Gặp pháo thủ số 1 xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Mặc dù đã 42 năm trôi qua kể từ ngày chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập, nhưng những kỷ niệm về một thời chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong lòng pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên.

Ông Nguyên chia sẻ với phóng viên.

Ông Nguyên chia sẻ với phóng viên.

Hành trình xe tăng 390 đến Dinh Độc lập

Bồi hồi nhớ lại quãng thời gian chiến đấu tiến về giải phóng Sài Gòn, ông Nguyên cho biết chiến dịch Hồ Chí Minh trở lên gay cấn và gấp rút kể từ ngày 25/3/1975. Hôm đó xe tăng 390 in vết xích trên sân Đại Nội, giải phóng Cố đô Huế, rồi tiến ra cửa Thuận An chặn đường rút của địch bằng đường thủy. Cùng với đồng đội, ông tham gia giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Theo ông Nguyên, chiếc xe tăng 390 “bị thương” nặng nhất là trong trận đánh căn cứ Nước Trong với nhiều vết đạn trên vỏ xe. Nước Trong là nơi đào tạo lính thiết giáp của địch, nhiệm vụ của ông Nguyên và đồng đội là phải chiếm bằng được căn cứ này để dọn đường tiến về Sài Gòn.

Sáng 30/4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn. Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây, địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng. "Chúng tôi đã dùng pháo cao xạ, súng M27 của xe tăng bắn lên, nhưng máy bay địch nâng độ cao và tiếp tục thả bom. Chúng tôi bị tổn thất nặng nề, xe bị cháy, xe bị sa lầy, mắc cạn, hỏng hóc. Đại đội 2 và 3 mất sức chiến đấu bởi anh Nhỡ hy sinh, các chiến sĩ người hy sinh, người bị thương, băng bó cho nhau la liệt 2 bên cầu", ông Nguyên kể lại.

Pháo thủ số 1 cũng cho biết, Đại đội tăng 4 lúc đó có 7 xe, ban chỉ huy đại đội gồm 3 người là trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843. Thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và trung úy Vũ Đăng Toàn trưởng xe 390. Sau khi hội ý, Ban chỉ huy quyết định không thể chậm trễ, phải xốc lại đội hình, tổ chức đại đội tiến vào bên trong. “Dù chưa một lần vào nội đô Sài Gòn, nhưng nhớ lời hướng dẫn đường đi của Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng. Chúng tôi cứ qua cầu Sài Gòn, đến ngã tư Hàng Xanh rồi rẽ phải, đi thẳng qua 7 ngã tư. Tại ngã tư thứ 7 rẽ trái là tới Dinh Độc Lập, vậy là xe tăng 390 của chúng tôi cứ tiến một mạch về thẳng Dinh Độc Lập”, ông Nguyên cho biết.

Bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử khi xe tăng 390 húc đổ cồng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Khi đến gần Dinh xe tăng 390 đi chậm lại, xe tăng 843 vượt lên. Đến cổng phụ trái xe 843 dừng lại, trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Lúc đó xe tăng 843 ngưng lại và gần như mất đà nên không húc đổ được cổng Dinh Độc Lập, ngay lúc đó xe tăng 390 đã lao tới. “Tôi còn nhớ anh Tập lái xe còn hỏi ý kiến anh Toàn xem nên xử lý như nào. Sau khi được lệnh "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức anh Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập lao vào trong sân", ông Nguyên hồi tưởng. Bước ra khỏi xe, ông Nguyên thấy Đại đội trưởng Thận đã ôm cờ tiến về phía trước, nên ông vơ thêm một khẩu AK, cùng ông Toàn chạy theo ông Thận hỗ trợ và sẵn sàng chiến đấu. “Khi chúng tôi đến đầu nhà thì có người đứng chặn và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc". Và có thêm người ra chỉ đường cho anh Thận lên nóc Dinh cắm cờ”, ông Nguyên nói.

Sau đó ông Nguyên vào bên trong, nội các của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ có hơn 50 người, “Tôi dồn hết vào phòng khánh tiết và sang phòng phía sau mời Dương Văn Minh lên", ông Nguyên kể. Sau khi có chỉ huy đến nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, ông Nguyên cùng đồng đội ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ Dinh. Khoảng một tiếng sau, Đại đội 4 của ông nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng bảo vệ cảng, bảo vệ kho hàng của chính quyền Sài Gòn.

Chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 đã trở thành biểu tượng chiến thắng của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xe tăng 390 vinh dự được xếp hàng đầu trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn. Rồi “chiến tăng” này lại tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ tại Huế, Đà Nẵng. Năm 1978 xe tăng 390 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Nhiệm vụ hoàn thành, 4 người lính trên chiếc xe tăng 390 lại về Bắc phục vụ 4 năm bảo vệ biên giới. Và cứ như thế, hết Nam lại Bắc, hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, ông Nguyên đã có 10 năm gắn bó với xe tăng 390.

Đến nguồn cội bài “năm anh em trên chiếc xe tăng”

Sau chiến tranh, ông Nguyên trở lại với cuộc sống đời thường và vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Hiện nay ông đang sống tại phố Chùa Nhĩ, đường Kim Giang, (Thanh Trì, Hà Nội). Thật may mắn PV đến và gặp được ông Nguyên ở nhà. Bởi lẽ, những ngày tháng 4 ông thường rất bận. Tiếp chúng tôi, ông Nguyên cho biết. Hiện tại ở tuổi 65, những sức khỏe vẫn tốt và đang tham gia công tác ở Hội cựu chiến bình phường.

Ông Ngô Sỹ Nguyên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió. Năm 1971 ông nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Vốn có sở trường bắn súng, nên chỉ sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, ông Nguyên được chọn vào lính tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2. Ông Nguyên chia sẻ về những ngày chiến đấu: “Ngày đó, chúng tôi chiến đấu với tâm nguyện tất cả vì miền Nam ruột thịt, nên cái chết đối với chúng tôi nhẹ tựa lông hồng. Lời hiệu triệu của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa.Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”, được truyền đạt tức khắc đến anh, em chiến sĩ giúp chúng tôi kiên cường và phấn chấn hơn rất nhiều”.

Khi PV thắc mắc, vì sao có bài hát 5 anh em trên một chiếc xe tăng, nhưng sao xe ông khi đó lại chỉ có 4 người. Ông Nguyên cười khoái trí giải thích: “Thời điểm ấy, xe tăng 390 gồm có lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập, Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, ông Nguyễn Văn Toàn là trung úy, Chính trị viên đại đội. Và tôi hàm trung sĩ, pháo thủ số 1. Như vậy, chỉ 4 người là đủ vị trí chiến đấu trên xe rồi”.

Những trang sách lịch sử suốt 20 năm sau đại thắng màu xuân năm 1975, vẫn cho rằng xe tăng 843 là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Và sau cùng công bằng đã trả lại cho những người lính trên chiếc xe tăng 390, khi những bức ảnh của một phóng viên người Pháp được công bố với hình ảnh rõ nét về chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Và tại thời khắc đó, xe tăng 843 đang có mặt tại cổng phụ của Dinh. “Với mỗi người lính như chúng tôi, được tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước, đó là niềm tự hào và nghĩa vụ thiêng liêng. Khi mang trên mình trách nhiệm cao cả ấy, xe 843 hay 390 là xe đầu tiên tiến vào Dinh không quan trọng vì tất cả đều là chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và đất nước ta đã được thống nhất”- ông Nguyên tâm sự.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gap-phao-thu-so-1-xe-tang-huc-do-cong-dinh-doc-lap-52374.html