Gặt Huy chương Vàng Olympic quốc tế để nuôi ước mơ dạy học

Phạm Trung Quốc Anh là học sinh đầu tiên đem về tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế cho tỉnh Nghệ An. Với Quốc Anh, đó là một trải nghiệm đặc biệt, đầy cảm xúc và có cả nhiều đánh đổi. Vẫn còn dư âm của niềm vui chiến thắng, nhưng nam sinh đã 'bình tĩnh lại' và sẵn sàng cho mục tiêu mới.

Quốc Anh và các bạn của mình.

Quốc Anh và các bạn của mình.

Kỳ Olympic đặc biệt

Phạm Trần Quốc Anh học lớp 12A4, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Với Quốc Anh, tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2020 cảm xúc hơn nhiều kỳ thi trước đó. Bởi có thời điểm cuộc thi tưởng chừng bị hủy bỏ do dịch bệnh.

“Các năm trước, sau Kỳ thi chọn HSG quốc gia, chúng em sẽ bước vào thi vòng 2 chọn đội tuyển dự thi Olypmic quốc tế. Tuy nhiên, năm nay, chúng em từng nhận được quyết định hủy kỳ thi vòng 2 này. Lúc đó, em đã buông và nghĩ rằng mình không được thi nữa”, Quốc Anh kể lại.

Việc không được dự thi khiến Quốc Anh hụt hẫng, tiếc nuối. Khi Quốc Anh chuyển hướng sang ôn thi vào ĐH thì tin vui lại đến. Với việc kiểm soát dịch bệnh ổn định, vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Hóa học quốc tế được mở lại. Quốc Anh xuất sắc đạt điểm cao nhất, trở thành 1 trong 4 thành viên của đội tuyển.

Kỳ thi diễn ra từ 23 – 25/7 và được tổ chức trực tuyến, không có thực hành. Các thí sinh phải thực hiện chế độ cách ly tập trung ở ký túc xá, không có bất cứ liên lạc gì với bên ngoài. Trong quá trình làm bài, có 2 camera quan sát thí sinh, được theo dõi bởi ban tổ chức quốc tế và thầy cô giáo giám thị.

Dù áp lực với hình thức thi mới nhưng Quốc Anh đã vượt qua. “Với em, đến được kỳ thi trong bối cảnh dịch đã là may mắn. Em đã cố gắng và tin rằng mình sẽ có huy chương. Nhưng HCV thì thật sự bất ngờ và hạnh phúc. Hơn nữa, lần đầu tiên, cả 4 bạn của đoàn Việt Nam đều giành được vàng”, nam sinh nói.

Cô Trần Quỳnh Anh, giáo viên Hóa học, người đồng hành cùng Phạm Trung Quốc Anh cho rằng đây là thành quả xứng đáng. Cô cũng gửi lời cảm ơn đến chính học trò của mình. Bởi học sinh giỏi, thông minh ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu không ít. Nhưng Quốc Anh đã khẳng định được bản lĩnh, sức bền, sức bật của mình.

“Trong thời gian chuẩn bị thi có những lúc chính cô đã nản lòng, mệt mỏi, hoang mang. Thậm chí hướng các em chuyển sang học tiếng Anh để lo cho tương lai tốt hơn vì có thể cuộc thi bị hủy bỏ. Nhưng Quốc Anh lại là người động viên cô rằng, cánh cửa này khép vào thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Vì vậy, hành trình đến tấm huy chương Olympic Hóa học quốc tế đối với cô trò chúng tôi chưa bao giờ dài như thế nhưng cũng vô cùng tuyệt vời”, cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Quốc Anh và ông nội – người luôn động viên em trong học tập.

Đặt áp lực cho chính mình

Nhìn lại chặng đường 3 năm THPT cùng tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế, Phạm Trung Quốc Anh chia sẻ bản thân đã phải đánh đổi rất nhiều. Em bỏ lỡ những sự kiện cùng bạn bè trong lớp, không tham gia các hoạt động của trường, và có quá ít kỷ niệm đúng nghĩa của thời học sinh.

“Trong 3 năm, hầu như toàn bộ thời gian của em là dành cho môn Hóa và các kỳ thi. Từ năm lớp 10, em phải đọc rất nhiều tài liệu, kiến thức của cả lớp 11, 12 và thậm chí không có trong chương trình phổ thông. Có những thời điểm em thức đến 2 – 3h sáng để học, và chỉ ước sáng hôm sau thầy cô bận việc, chuyển lịch học sang buổi chiều để được ngủ cho đã”, Quốc Anh kể.

Tuy nhiên, em cũng chưa bao giờ ân hận khi lựa chọn con đường đầy vất vả, khó khăn này. Vì cuộc thi với những áp lực đó đã khiến em trưởng thành, bản lĩnh hơn. Trong thời gian 3 năm vừa qua, em rèn cho mình được kỹ năng tự học, và tâm lý chịu áp lực của kỳ thi. Một bài thi quốc tế thông thường sẽ mất từ 4 – 5 tiếng liên tục. Nếu không chịu được áp lực, căng thẳng thì sẽ dễ xảy ra những sai sót đáng tiếc. Bên cạnh đó, bất cứ học sinh nào cũng hiểu, lọt vào đội tuyển quốc gia thi quốc tế thì được miễn thi THPT, nhưng nếu không, các bạn phải bắt đầu lại từ đầu như một học sinh THPT bình thường.

Gia đình không đặt áp lực cho Quốc Anh về học hành, thi cử. Nhưng chính em lại là người tự tạo ra áp lực cho mình. “Em nghĩ rằng bố mẹ nào cũng kỳ vọng con cái sẽ đạt kết quả cao trong học tập. Bản thân gia đình em kinh tế không khá giả, bố mẹ là lao động bình thường. Để lo chi phí cho em học hành đã là vất vả. Vì vậy, em lấy đó làm động lực để quyết tâm, cố gắng đạt được thành quả cao nhất trong học tập, như một cách báo đáp sự quan tâm của gia đình, thầy cô và các bạn”, Quốc Anh chia sẻ.

Đam mê dạy học

Với Quốc Anh, tấm huy chương này là điểm tựa để em tiếp tục phấn đấu trong chặng đường tiếp theo. Em hy vọng thành công của mình có thể khơi dậy đam mê cho những học sinh khác.

Dù vẫn còn dư âm niềm vui chiến thắng, song Quốc Anh đã khởi động cho một hành trình mới của mình. Hiện em tập trung cho tiếng Anh để sẵn sàng du học. Bên cạnh đó là tập luyện thể thao vì suốt 3 năm qua em đã “vùi đầu vào học”.

Quốc Anh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Em thích nghiên cứu, giảng dạy hóa học. “Một số bạn thích đi theo hướng Hóa học ứng dụng, hoặc các ngành nghề hót, nhưng em thì lại khác. Dạy học vốn là sở thích từ nhỏ của em. Em mong rằng khi mình tiếp tục học chuyên sâu, nghiên cứu về Hóa thì sẽ có thêm nhiều kiến thức để truyền lại cho các bạn trẻ hơn”, Quốc Anh cho biết.

Chia sẻ về hướng nghiệp, Quốc Anh cho rằng học sinh hiện nay lựa chọn con đường học tập, ngành nghề tương lai đều có sự chủ động. Nhưng các em vẫn cần sự định hướng của gia đình, thầy cô. Dù quyết định nào thì có đam mê, ý chí và nỗ lực sẽ không hối tiếc về con đường đã chọn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gat-huy-chuong-vang-olympic-quoc-te-de-nuoi-uoc-mo-day-hoc-teSCRbNGg.html