Gấp rút ứng phó với bão 12 và hoàn lưu sau bão, sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13

Theo đánh giá, cơn bão 13 có sức gió rất lớn, có thể giật cấp 15 nếu như không suy giảm. Nếu bão 13 vào khu vực miền Trung có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Đề nghị các địa phương cần gấp rút ứng phó với bão 12, mưa sau bão số 12, đồng thời cần sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ do bão số 12 và bão số 13 ngày 10/11/2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đối với công việc phòng chống thiên tai, phương châm "bốn tại chỗ" rất quan trọng và phát huy hiệu quả

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đối với công việc phòng chống thiên tai, phương châm "bốn tại chỗ" rất quan trọng và phát huy hiệu quả

Gấp rút ứng phó với bão 12 và hoàn lưu sau bão

Theo thông tin từ cuộc họp, bão số 12 đã vào sát đất liền các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận. Sáng 10/11, khu vực Khánh Hòa đã có gió mạnh và mưa to, đây là thời điểm trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa có gió mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, từ ngày 10 đến 12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa 200-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên mưa 100-200 mm/đợt.

Khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ là khu vực chịu tác động của bão số 12.

Về tình hình lũ, từ đêm 12/11 đến 13/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 01 đợt lũ; các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

Hiện nay, do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ làm sạt lở 1,6 km kè biển Tam Quan (tỉnh Bình Định), địa phương mới khắc phục tạm thời những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng bằng bao tải cát.

Tại khu vực miền núi, có 48 hồ chứa vừa và lớn từ Quảng Nam – Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đã đầy nước. Khu vực Bắc Trung Bộ có 55 hồ hư hỏng và 41 hồ đang thi công; Khu vực Nam Trung Bộ có 26 hồ hư hỏng, 32 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 41 hồ hư hỏng; 43 hồ đang thi công. Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có 45 hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết qua tràn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến 6h ngày 10/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 60.000 phương tiện (tàu, thuyền) với gần 290.000 người (hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão).

Trước đó, chiều 9/11, các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.

Tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ với 8.254 người tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nới an toàn; các tỉnh khác đang tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để tổ chức sơ tán cho phù hợp.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, triển khai phương án gia cố, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công và các sự cố đã xảy ra để ứng phó với bão. Tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận là 148,2 km tromg đó có 9 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 1,8 km

Sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13

Về cơn bão số 13 sắp vào Biển Đông, từ ngày 6/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra nhận định sớm về cơn bão này và gửi cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ngoài ra, đơn vị này cũng yêu cầu các đài khí tượng khu vực miền Trung có thông tin sớm về cơn bão số 13 gửi cho chính quyền địa phương để chủ động ứng phó.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo, sáng 12/11, bão 13 sẽ vào Biển Đông với cường độ cấp 12. Khi vào Biển Đông bão số 13 di chuyển khá nhanh, cường độ ít suy giảm. Do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới an toàn cho hoạt động tàu thuyền của khu vực này.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các phương tiện, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản khi bão số 12 đổ bộ; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; Theo dõi chặt diễn biến của bão số 13 (Vamco), thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đối với công việc phòng chống thiên tai, phương châm "bốn tại chỗ" rất quan trọng và phát huy hiệu quả. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, khu vực sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My - Quảng Nam vừa qua lực lượng tại chỗ đã làm rất tốt công tác cứu hộ, cứu nạn nên đã cứu được nhiều người.

Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 12 đang vào đất liền các tỉnh miền Trung, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ - đây là khu vực cũng vừa hứng chịu nhiều đợt thiên tai nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lên phương án thật cụ thể để ứng phó với bão số 12, nhất là hoàn lưu mưa sau bão.

Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền Trung, do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy lợi và thủy điện.

Theo đánh giá cơn bão 13 có sức gió rất lớn, có thể giật cấp 15 nếu như không suy giảm. Nếu bão 13 vào khu vực miền Trung có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Đề nghị các địa phương cần gấp rút ứng phó với bão 12, mưa sau bão số 12, đồng thời cần sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gap-rut-ung-pho-voi-bao-12-va-hoan-luu-sau-bao-som-len-phuong-an-ung-pho-voi-con-bao-so-13-d180549.html