Gay cấn bản quyền bóng đá ở quán cà phê

Cùng với sự sôi động của các trận đấu bóng đá, bản quyền trình chiếu giữa các bên cũng gay cấn không kém. Vậy, có hay không việc các quán cà phê, nhà hàng,… khi trình chiếu bóng đá công cộng phải xin phép đơn vị nắm giữ bản quyền?

Chuyên gia pháp lý nói về bản quyền bóng đá.

Xa lạ với xin phép bản quyền?

Việc người dân được tiếp cận, xem giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 nói riêng và một số giải đấu thể thao thế giới và khu vực nói chung một cách thoải mái khiến công chúng nhầm hiểu rằng các giải đấu này là sản phẩm miễn phí. Điều này dẫn đến việc nhiều người không chỉ xem mà còn livestream, phát sóng trái phép cho những người khác cùng xem.

Thực chất, giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 cũng như các giải đấu bóng đá, thể thao trên thế giới đều có bản quyền. Các đơn vị mua bản quyền để được cấp phép phát sóng ở Việt Nam không chỉ có quyền phát sóng mà còn có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của chủ sở hữu bản quyền đối với việc phát sóng và phân phối tín hiệu phát sóng đó.

Vừa qua, công ty cổ phần Giải pháp Truyền hình Thế hệ mới (Next Media) đã có văn bản để cấp quyền trình chiếu công cộng giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 cho một đơn vị để chiếu tại khu vui chơi Rubik Zoo (quận 1, TP.HCM). Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty Vũ Trụ Xanh và sở hữu dự án Rubik Zoo cho biết, việc xin phép này là thể hiện sự tôn trọng bản quyền theo đúng quy định pháp luật.

Ông Hoàng Tuấn Anh tổ chức xem bóng đá công cộng tại khu vui chơi Rubik Zoo. (Ảnh: BTC cung cấp).

Ông Hoàng Tuấn Anh tổ chức xem bóng đá công cộng tại khu vui chơi Rubik Zoo. (Ảnh: BTC cung cấp).

“Không chỉ giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 lần này mà từ trước đó, đối với các giải đấu bóng đá lớn có đội tuyển Việt Nam thi đấu, chúng tôi đều tổ chức trình chiếu miễn phí và công cộng tại khu vui chơi Rubik Zoo để xây dựng hoạt động kết nối cộng đồng. Hoạt động này nhằm ủng hộ đội tuyển U23 Việt Nam và thể thao nước nhà với tinh thần tôn trọng bản quyền”, ông Hoàng Tuấn Anh nói.

Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi mua được bản quyền giải AFF Cup 2018 từ đơn vị nắm bản quyền toàn cầu là Lagardere Sports Asia Pte.Ltd (LSA), Next Media đã tuyên bố phạm vi phát sóng của gói bản quyền mà họ được độc quyền cấp phép và cấp phép lại trên nền tảng trả tiền của tất cả các phương tiện truyền dẫn như vệ tinh, cáp, IPTV, radio, Internet và mạng di động. Ngoài ra, Next Media còn khẳng định đã được LSA cấp phép quyền trình chiếu công cộng, giúp đem giải bóng đá AFF Cup 2018 đến với đông đảo người hâm mộ.

Theo hợp đồng cấp phép của LSA cho Next Media, định nghĩa “trình chiếu công cộng” được hiểu là tất cả các sự kiện được tổ chức để người hâm mộ có thể đến xem giải bóng đá AFF Cup 2018. Việc tổ chức có thể phục vụ đại trà khán giả, không thu phí hoặc giới hạn số lượng khán giả đều được chấp nhận. Như vậy, gói trình chiếu công cộng mà Next Media được cấp phép phân phối không bị ảnh hưởng bởi số người xem.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện Next Media nói: “Về cơ bản, bất kỳ hoạt động nào dù đóng hay mở, dù tổ chức trình chiếu bóng đá giải AFF Cup giữa đường nhưng có khai thác thương mại thì phải xin phép chúng tôi. Khai thác thương mại này bao gồm bán vé vào cổng, phụ thu dịch vụ hoặc quảng cáo bất kỳ nhãn hàng nào khác trong hoạt động trình chiếu công cộng”.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận được cho thấy việc hiểu biết về xin phép bản quyền tại các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng,… có tổ chức trình chiếu bóng đá vẫn còn rất hạn chế.

Anh Nam Phong, chủ một quán cà phê trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) nói: “Cũng như các giải đấu bóng đá trước, hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức xem trực tiếp các trận đấu giải AFF Cup tại quán. Rõ ràng, với những dịp này, lượng khách tại quán sẽ tăng lên, có khi gấp 2, gấp 3 lần so với bình thường. Để phục vụ tốt nhất, chúng tôi buộc phải điều động thêm nhân viên nên việc phụ thu, tăng chi phí là bình thường. Nhưng thật tình tôi chưa biết phải xin phép để trình chiếu công cộng”.

