Gặp rắc rối vì cầm sim số đẹp

Với những lời quảng cáo nghe rất 'bùi tai' như: Thủ tục đơn giản, giải ngân tức thì, lãi suất phù hợp và người cầm sim vẫn dùng bình thường…, dịch vụ cầm sim số đẹp đang nở rộ và tiếp cận khách hàng bằng nhiều hình thức. Tuy vậy, nếu không thận trọng, người dùng có thể gặp những hệ lụy khó ường.

Dịch vụ nở rộ

Dịp 8/3 vừa qua, chị Lan (Q.4, TPHCM) mừng hết cỡ khi lần đầu tiên được ông xã tặng món quà đặc biệt: Một bó hoa to, đẹp và thêm phần “combo” gồm 1 chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất đã gắn sẵn sim bên trong. Hồi hộp mở quà kiểm tra, chị Lan càng bất ngờ nhận ra số điện thoại của chiếc sim rất đặc biệt khi có 4 số cuối trùng nhau (tứ quý).

Tranh thủ ngày nghỉ, chị Lan dành thời gian thông báo cho bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, người thân của mình từ nay sẽ chuyển sang dùng số điện thoại mới và chị cũng có kế hoạch sẽ dùng số điện thoại “tứ quý” thay thế cho số cũ để kết nối vào các ứng dụng mình đang dùng, bao gồm cả dịch vụ ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội…

Sở hữu chiếc sim với dãy số đẹp là niềm vui, hãnh diện của nhiều người

Sở hữu chiếc sim với dãy số đẹp là niềm vui, hãnh diện của nhiều người

Trong lòng đang vui vì được ông xã quan tâm, tặng cho món quà ý nghĩa thì chị Lan bắt đầu cảm thấy khó chịu từ “những vị khách không quen”. Chỉ sau vài ngày sử dụng số điện thoại “tứ túy”, mỗi ngày chị Lan phải nhận rất nhiều cuộc điện thoại từ những số máy lạ nhưng với một thông điệp…rất quen: Em muốn mua lại số điện thoại của chị với giá…, chị có thể để lại cho em không?

“Có ngày tôi nhận được cả chục cuộc gọi như thế, rất khó chịu và ức chế. Mình làm kinh doanh, khách hàng nhiều, không lẽ có cuộc gọi lại không nghe. Mà không hiểu tại sao số điện thoại mình mới dùng chưa bao lâu lại có nhiều người biết mà hỏi mua đến vậy. Hết gọi đề nghị bán sim, thời gian gần đây họ còn thường xuyên nhắn tin giới thiệu dịch vụ nhận cầm sim với giá cao nữa…”, chị Lan thở dài cho biết.

Không riêng chị Lan, qua tìm hiểu, PV được biết, thời gian gần đây nhiều người dùng điện thoại có số được cho là đẹp thường được dịch vụ mua bán, cầm cố sim “quan tâm”. Cùng với nội dung đề nghị mua lại sim giá cao thì nhân viên các đơn vị này còn giới thiệu dịch vụ nhận cầm sim kèm theo những thông tin rất ưu ái: Thông tin bảo mật, thời gian làm thủ tục rất nhanh, giao tiền ngay khi hợp đồng được ký, lãi suất rất linh hoạt và đặc biệt, vẫn thoải mái dùng số điện thoại của mình trong thời gian hợp đồng có hiệu lực…

Những thuê bao di động có dãy số đẹp, dễ nhớ là đối tượng được các đơn vị cung cấp dịch cầm sim "quan tâm" (ảnh minh họa)

Có thể nói nhu cầu sử dụng sim số đẹp là có thực, nhất là trong hoạt động kinh doanh. Việc sở hữu số điện thoại dễ nhớ cũng để lại ấn tượng tốt đối với khách hàng hay thể hiện đẳng cấp của người sở hữu nó. Chính điều này mà thời gian qua hoạt động mua bán sim số đẹp diễn ra rất sôi động. Giá trị sim cũng tùy vào nhà cung cấp là đơn vị nào, tuy nhiên hầu hết các sim có những dãy số ấn tượng như lục quý (6 số đuôi giống nhau), ngũ quý (5 số đuôi giống nhau) hoặc tứ quý, tam hoa, số tiến, số gánh… thường được rao bán với giá rất cao, có khi là cả 1 gia tài của triệu người mơ ước!

