Gặp ông Kim lần 3, TT Moon Jae In đối mặt thách thức khó nhằn nhất

Tổng thống Hàn Quốc buộc phải mang đến thứ gì đó thực chất hơn những tuyên bố mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đưa đàm phán Mỹ - Triều đi đúng hướng.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong năm 2018, diễn ra vào một ngày đầy nắng hồi cuối tháng 4, xoa dịu nỗi lo sợ chiến tranh trên bán đảo. Hội nghị lần hai, được tiến hành khẩn cấp hồi tháng 5, giúp đảm bảo cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra.

Giờ đây, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với nhà lãnh đạo Kim diễn ra ở Bình Nhưỡng tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phải đối mặt với thử thách khó nhằn nhất cho đến nay: mang đến thứ gì đó thực chất hơn những tuyên bố mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa và đưa đàm phán Mỹ - Triều đi đúng hướng.

Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã khựng lại trong những tuần gần đây làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu ông Kim có thực sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hay không, cũng như gây áp lực cho ông Moon trong việc phải dàn xếp quá trình trở lại.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4/2018. Ảnh: AP.

Kết quả nhiều khả năng sẽ là một chỉ dấu quan trọng về việc các cuộc đàm phán hạt nhân lớn hơn với Mỹ sẽ được tiến hành như thế nào. Ông Moon sẽ cố khiến ông Kim thể hiện rõ ràng hơn rằng ông đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều có thể tạo đà cho hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump thứ hai.

Cho dù ông Moon thành công, thất bại hay lưng chừng ở giữa, hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên thứ ba có thể giúp trả lời một câu hỏi dai dẳng: Khi ông Kim nói ông ủng hộ "phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên", ông thực sự có ý gì.

Tranh luận về phi hạt nhân hóa

Ông Moon sẽ đến Bình Nhưỡng vào ngày 18/9, đối mặt với câu hỏi dai dẳng về tuyên bố của ông rằng ông Kim, trong các cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc, đã chia sẻ riêng rằng ông thực sự quan tâm đến việc giải quyết vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Làn sóng lạc quan bao trùm hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên hồi tháng 4 và tháng 5 cũng như cuộc gặp tại Singapore giữa ông Trump và ông Kim hồi tháng 6 đã che khuất những bất đồng về việc ông Kim chính xác đã cam kết những gì.

"Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ làm rõ hơn những gì mà Triều Tiên mong muốn trong vấn đề phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo', ông Kim Tae Woo, cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia, một tổ chức hoạt động bằng ngân sách chính phủ Hàn Quốc, cho biết. "Nếu Miền Bắc đã đàm phán với thiện chí trong toàn bộ thời gian này, ông Moon sẽ có thể trở về với kết quả tốt. Nhưng, thật đáng tiếc, tôi thấy khả năng đó là thấp".

Vị chuyên gia nói rằng điều tối quan trọng với ông Moon là khiến ông Kim Jong Un đưa ra một tín hiệu rõ ràng hơn rằng ông sẵn sàng tiến hành những hành động đáng tin cậy hướng đến việc phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như cung cấp mô tả chi tiết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bước quan trọng đầu tiên để kiểm tra và xóa bỏ kho vũ khí.

Trong các cuộc gặp với ông Moon và ông Trump, nhà lãnh đạo Kim đã ký vào các tuyên bố cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên. Song trong nhiều thập kỷ, Bình Nhưỡng định nghĩa vấn đề phi hạt nhân hóa không giống với Mỹ, quyết tâm theo đuổi hạt nhân cho đến khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng như rút ô hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Những bất đồng khiến Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Triều Tiên đã được lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước. Sau một chuyến thăm của ông Pompeo trước đó, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đưa ra các yêu cầu "đơn phương và xã hội đen” về việc phi hạt nhân hóa, tỏ ra giận dữ với quan điểm rằng Triều Tiên phải thực hiện các bước quan trọng để xóa bỏ chương trình hạt nhân trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết hay các lệnh trừng phạt quốc tế được tháo dỡ.

