Gặp vị 'quan tòa' mang lại hạnh phúc cho người dân

Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, Thẩm phán Trần Trung Nam (TAND huyện Chư Pưh, Gia Lai) mới nhận lời để tôi viết về anh.

Lý giải cho việc “gây khó dễ” của mình, anh cười hiền hậu “anh có làm được gì nhiều đâu, mang lại công lý cho dân là trách nhiệm của tất cả những “con người Tòa án” mà”...

Đơn vị vượt khó, hoàn thành các tiêu chí thi đua

Vượt gần 70km, từ TP.Pleiku mới đến với TAND huyện Chư Pưh (Gia Lai). Tòa án huyện này là một đơn vị khó khăn nhất so với các đơn vị khác trong tỉnh và của cả nước. Trong đó, trụ sở phải thuê của dân với hội trường xét xử chỉ khoảng hơn 20m2, đủ để bỏ bàn ghế cho HĐXX, bàn cho bị cáo và hai, ba chiếc ghế. Đơn cử, có những vụ bị cáo đông, người tham gia tố tụng, người dự khán đông đành đi mượn hội trường của đơn vị khác để xét xử. Cùng với đó, phòng làm việc của lãnh đạo cũng như các cán bộ, công chức khác rộng mỗi phòng chưa đến 10m2.

Nói như vậy để thấy, ở giữa núi rừng bạt ngàn giàu có về nắng về gió thì những con người ở đây, đặc biệt là những con người đang công tác trong ngành Tòa án vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đáng nói, ở vùng đất này, kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng không ổn định của vài năm trở lại đây về “vàng rong hạt tiêu” lại xảy ra nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ an ninh, trật tự cũng như ổn định cuộc sống được chính quyền địa phương xem là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, Tòa án đã góp phần không nhỏ để địa phương ngày càng ổn định với những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

 Thẩm phán Trần Nam Trung

Thẩm phán Trần Nam Trung

Bên cạnh đó, số lượng án ngày một tăng, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, và phức tạp nên đòi hỏi mỗi cán bộ Tòa án phải tập trung hết sức, giành thời gian tuyệt đối để nghiên cứu và giải quyết án.

Vụ án phức tạp vì kéo dài nhiều năm

Được nghe Thẩm phán Trần Nam Trung mở lời tâm sự chuyện đời chuyện nghề, tôi thực sự ấn tượng với vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra cách đây 3 năm. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân, mà còn thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng thời điểm đó. Theo nội dung vụ án, vào ngày 1/2/2008, La Văn Tài và Nguyễn Trung Hà tụ tập uống bia rượu tại nhà của Nguyễn Cửu Bình (SN 1989, trú thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang). Hết bia, Hà và Tài lại rủ nhau đến quán bà Hồ Thị Thơ (SN 1976, trú cùng xã) tiếp tục mua bia về nhậu. Tuy nhiên, vì họ chưa trả vỏ bia cũ nên bà Thơ từ chối bán. Lúc này, Hà và Tài bực tức đập phá tài sản trong quán bà Thơ rồi bỏ về nhà Bình.

Khi các đối tượng bỏ đi, bà Thơ tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Năm nhờ báo Công an. Anh Năm liền mượn điện thoại của vợ gọi cho Công an trình báo sự việc. Hà từ nhà Bình đi ra, phát hiện Năm đang gọi điện thoại nên xông vào đánh đập. Yếu thế nên anh Năm bỏ chạy về nhà bố mẹ, liền bị Hà và nhóm bạn nhậu truy đuổi. Lúc này, mẹ của Năm ra can ngăn liền bị nhóm thanh niên đánh. Năm chạy vào nhà bếp lục tìm con dao cầm tự vệ thì nhóm thanh niên bỏ đi. Khoảng 15 phút sau, hai anh trai của Năm là Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Tưởng trở về nhà cũng là lúc nhóm thanh niên kia quay lại đánh người.

Trong số này, Lê Hữu Vũ đã dùng tấm ván đánh vào đầu anh Tưởng nhưng bị trượt xuống vai. Tưởng rút cây cọc cắm bên thành xe công nông chống trả, đánh trúng đầu khiến Vũ gục tại chỗ. Sau đó, thương tích của Vũ được giám định là 44%. Còn những người khác chỉ bị tổn hại từ 2-4% sức khỏe. Từ đó, vào ngày 16/9/2008, Công an huyện Chư Pưh khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với Nguyễn Văn Năm. Ngày 29/9, Năm bị bắt tạm giam hơn 5 tháng, đến ngày 2/3/2009 thì được bảo lãnh tại ngoại.

