Gặp tổ tàu hỏa mang tên Thống Nhất

Dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, PV Infonet đã gặp những con người tổ tàu SE3 những người hàng ngày có mặt trên chuyến tàu Thống Nhất nối 2 miền Bắc - Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

Những câu chuyện đầy nghĩa tình

Ông Trần Văn Trí - Trưởng Tàu SE3, đã có 20 năm gắn bó với chuyến tàu mang tên Thống Nhất. Nhiều năm xuôi ngược Bắc - Nam, càng ngày ông Trí càng "thấm" ý nghĩa của chuyến tàu mang niềm tự hào dân tộc này, đó là chuyến tàu nối liền 2 dải Bắc Nam, nối liền hai bờ sông Bến Hải chạy xuyên suốt từ Bắc vào Nam năm 1975.

Tiếp nhận tổ tàu từ năm 2000, người trưởng tàu cần mẫn đã trải qua đủ cung bậc vui buồn cùng với việc lái tàu. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là vào khoảng đầu mùa thu năm 2014-2015, có một vị hành khách đặc biệt đi từ Nam ra Bắc sau khi vào thăm người thân.

"Người khách già ấy đi từ miền Nam ra, khi xuống ga Phủ Lý đã bỏ quên hành lý với túi hoa quả để mang về cho con cháu. Tuy nhiên, trong túi hành lý lại có một cái túi rựa nhỏ của các cụ ngày xưa vẫn hay dùng, bên trong có một đôi bông tai vàng nhỏ. Lúc ấy, quan điểm của chúng tôi là phải trả tận tay người mất", ông Trí kể lại.

Chỉ từ một chi tiết - ga Phủ Lý, tổ tàu ngày ấy đã tìm được lại chủ nhân của túi hành lý. Khi gặp lại, vị khách già ôm chầm lấy ông Trí và cảm ơn rối rít vì tưởng rằng đã mất đi đôi bông tai vàng kỷ niệm của người cha tặng khi về nhà chồng. Vị khách ngỏ ý muốn gửi tặng tổ tàu ít tiền nhưng ông Trí không nhận. Cuối cùng, tổ tàu chỉ vui vẻ nhận món quà tặng là 5 quả ổi vườn.

Giống như ông Trí, anh Dư Đình Thành (Phủ Lý, Hà Nam) cũng trải qua những cung bậc cảm xúc của người công nhân ngành đường sắt với hơn 15 năm làm trên tàu Thống Nhất. Đặc biệt, chính trên những chuyến tàu này, anh đã tìm được một nửa của đời mình.

"Ngày nhỏ, tôi luôn mơ ước trở thành công an, phục vụ nhân dân dưới màu áo xanh, nhưng nhiều lần thành công bị trì hoãn, tôi được một người trong gia đình giới thiệu vào làm trong ngành đường sắt. Đến với những chuyến tàu Thống Nhất thực sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi", anh Thành nhớ lại.

Từ năm 2002 đến 2005, anh Thành hoàn thiện khóa học tại Bình Dương và trở về làm việc trên tổ tàu SE3. Năm 2012, anh đã nên duyên với chị Ngô Thị Phương Thảo (quê ở Nghệ An), cũng làm việc cùng tổ tàu.

Tận tụy cống hiến trong công việc, cũng có những lúc anh cảm thấy mệt mỏi nhưng những câu chuyện, những hoàn cảnh trên các chuyến tàu đi qua khiến anh có thêm tình yêu với nghề. "Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 4 năm, khi đó tôi là phó tàu khách, trên tàu có 1 hành khách nữ đã có dấu hiệu trở dạ chuẩn bị sinh. Ngay cơn đau đầu tiên, tôi đã định để hành khách này xuống ở Huế. Tuy nhiên, đó là chuyến tàu Tết trở về nhà nên họ xin đi tiếp. Đến tối thì hành khách đau chuyển dạ, sinh luôn trên tàu, cả tổ tàu trở thành bà đỡ bất đắc dĩ. May mắn là ca đỡ đẻ đó đã thành công, mẹ tròn con vuông. Đó thực sự là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong suốt thời gian công tác tại tổ tàu".

Gần nửa thế kỷ phát triển Tàu Thống Nhất

Quay ngược dòng thời gian trở lại thế kỷ trước, người Pháp rút lui năm 1954, để lại cho Hà Nội vài chiếc đầu máy hơi nước già nua, cũ kỹ. Từ nền tảng đó, ngành Đường sắt và Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã tạo dựng nên một đội tàu anh hùng, góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 14/11/1975, Chính phủ đã quyết định khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam nối liền thủ đô Hà Nội với TP Hồ Chí Minh. Phải mất hơn một năm sau tuyến đường sắt dài 1.730 km mới nối lại. Ngày 31/12/1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất đã khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam trong niềm phấn khởi của đồng bào cả nước.

Hàng ngàn xe tăng, pháo, súng, hàng triệu tấn đạn dược, quân nhu đã được vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Những năm Hà Nội đương đầu với B52, với bom đạn ngút trời, mỗi công nhân của đường sắt lại là một chiến sĩ.

Những năm tháng chiến tranh, tuyến đường sắt là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Sau nhiều năm gánh chịu bom đạn, hàng chục km đường sắt, đầu máy và gần hai ngàn toa xe đã bị phá hủy. Hơn 5.000m cầu trong đó có các cầu lớn như Long Biên, Việt Trì, Hàm Rồng… bị đánh sập hoặc hư hỏng.

Đất nước thống nhất, ngày 14/11/1975, Hội đồng Chính phủ ra Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt thống nhất nối lại hai miền Bắc – Nam đã bị chia cắt.

Đến ngày 31/12/1976, Chính phủ quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam thống nhất. Chuyến tàu lịch sử ấy đã mất hơn 80 tiếng để đi dọc chiều dài đất nước hình chữ S. Một khoảng thời gian quá dài cho một chuyến tàu nhưng lại quá ngắn cho một cuộc hành trình nối liền đất nước bị chia cắt sau những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Với sự tiến bộ và phát triển không ngừng, ngành Đường sắt Việt Nam đã bước lên tầm cao mới, đầu máy 215 cùng một vài chiếc đầu máy hơi nước giờ chỉ còn được lưu giữ như chứng nhân lịch sử.

Những chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên phải mất tới 80 tiếng để đưa hành khách đi hết chặng đường Hà Nội – TP.HCM và ngược lại, nay rút xuống còn chưa đầy 30 tiếng đồng hồ. Những công nhân, những chiến sỹ năm nào giờ đây đã lui về phía sau và hoài niệm lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhưng còn đó là những thế hệ kế cận tiếp tục lái hành trình trên những chuyến tàu Bắc Nam tiếp tục tiến về phía trước.

Xuân Phú

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/gap-to-tau-hoa-mang-ten-thong-nhat-post297837.info