Bên cạnh hoạt động mua bán sim đã có từ lâu thì dịch vụ cầm sim cũng đang được quảng cáo rầm rộ dưới nhiều hình thức. Theo như lời quảng cáo thì đây là dịch vụ “cung cấp giải pháp tài chính ngắn hạn” cho người sử dụng với lãi suất “phù hợp”, linh hoạt… kèm theo những cam kết rất có lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của người có kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ, trước khi quyết định sử dụng dịch vụ mới này, người tham gia cần thận trọng bởi không ai có thể lường hết được hệ lụy một khi bị chiếm quyền sử dụng số điện thoại. Và càng nguy hiểm hơn là số điện thoại ấy đang được dùng để xác nhận các thông tin bảo mật từ các ứng dụng trên nền tảng internet, đặc biệt là các giao dịch với ngân hàng.

Cần thận trọng

Cầm cố sim điện thoại là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên với nhau, không được quy định tại các văn bản liên quan đến luật viễn thông. Theo Khoản 9, Điều 15 Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức: Trường hợp chuyển quyền sử dụng số thuê bao, người chuyển quyền sử dụng và người nhận quyền sử dụng phải thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông. (Giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung được quy định tại các khoản 3,4,5 Điều 15 Nghị định 49/2017/NĐ-CP).

Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ cầm sim, hợp đồng dịch vụ chỉ có hiệu lực khi 2 bên đạt được thỏa thuận (thống nhất về giá cầm sim - PV) và được thể hiện bằng hợp đồng. Trong đó, người cầm sim chuyển quyền sở hữu sim ấy cho bên cung cấp dịch vụ. Và cũng từ thời điểm này, “khách hàng mới sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng các số thuê bao đã được cung cấp (Điểm c, Khoản 9, Điều 15 Nghị định 49/2017/NĐ-CP)”.

Đại diện nhà mạng di động Viettel cho biết, khi 2 khách hàng có nhu cầu chuyển quyền sử dụng và cùng nhau ra cửa hàng của doanh nghiệp viễn thông để thực hiện chuyển quyền, nếu giao dịch viên kiểm tra đầy đủ thông tin hợp lệ và thực hiện chuyển quyền đúng quy định, lúc đấy quyền sử dụng đã được chuyển cho khách hàng mới và được pháp luật bảo vệ. Như vậy, mặc dù thông tin quảng cáo cho biết “Người cầm sim vẫn sử dụng bình thường”, nhưng căn cứ theo quy định, khi đã ký hợp đồng và chuyển quyền sở hữu sim cho bên cung cấp dịch vụ, người cầm sim không còn bất cứ quyền gì đối với chiếc sim ấy!

Theo quy định, khi đã ký hợp đồng và chuyển quyền sở hữu sim cho bên cung cấp dịch vụ, người cầm sim không còn bất cứ quyền gì đối với chiếc sim ấy!

Dịch vụ cầm sim không có trong các văn bản liên quan đến luật viễn thông, đây là thỏa thuận dân sự giữa các bên. Tuy nhiên, khi đã chuyển quyền hợp lệ thì người nhận quyền sử dụng mới có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đổi sim trong trường hợp hỏng sim, mất sim, mất máy,... và doanh nghiệp viễn thông chỉ thực hiện đổi sim sau khi kiểm tra đảm bảo đúng hồ sơ, giấy tờ và thông tin thuê bao chính chủ. Tức là mặc dù người cầm sim vẫn được sử dụng chiếc sim đã cầm trong thời gian “hợp đồng cầm sim” đang có hiệu lực, nhưng bên cung cấp dịch vụ cầm sim hoàn toàn có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thay sim mới với các lý do như hỏng sim, mất sim, mất máy,...

Nếu có ý đồ không minh bạch từ đơn vị cung cấp dịch vụ, thật khó có thể hình dung người cầm sim có thể gặp những hệ lụy thế nào với việc bị chiếm quyền sử dụng số điện thoại từ chiếc sim mình đã cầm. Thực tế cho thấy đã có không ít trường hợp khách hàng bị mất rút tiền ngân hàng thông qua dịch vụ internet banking hoặc lấy thông tin cá nhân từ các ứng dụng trên nền tảng internet mà kẻ xấu chỉ cần chiếm quyền sử dụng số điện thoại.

Trong cuộc sống thường nhật cũng như trong hoạt động kinh doanh, đôi lúc chúng ta cần tiền mặt để trang trải với khoảng thời gian nhất định và giải pháp tài chính ngắn hạn luôn được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, bạn có thể gặp nhiều bất trắc và khó có thể lường hết được hệ lụy một khi đã giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác.

Gia Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/dich-vu/gap-rac-roi-vi-cam-sim-so-dep-post58022.html