Gặp ông Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không từ bỏ S-400

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố quan điểm của nước này về thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất là không thay đổi.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Ngày 14/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp mặt đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels, Bỉ.

Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Joe Biden cho biết hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận chi tiết về những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm.

Ông Biden chia sẻ hai nước sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề cần thiết trong tương lại và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ song phương giữa 2 nước sẽ đạt được tiến bộ thực sự.

Về Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cũng đánh giá cuộc gặp với ông Biden "rất thành công và chân thành”.

Ông Erdogan cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và việc Mỹ loại bỏ Ankara khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35.

Tổng thống Thổ nhĩ Kỳ khẳng định quan điểm của nước này về thương vụ mua S-400 là không thay đổi.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6.

Nhà Trắng tuyên bố cuộc gặp sẽ đánh giá thực tế mối quan hệ song phương. Biden sẽ nêu ra một số lo ngại cấp bách, nhưng cũng tập trung vào các lĩnh vực mà Nga và Mỹ có thể hợp tác.

Thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào tháng 12/2017.

Nga hoàn tất bàn giao loạt vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2020. Ankara đã tiến hành đợt bắn thử đầu tiên vào tháng 10/2020 và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà "không cần xin phép Washington".

Mỹ nhiều lần phản đối thương vụ này, cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và đe dọa tiêm kích tàng hình F-35. Để trừng phạt hợp đồng S-400, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.

Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm ngoái áp lệnh cấm vận nhằm vào Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (SSB) thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Những biện pháp trừng phạt gồm cấm mọi giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho SSB, đóng băng tài sản và hạn chế đi lại với chủ tịch SSB Ismail Demir cùng nhiều quan chức khác.

Tuy nhiên, cho tới nay Ankara vẫn từ chối nhượng bộ và tiếp tục đàm phán để mua thêm một lô S-400 nữa.

Chu La

Theo CNBC

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/gap-ong-biden-tong-thong-tho-nhi-ky-tuyen-bo-khong-tu-bo-s-400-20180504224254527.htm