Gấp rút phê duyệt vắc-xin Covid-19

Công ty Moderna (Mỹ) khẳng định vắc-xin Covid-19 của họ cho hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh chuyển nặng ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng

Moderna hôm 30-11 thông báo đã nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vắc-xin Covid-19 của họ tại quốc gia này. Cùng ngày, FDA tuyên bố sẽ ra quyết định sau cuộc họp của ủy ban cố vấn vào ngày 17-12. Theo Reuters, vắc-xin Covid-19 của Moderna nhiều khả năng trở thành ứng viên thứ 2 được FDA phê duyệt, sau sản phẩm của Công ty Dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho hiệu quả 95% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và sẽ được ủy ban cố vấn của FDA đánh giá vào ngày 10-12.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Moderna khẳng định sản phẩm của họ cho hiệu quả 94,1% trong việc ngăn ngừa Covid-19 và 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh chuyển nặng ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Hãng dược này còn cho biết vắc-xin Covid-19 của họ cho hiệu quả nhất quán giữa các độ tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tính. "Chúng tôi có một vắc-xin cực kỳ hiệu quả. Chúng tôi đã có dữ liệu để chứng minh điều này" - Giám đốc Y tế của Moderna, ông Tal Zaks, cho biết.

Ngay khi được FDA phê duyệt, sản phẩm của Moderna sẽ được chuyển đến các điểm phân phối trên khắp nước Mỹ thông qua chương trình vắc-xin Covid-19 mang tên "Operation Warp Speed" của chính phủ Mỹ và Tập đoàn McKesson (Mỹ). Moderna tuyên bố họ đang trên đà xuất xưởng 20 triệu liều vắc-xin đến Mỹ vào cuối năm 2020, đủ để tiêm chủng cho 10 triệu người.

Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna ở bang Ohio - Mỹ Ảnh: Cincinnati UNIVERSITY

Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna ở bang Ohio - Mỹ Ảnh: Cincinnati UNIVERSITY

Ngoài Mỹ, Moderna cho biết họ sẽ trình đơn lên Cơ quan Y tế châu Âu để xin EUA tại châu lục này và cũng đã lên kế hoạch đàm phán với các cơ quan quản lý khác vì mục đích tương tự.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 30-11 khẳng định trong cuộc gọi với các thống đốc rằng quá trình phân phối vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng này - một dấu hiệu cho thấy quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày. "Đây là một cuộc gọi mang đến tin vui" - Thống đốc Ohio Mike DeWine khẳng định, đồng thời nói thêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech có thể được chuyển đến bang của ông trước ngày 15-12.

Cuộc gọi được tiến hành giữa lúc Covid-19 tiếp tục lan mạnh tại Mỹ, trong đó có mức tăng kỷ lục 205.000 ca sau 24 giờ vào ngày 27-11. Theo Bloomberg, tính riêng tháng 11, Mỹ ghi nhận thêm gần 4 triệu ca nhiễm, lên tổng số 13,5 triệu ca. Số người thiệt mạng và phải nhập viện vì Covid-19 tại quốc gia này cũng đang ở mức cao kỷ lục.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30-11 cho biết số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 vào tuần rồi. Theo ông Ghebreyesus, nguyên nhân đến từ sự sụt giảm ở châu Âu, nơi những quốc gia như Pháp, Đức, Ý và Hà Lan tiến hành các biện pháp hạn chế mới để chống lại sự lây lan của virus.

"Đây là một thông tin đáng hoan nghênh nhưng chúng ta vẫn phải cực kỳ cẩn trọng. Những diễn biến tích cực có thể chuyển biến xấu nhanh chóng. Hiện tại, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 vẫn gia tăng ở phần lớn những khu vực khác trên thế giới" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh, trước khi thể hiện sự "lo ngại sâu sắc" đối với tình hình dịch bệnh ở Brazil và Mexico - nơi "số ca nhiễm và số ca tử vong đã tăng gấp đôi".

Tổng số thiệt mạng vì Covid-19 ở Mexico đã vượt mốc 100.000 người vào ngày 20-11 và kể từ đó, quốc gia này ghi nhận thêm hơn 5.000 ca tử vong. Trong bối cảnh Covid-19 lan mạnh và đã vượt mốc 1 triệu ca nhiễm tại Mexico, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân không đến quốc gia này để tránh "rủi ro lây nhiễm gia tăng".

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gap-rut-phe-duyet-vac-xin-covid-19-2020120121044911.htm