Gây áp lực bằng việc vi phạm pháp luật để đòi hỏi quyền lợi

Mâu thuẫn ở dự án chung cư đang hoàn thiện hoặc đã được đưa vào sử dụng diễn ra khá phổ biến ở nhiều đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, có một dấu hiệu bất thường, đó là có những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự để…đòi hỏi quyền lợi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, nhận thức và hành vi gây mất an ninh, trật tự của những cá nhân sẽ khiến họ tự đưa mình vào tình thế bị pháp luật hình sự xử lý.

Thuê sinh viên đi tụ tập trái quy định

Ngày 8-4, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết đơn vị đã hoàn tất hồ sơ xử phạt hành chính đối với L.T.C (trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) và T.X.K (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), về hành vi “Tụ tập nhiều người nơi công cộng gây mất trật tự công cộng”, quy định tại điểm d, khoản 2, điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP. Đáng chú ý, K. đang là sinh viên 1 trường Đại học tại Hà Nội.

Theo Công an quận Nam Từ Liêm, khoảng 8h ngày 30-3-2019, T.X.K tham gia nhóm người tự xưng là khách hàng mua nhà tại 1 dự án ở phường Mỹ Đình 1, căng băng rôn, khẩu hiệu có nội dung phản đối chủ đầu tư. Quá trình tụ tập, một số cá nhân có hành vi quá khích, trèo lên nóc xe thương binh căng băng rôn, khẩu hiệu, làm ảnh hưởng xấu tình hình an ninh, trật tự.

Tiếp nhận thông tin, Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp cùng lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt, tuyên truyền, giải tán đám đông và đưa một số cá nhân về để làm rõ mục đích, hành vi vi phạm. Trong số này, ngoài T.X.K còn có 2 sinh viên khác tham gia.

Tường trình của 3 nam sinh viên cho thấy, dù không có quyền lợi, tư cách pháp nhân liên quan đến dự án chung cư nêu trên; nhưng thông qua mạng xã hội, họ đã được một số khách hàng mua nhà tại dự án thuê đến tập trung căng băng rôn, khẩu hiệu với “tiền công” 100.000 đồng/ 1h.

Diễn biến sự việc này có những điểm tương đối giống hành vi, ý đồ gây ảnh hưởng an ninh, trật tự của một số cá nhân liên quan đến dự án chung cư cao cấp trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, hồi trung tuần tháng 10-2018.

Thời điểm đó khoảng 18h ngày 13-10, tổ công tác Đội CSGT số 2 phối hợp cùng Công an quận Tây Hồ làm nhiệm vụ trên đường Võ Chí Công đã phát hiện lưu lượng phương tiện ô tô đông bất thường di chuyển theo hướng Võ Chí Công - cầu Nhật Tân.

Lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh để các phương tiện chuyển hướng, giảm ùn tắc, song nhiều chủ xe không chấp hành, khiến cho các phương tiện phía sau ùn ứ kéo dài.

Lực lượng chức năng đã kiên quyết tiến hành cưỡng chế, huy động xe cứu hộ đến di chuyển 6 phương tiện cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông về trụ sở cơ quan Công an giải quyết.

Căn cứ dấu hiệu vi phạm của các chủ phương tiện, cơ quan chức năng sau đó đã lập biên bản xử phạt hành chính lỗi vi phạm Không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT. Với mức phạt này, 6 người vi phạm bị phạt tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng và bị tước Giấy phép lái xe 2 tháng.

Nhìn nhận rõ nguyên nhân

Trên đây chỉ là 2 vụ việc điển hình, trong nhiều phức tạp tiềm ẩn tại nhiều tòa chung cư đang hoàn thiện hoặc đã đưa vào sử dụng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 100 chung cư thuộc 14 quận, huyện phát sinh vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, và nhằm bày tỏ sự bất đồng với chủ đầu tư, nhiều cá nhân đã thực hiện các hành vi gây mất an ninh, trật tự, như liên tục gửi đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền; căng băng rôn, khẩu hiệu trước các tòa nhà.

