải phóng các vùng đất của mình.” Về mặt nào đó, sự phát triển này đã diễn ra từ lâu: Ông Erdogan đã dành nhiều năm để nuôi dưỡng ý tưởng liên Thổ, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan là “Một quốc gia, hai nhà nước”, được liên kết bởi một bản sắc văn hóa dân tộc và vận mệnh địa chính trị chung.

Trước động thái này, Moscow gần như không có mấy phản ứng hoặc hành động - và không chỉ ở Azerbaijan. Từ việc vận động hành lang để Kazakhstan chấm dứt sử dụng bảng chữ cái Cyrillic đến việc xây dựng một vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ bán tự trị ở các khu vực Hồi giáo của Gruzia, Ankara đang từng bước tạo ra các phạm vi ảnh hưởng chồng chéo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đế chế Ottoman mới ở các khu vực biên giới phía Nam, vốn quan trọng đối với lợi ích an ninh của Nga. Ankara cũng không che giấu chiến dịch mở rộng ảnh hưởng lớn này trên các vùng đất hậu Xô Viết. Đáng lo ngại hơn nữa đối với Nga là ngày càng có nhiều báo cáo cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đề nghị trực tiếp với các dân tộc thiểu số Hồi giáo của Nga, bao gồm cả người Tatar và người Bashkir, dựa trên cơ sở tính đồng nhất tất cả đều là người Hồi giáo.

Đặt trong bối cảnh địa chính trị riêng, việc tái bùng phát xung đột ở Nagorny-Karabakh là đỉnh điểm của tham vọng đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay ở Nam Caucasus. Vào thời điểm mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia một loạt dự án kinh tế và quân sự- đường ống dẫn khí South Stream, hợp tác phát triển hệ thống tên lửa S-500, nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí và kim ngạch thương mại hai chiều đáng kể, Moscow không muốn đối đầu với chủ nghĩa bành trướng của Erdogan pha trộn giữa chủ nghĩa Ottoman mới, chủ nghĩa liên Hồi giáo và chủ nghĩa liên Thổ.

Nhưng khi Erdogan ngày càng trở nên táo tợn hơn trong việc khẳng định lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp khu vực “dễ bị tấn công” ở phía Nam của Nga, vẫn còn phải xem liệu Điện Kremlin có sẵn sàng vạch ra những lằn ranh đỏ đối với chủ nghĩa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Thậm chí lúc này, Ankara đang phá hoại những nỗ lực ban đầu của Nhóm Minsk nhằm môi giới nền hòa bình bằng cách thúc đẩy nỗ lực chiến tranh của Azerbaijan, nhấn mạnh rằng Baku nên tiến tới giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự, - hành động không chỉ trái ngược với Nhóm Minsk mà với cả các tổ chức đa phương khác đang kêu gọi hòa đàm.

Trong suốt tháng 10 vừa qua, Ankara đã tự do thực hiện điều mà ngày càng có vẻ như là quyền phủ quyết của họ đối với chính sách đối ngoại của Azerbaijan nhằm làm suy yếu các nỗ lực của Nga và Mỹ trong việc môi giới một lệnh ngừng bắn, với việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng một lệnh ngừng bắn vô điều kiện là “phần thưởng cho kẻ chiếm đóng.”

Cần lưu ý Nga và Armenia chính thức là đồng minh quân sự trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Nếu lãnh thổ Armenia (ngoại trừ Nagorny-Karabakh, được công nhận hợp pháp như một phần của Azerbaijan) bị tấn công- điều mà Chính phủ Armenia cáo buộc đã xảy ra, Nga sẽ chính thức có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Armenia. Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện nay cho thấy một mô hình lớn hơn về sự thể hiện quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở Nam Caucasus - điều sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với các lợi ích an ninh cốt lõi của Nga chừng nào nó còn chưa được kiểm soát.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gay-can-cuoc-canh-tranh-quyen-luc-nga-tho-o-nam-caucasus-217326.html