'Gấu trắng khổng lồ' Tu-142 Nga có gì khiến Mỹ và NATO luôn dè chừng?

Tiêm kích F/A-18 Mỹ theo dõi biên đội máy bay trinh sát săn ngầm Tu-142 Nga trong chuyến bay trên vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương.

"Biên đội máy bay săn ngầm Tu-142 của Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch hôm 23-4 trên không phận quốc tế ở Thái Bình Dương. Các phi cơ hoàn tất hành trình hơn 8.000 km trong 10 giờ, tổ bay đã thực hành nội dung bay trên địa hình trống trải không có địa vật và hiệp đồng tác chiến ở khu vực không có radar dẫn đường", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết.

"Biên đội máy bay săn ngầm Tu-142 của Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch hôm 23-4 trên không phận quốc tế ở Thái Bình Dương. Các phi cơ hoàn tất hành trình hơn 8.000 km trong 10 giờ, tổ bay đã thực hành nội dung bay trên địa hình trống trải không có địa vật và hiệp đồng tác chiến ở khu vực không có radar dẫn đường", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết.

Tiêm kích F/A-18 Mỹ đã triển khai theo dõi biên đội máy bay Nga trong một số chặng bay. Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga khẳng định máy bay Tu-142 đã tuân thủ chặt chẽ quy tắc quốc tế về sử dụng vùng trời.

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về thông tin này. Hiện Mỹ và NATO liên tục phải điều động chiến đấu cơ "tháp tùng" Tu-142 mỗi khi chúng xuất hiện gần không phận NATO.

Máy bay Mỹ và Nga từng nhiều lần chạm mặt trên không phận quốc tế. Nhưng phi công hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, áp sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.

Nga đã từng phải dừng các chuyến bay tuần tra bằng các máy bay Tu-95 và Tu-142 hàng chục năm sau khi Liên Xô tan rã vì thiếu kinh phí.

Mãi sau này Tổng thống Putin mới quyết định nối lại các chuyến bay tuần tra này.

Nga giải thích các chuyến bay đó là hoạt động bình thường vốn có từ thời Liên Xô, tuy nhiên Mỹ và NATO lại không cho rằng những chuyến bay của máy bay trinh sát săn ngầm khổng lồ Tu-142 đơn giản như vậy.

Họ cho rằng các phi cơ của Nga thực hiện các chuyến bay này ngoài mục đích phô trương thanh thế, chúng còn thâm nhập vào các vùng nhận diện phòng không NATO để thu thập tin tức tình báo. Chính vì vậy, Mỹ và NATO thường cấp tốc điều các chiến đấu cơ lên áp sát.

Thông thường, các máy bay Tu-95 và Tu-142 thường bay với đội hình hộ tống là các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 thậm chí là Su-35.

Việc tiếp tục cho "sát thủ săn ngầm" cực mạnh Tu-142 cho thấy động thái của Nga là sẽ luôn theo dõi mọi biến động của NATO, từ đó sẽ có hành động đáp trả thích hợp.

Máy bay trinh sát và săn ngầm Tu-142 là biến thể đặc biệt của máy bay ném bom Tu-95 với khả năng hoạt động 16 giờ liên tục cùng với kho vũ khí săn ngầm cực mạnh.

Mẫu thử nghiệm của Tu-142 có chuyến bay đầu tiên vào ngày 18-7-1968 và được giới thiệu chính thức vào tháng 12-1972.

Tu-142 có trọng lượng cất cánh 190 tấn, nhờ trang bị những động cơ cực khỏe nên nó có thể bay với tốc độ 735 km/giờ.

Trần bay của Tu-142 là 12.000-13.000m, bán kính chiến đấu 5.200 km.

Phi hành đoàn của Tu-142 gồm 9 người, có chỉ huy, phó chỉ huy, hoa tiêu, kỹ sư, nhân viên phụ trách thiết bị dò tìm.

Máy bay được trang bị 4 động cơ tuốc bin 2 cánh quạt trái chiều NK-12MP (động cơ mạnh nhất dòng động cơ phản lực cánh quạt)

Tu-142 có thể thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm đại dương đường dài, hoạt động tìm kiếm cứu hộ, theo dõi tàu ngầm hạt nhân đối phương.

Về vũ khí, Tu-142 sở hữu pháo 23 mm, mang 400 phao sonar, bom FAB-250, bom chống tàu ngầm PLAB-50 và PLAB-250, ngư lôi, mìn biển, tên lửa không đối không. Mỗi chiếc Tu-142 có khả năng mang theo tối đa 9 tấn vũ khí.

Ngoài ra Tu-142 còn có thể trang bị tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35. Khả năng phát hiện, tiêu diệt nhiều loại tàu ngầm khiến Tu-142 được mệnh danh là "sát thủ săn ngầm" hàng đầu của không quân hải quân Nga.

Ngoài việc chúng được sử dụng bởi lực lượng hải quân thuộc quân đội Nga thì Tu-142 cũng góp mặt trong biên chế quân đội Ấn Độ.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-gau-trang-khong-lo-tu-142-nga-co-gi-khien-my-va-nato-luon-de-chung-post464543.antd