Mức độ phức tạp hơn là hành vi lôi kéo, tổ chức tập trung đông người, cản trở các hoạt động bình thường của đơn vị thực hiện các hợp đồng dịch vụ trong tòa nhà; tại trụ sở cơ quan nhà nước; tuần hành trên tuyến phố để gây sức ép với cơ quan chức năng. Thậm chí, tại một số chung cư, các mẫu thuẫn, xô xát giữa chủ đầu tư và cư dân, cư dân và cư dân.

Để diễn ra và kéo dài những phức tạp này, một trong những nguyên nhân mà ý kiến của nhiều cấp cơ sở đánh giá, đó là sự phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại một số chung cư giữa lực lượng cơ sở với ban quản trị, ban quản lí cũng như chủ đầu tư chưa được chú trọng, chưa gắn kết, chưa có quy chế phối hợp rõ ràng, chưa giao ban định kỳ để kiểm điểm, đánh giá tình hình.

Nhìn nhận rõ những nguyên nhân, tồn tại để thấy được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc nắm bắt, xử lý rốt ráo những phức tạp ở các tòa chung cư, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự chung của Thành phố.

Cần tỉnh táo, cảnh giác trước những ‘vận động hành lang’ trên mạng xã hội

Theo nắm bắt, tìm hiểu của phòng nghiệp vụ Công an TP. Hà Nội, thời gian gần đây, biểu hiện của cư dân nhiều khu chung cư đang hoàn thiện và đã đưa vào sử dụng, ngày càng có xu hướng phức tạp. Họ tìm cách lôi kéo, vận động số đông người tham gia, và lây lan thông tin tiêu cực rộng khắp trên mạng xã hội.

Đơn cử như trường hợp 3 sinh viên được thuê kéo đến tụ tập tại dự án ở tòa chung cư thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm; trước buổi sáng 30-3 (thời điểm bị lực lượng chức năng kiên quyết giải tán), đã có ít nhất 2 cuộc kêu gọi tụ tập số đông, cầm theo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư.

Trước nữa, đã xuất hiện những trang facebook bôi nhọ, hạ uy tín, công kích thẳng vào chủ đầu tư dự án. Cũng chính những trang facebook này đã phát trực tiếp việc người dân tụ tập, căng băng rôn, gây ảnh hưởng phức tạp tình hình an ninh, trật tự. Quá trình giải tán, phân loại những cá nhân tham gia tụ tập ở khu chung cư đó về sau này, cơ quan chức năng ghi nhận chỉ có số ít là cư dân đăng ký mua nhà.

“Chúng tôi đang phối hợp cùng cơ quan chức năng thu thập tài liệu để xác minh, trả lời rõ câu hỏi có hay không một nhóm người, hoặc sự liên kết giữa nhiều cá nhân, thường có ý đồ tiêu cực khi tham gia đăng ký mua nhà dự án chung cư. Thực tế là, việc bày tỏ sự phản đối đối với các chủ đầu tư ở các dự án khác nhau, nhưng lại tương đối thống nhất, giống nhau về phương pháp, cách thức”, cán bộ phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội cho biết.

Nhìn nhận về cách thức phản ứng của người dân – khách hàng khi giao dịch, sử dụng nhà chung cư, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn bày tỏ sự băn khoăn trước những động thái tiêu cực như: tụ tập đông người tại công trình xây dựng, dưới lòng đường, vỉa hè; căng băng rôn, khẩu hiệu, hô hào, kích động, bài xích chủ đầu tư; có những hành động quá khích hoặc kéo nhau tới các cơ quan quản lý Nhà nước gây sức ép…

“Với cách thức giải quyết tranh chấp mua bán nhà chung cư như vậy thì những người mua nhà vừa không thể hiện được sự văn minh, vừa không đem lại hiệu quả. Thậm chí những người mua nhà còn rất dễ “sa” vào các hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: gây rối trật tự công cộng; hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…”, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nêu rõ.

Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, làm rõ vai trò, động cơ của một số cá nhân đứng ra tổ chức, kích động, thuê người tụ tập gây rối trật tự công cộng trong các vụ việc này.

Trung - Tuyến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/gay-ap-luc-bang-viec-vi-pham-phap-luat-de-doi-hoi-quyen-loi/806143.antd