Tổng thống Moon, con trai trong một gia đình tị nạn chiến tranh từ Triều Tiên, rất muốn các hoạt động đàm phán về hạt nhân tiếp tục diễn ra, không chỉ để làm dịu căng thẳng, mà còn thúc đẩy kế hoạch tham vọng của ông với Bình Nhưỡng, bao gồm các dự án kinh tế chung và kết nối đường bộ, đường sắt liên Triều. Những dự án này bị trì hoãn vì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

"Điều mà Miền Nam và Miền Bắc hiện nay cần không chỉ là tuyên bố chung, mà còn là tìm cách để phát triển quan hệ một cách thực chất", ông Moon nói trong cuộc họp nội các hồi đầu tuần. "Chúng ta không thể từ bỏ những nỗ lực để hòa giải và dàn xếp đàm phán giữa chừng cho đến khi đối thoại và liên lạc giữa Triều Tiên và Mỹ thông suốt".

Giấy trắng mực đen

Vấn đề chính thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ở Bình Nhưỡng. Cuộc chiến chấm dứt với một lệnh ngừng bắn nên về mặt lý thuyết, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Cả hai miền Triều Tiên kêu gọi đưa ra tuyên bố vào cuối năm, nhưng Mỹ trước tiên muốn nhìn thấy nhiều hơn những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, và một số nhà phân tích nói rằng tuyên bố có thể gây áp lực cho Mỹ trong việc rút quân khỏi Hàn Quốc.

"Với tuyên bố này, Triều Tiên đang cố gắng đứng ngang hàng với Mỹ để có thể biến quá trình thành một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí song phương giữa hai quốc gia hạt nhân", ông Kim Tae Woo, chuyên gia về an ninh, nhận xét. “Quá trình này không thể có liên quan với kế hoạch phi hạt nhân hóa đơn phương".

Ông Chung Eui Yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Moon, đã gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên nói với ông rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ không làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn hoặc dẫn đến việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ông Chung cũng cho biết ông Kim mong muốn hoàn thành quá trình phi hạt nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Ông Chung từng chuyển giúp những hứa hẹn tương tự từ ông Kim sau chuyến thăm trước đó vào tháng 3, khi các quan chức Hàn Quốc "ngoại giao con thoi" với Bình Nhưỡng và Washington để dàn xếp cuộc gặp Trump - Kim.

Khi đó, ông Chung nói ông Kim bảo rằng Triều Tiên sẽ không cần giữ vũ khí hạt nhân nếu họ nhận được sự bảo đảm an ninh đáng tin cậy và nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn buộc phải tiếp tục. Những lời lẽ này được xem là sự khác biệt quan trọng so với lập trường trước đó của Triều Tiên.

Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA/Reuters.

Song ông Kim chưa bao giờ đưa ra ý kiến tương tự một cách công khai hoặc bằng văn bản.

Nếu ông Moon không thể thuyết phục ông Kim thể hiện cam kết với các bước cụ thể để phi hạt nhân hóa, ông ít nhất sẽ phải khiến ông Kim đưa những điều mà ông Chung nói đã nghe từ lãnh đạo Triều Tiên vào một thỏa thuận bằng văn bản, theo Du Hyeogn Cha, một học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul.

Điều đó sẽ cung cấp một điểm khởi đầu để thiết lập mốc thời gian cho quá trình phi hạt nhân hóa, giảm bớt những lo ngại về ý định của Triều Tiên và làm rõ hơn rằng Triều Tiên có trách nhiệm lớn hơn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng hạt nhân.

"Tuyên bố Bàn Môn Điếm sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chỉ cung cấp một giới hạn thời gian cho tuyên bố kết thúc chiến tranh, đó là vào cuối năm 2018. Về vấn đề phi hạt nhân hóa, tuyên bố chỉ nói rằng hai miền Triều Tiên sẽ cùng nhau làm việc hướng đến mục tiêu đó", ông Cha nói. "Nếu không có được điều gì cụ thể hơn từ ông Kim, những nỗ lực ngoại giao có thể mất đi nhiều sức mạnh".

Người Hàn - Triều khóc ngất trong ngày đoàn tụ gia đình sau 70 năm

Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt những cụ già đã ngoài 80 khi lần đầu tiên được gặp lại gia đình, người thân phía bên kia biên giới sau gần 70 năm chia cắt.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gap-ong-kim-lan-3-tt-moon-jae-in-doi-mat-thach-thuc-kho-nhan-nhat-post877106.html