Vợ chồng anh Năm và chị Thuận sau một phiên tòa

Sau khi hồ sơ vụ án được VKSND chuyển sang Tòa án huyện để xét xử theo quy định thì Thẩm phán Trần Nam Trung được Chánh án phân công thụ lý và giải quyết.

Niềm tin vào công lý

Niềm vui vỡ òa của anh Nguyễn Văn Năm và gia đình sau khi nghe HĐXX TAND huyện Chư Pưh, tuyên không phạm tội “Cố ý gây thương tích” và được phục hồi danh dự, quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị VKSND cùng cấp điều tra, làm rõ hành vi của Nguyễn Văn Tưởng về việc dùng cây bát cày gây thương tích cho Lê Hữu Vũ.

Thẩm phán Trần Nam Trung tâm sự: “Đây là một vụ án rất phức tạp, thời gian diễn ra từ năm 2008. Nên khi được giao xét xử vụ án, với trách nhiệm của một Thẩm phán, tôi đã đọc đi đọc lại tất cả các tài liệu có trong vụ án. Từ đó, nhận thấy các chứng cứ có trong hồ sơ để truy tố Năm về tội “Cố ý gây thương tích” chưa đảm bảo, khách quan toàn diện. Từ đó, tôi đã trả hồ sơ hai lần cho VKSND cùng cấp để tiến hành điều tra, thu thập xác minh thêm các chứng cứ tài liệu có liên quan trong vụ án như: Dựng lại hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng… nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trước đó”.

Nhận thấy vụ việc phức tạp nên Thẩm phán Trung đã trực tiếp trao đổi với Ủy ban Thẩm phán. Vụ việc được tiếp tục đưa ra xét xử vào ngày 17/6/2015 với nội dung tuyên là Năm không phạm tội. “Nghề Thẩm phán là một nghề chịu rất nhiều áp lực, nhất là trong các sự, vụ mà quan điểm của HĐXX trái ngược với truy tố của VKS. Nhưng với quyết tâm và trách nhiệm tôi phải xử một vụ án khách quan, toàn diện đúng với bản chất vụ việc. Việc tuyên và ra bản án, bản thân tôi phải chịu trách nhiệm về nội dung vụ án mà mình đã tuyên. Dù sau đó, VKS có kháng nghị nhưng kết thúc thì Nguyễn Văn Năm vẫn không phạm tội như tôi đã tuyên trước đó, đồng thời kẻ gây nên thương tích cho anh Vũ đã được làm rõ là Nguyễn Văn Tưởng”, Thẩm phán Trần Nam Trung cho biết.

Từ những thông tin trên, tôi đã liên hệ với gia đình anh Nguyễn Văn Năm - người được giải oan trong vụ án và được biết, hiện gia đình người đã làm đơn lên Tòa án để khởi kiện VKSND huyện Chư Pưh bồi thường oan sai theo đúng quy định của pháp luật. Trò chuyện với PV, chị Triệu Thị Thuận (vợ của anh Năm) chia sẻ: “Sau khi nghe Tòa án huyện Chư Pưh tuyên chồng tôi vô tội, nước mắt tôi cứ thế tuôn ra. Đây là những giọt nước mắt của niềm sung sướng, hạnh phúc và công lý. Gia đình tôi, kể từ khi anh Năm bị bắt giam đã suy sụp hoàn toàn, kinh tế trở nên khó khăn, một tay tôi không thể làm để nuôi đủ ba đứa con thơ dại. Giờ đây, chúng tôi lại một lần nữa gửi đơn khởi kiện ra Tòa để yêu cầu VKS bồi thường theo quy định”.

Thời tiết ở Gia Lai mùa này se lạnh nhưng khi nhìn thấy vợ chồng chị Triệu Thị Thuận cùng anh Nguyễn Văn Năm nở nụ cười hạnh phúc, tôi thấy lòng mình ấm áp hơn lúc nào hết. Công lý nơi pháp đình vẫn luôn là chỗ dựa của nhân dân, của những con người sống lương thiện.

Thẩm phán Trần Nam Trung sinh năm 1968 tại mảnh đất anh dũng, kiên cường Quảng Trạch - Quảng Bình. Vào nghề năm 1996, nhưng vì hoàn cảnh gia đình thời ấy khó khăn nên anh đã nghỉ một thời gian để phụ giúp gia đình. Đến năm 2006 anh lại tiếp tục quay lại với ngành Tòa án. Năm 2011, anh được bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Chánh án TAND huyện Chư Pưh, ông Hồ Hoàng Liêu đánh giá, Thẩm phán Trần Nam Trung là một con người chịu khó, hòa thuận với đồng nghiệp, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn tốt.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/phong-trao-thi-dua/gap-vi-quan-toa-mang-lai-hanh-phuc-cho-nguoi-dan-286318.html