Gấp rút hoàn thành Thông tư hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19

Bên cạnh việc giảm lãi vay, khoanh nợ cho các khách hàng vay vốn bị thiệt hại do dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại do dịch cũng như đối tượng nào sẽ được hỗ trợ để các ngân hàng triển khai.

Xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thế Anh/TTXVN.

Xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thế Anh/TTXVN.

Ông Lê Ngọc Lâm, quyền Tổng giám đốc BIDV cho biết: Qua đánh giá ban đầu, số khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh này có tổng dư nợ khoảng 140.000 tỷ đồng, xấp xỉ 13% dư nợ cho vay của BIDV. Dù BIDV cũng như nhiều ngân hàng đã kịp thời giảm lãi, khoanh nợ... cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng NHNN cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn.

"Điều quan trọng là phải đưa ra được những tiêu chí đánh giá rất cụ thể như doanh thu bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, so với quý trước, tháng trước... Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ đánh giá mức thiệt hại và hỗ trợ cho khách hàng", ông Lê Ngọc Lâm nói.

Đồng tình với đề xuất của BIDV là cơ quan quản lý cần có hướng dẫn sớm, cụ thể để thực hiện khoanh nợ, giảm lãi vay... cho khách hàng, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc ngân hàng MB kiến nghị nên kéo dài thời hạn trả nợ. Cụ thể, với những nhóm khách vay bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, lưu trú, vận tải nên kéo dài 12 tháng đối với ngắn hạn, còn vay trung hạn là 24 tháng. Bởi theo đại diện MB, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào dừng và chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bên cạnh việc xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, phía ngân hàng OCB cũng đang chờ Thông tư hướng dẫn của NHNN để căn cứ triển khai, cho phép doanh nghiệp trả nợ theo dòng tiền, giãn nợ. Đại diện OCB khẳng định: Việc cho vay theo các gói lãi suất ưu đãi là cần thiết để các doanh nhân xoay trở tìm thị trường mới nên họ vẫn cần nguồn vốn trang trải các chi phí. Phía ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ nếu phương án khả thi.

Hiện, NHNN đang tập hợp các ý kiến đóng góp về dự thảo Thông tư quy định việc các ngân hàng (trừ ngân hàng chính sách xã hội) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo dự thảo Thông tư, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc 2 trường hợp:

Thứ nhất, trường hợp khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch, bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc và lãi trong khoảng từ ngày 23/1 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại phải chủ động tự cân đối, không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ tài chính của NHNN cũng như Nhà nước đối với từng TCTD; phải tính toán câu chuyện hoãn, giãn, cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi, giảm phí... trên tinh thần tự lực từ chính mình. Tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý và thực hiện nghiêm quy định của NHNN về trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên…

“NHNN đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả TCTD và các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong đó NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đào Minh Tú nói.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gap-rut-hoan-thanh-thong-tu-ho-tro-khach-hang-bi-thiet-hai-do-dich-covid19-20200304063131425.htm