Đúng luật nhưng khó khả thi

Đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Tựu, công ty TNHH Luật Sở hữu trí tuệ Nguyễn và cộng sự (đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Đối với giải bóng đá World Cup, liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) định nghĩa nơi công cộng tức là không phải nơi riêng tư, nhà ở mà tất cả phạm vi sân vận động, quán cà phê, nhà hàng,… đều được xem là nơi công cộng. Từ đó, hoạt động trình chiếu giải đấu tại các nơi công cộng này nếu có thu phí, có quảng cáo và số lượng khán giả trên 5.000 người thì phải xin phép. Trong đó, hình thức số lượng khán giả trên 5.000 người sẽ không tốn chi phí bản quyền, còn 2 hình thức khác sẽ có mức phí từ 1.000 – 14.000 USD”.

“Về công tác quản lý bản quyền giải AFF Cup của Next Media, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ hoạt động trình chiếu công cộng. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về bảo hộ bản quyền, cụ thể tại điều 13 công ước Rome năm 1961 quy định các tổ chức phát sóng có quyền ủy thác hoặc cấm: Tái phát sóng các buổi phát sóng của họ; định hình các buổi phát sóng của họ; sao chép các bản định hình buổi phát sóng mà không có thỏa thuận; truyền phát tới công chúng các buổi phát sóng truyền hình nếu sự truyền phát đó thực hiện tại các địa điểm phải trả tiền vào cửa. Luật quốc gia của nước nơi công bố bảo hộ quyền này có quyền đưa ra điều kiện thực thi quyền này”, luật sư Thành Tựu trình bày.

Từ đó, chuyên gia pháp lý Nguyễn Thành Tựu nêu quan điểm: “Các quán cà phê, nơi công cộng nếu trình chiếu giải đấu AFF Cup nếu không thu phí, không quảng cáo thì không cần phải xin phép Next Media. Còn nếu phát hiện trường hợp có thu phí và quảng cáo thì Next Media có thể can thiệp bằng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác này trong thực tế sẽ rất khó khăn vì phạm vi rất rộng và thời gian eo hẹp”.

Luật sư Nguyễn Thành Tựu, công ty TNHH Luật Sở hữu trí tuệ Nguyễn và cộng sự. (Ảnh: Hà Nhân)

Đại diện Next Media cũng thừa nhận, tính đến ngày 13/11, chỉ mới có khoảng 10 đơn vị liên hệ xin phép họ để trình chiếu công cộng. Vị này cho biết thêm, sau khi có công văn thông báo đến tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về bản quyền của Next Media trong việc phát sóng giải đấu, Next Media sẽ thực hiện việc triển khai các nhóm theo dõi trên các nền tảng khác nhau để kịp thời phát hiện và có hình thức xử lý hợp lý.

Thạc sĩ Phạm Phương Thùy, chuyên gia Marketing văn hóa nghệ thuật (đại học Văn Hóa TP.HCM) bình luận: “Việc xử lý vi phạm bản quyền truyền hình, trong đó có bóng đá ở nước ta còn nhiều bất cập. Khi phát hiện bản quyền bị vi phạm bằng hành vi xem lậu, nếu xử lý theo cách “giữ nguyên hiện trường, chờ lập biên bản” thì hậu quả thiệt hại kinh tế không thể kiểm soát được. Cần phải có cơ chế chặt chẽ và sự phản ứng kịp thời từ cơ quan quản lý truyền hình, mạng Internet như chặn IP ngay lập tức khi chủ sở hữu bản quyền phát hiện và tố cáo”.

Còn nhà báo, dịch giả Trần Minh (người chấp bút cuốn sách tự truyện của cựu cầu thủ Lê Công Vinh) bày tỏ: “Khi luật bản quyền đã bắt đầu được xiết lại rất kỹ, chỉ cần thiếu hiểu biết một chút, hoặc có hiểu biết nhưng cố tình xâm hại vào bản quyền, một cá nhân hoàn toàn có thể gây hại cho hàng triệu khán giả cả nước”.

Đơn vị sở hữu bản quyền AFF Cup tại Việt Nam khẳng định, việc Next Media yêu cầu nghiêm ngặt đối với vấn đề bản quyền nhằm mục đích nâng cao ý thức tuân thủ nghiêm túc bản quyền truyền hình và giảm thiểu tình trạng phát sóng, xem lậu tràn lan.

“Chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng bản quyền khi việc mua bản quyền ngày càng khó khăn hơn. Trong đó, giá bản quyền ngày càng cao do nạn xâm phạm bản quyền quá phổ biến như các giải đấu World Cup, ASIAD vừa rồi”, đại diện Next Media chia sẻ.

Hà Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gay-can-ban-quyen-bong-da-o-quan-ca-phe-a410974.html