Gặp những thầy giáo làm 'mẹ hiền' của trẻ mầm non

Nghề giáo viên mầm non thường là thế mạnh đối với nữ giới, bởi công việc của một giáo viên đứng lớp mầm non ngoài đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn là sự sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng... Thế nhưng cũng có những thầy giáo lại chọn nghề giáo viên mầm non. và đang hết lòng tận tụy với nghề, trở thành 'mẹ hiền' trong mắt trẻ thơ.

Thầy Nguyễn Phương Bình trong 1 tiết học tại Trường Mầm non 1.

Thầy Nguyễn Phương Bình trong 1 tiết học tại Trường Mầm non 1.

Từ sinh viên “độc đinh”

Gặp thầy Nguyễn Phương Bình, sinh năm 1985, giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM, một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019, chúng tôi khá bắt ngờ vì một thầy giáo trẻ mà đã có gần 14 năm là "mẹ hiền" của trẻ mầm non.

Thầy Bình chia sẻ: “Ngay từ khi học lớp 11, tôi đã ấp ủ giấc mơ trở thành giáo viên mầm non. Bởi trước đây tôi hay chơi với các cháu, với các bé hàng xóm và thật sự bị thu hút trước sự hồn nhiên, ngây thơ và thông minh của trẻ nhỏ”.

Việc chọn trở thành giáo viên mầm non của thầy Bình khiến gia đình, bạn bè bất ngờ, can ngăn không chỉ vì những lý do thông thường như giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp mà chủ yếu cho rằng đó là nghề dành cho nữ giới. Cho đến khi đi học Sư phạm, thầy Bình cũng là "độc đinh" trong lớp, thậm chí trong khối. Ai gặp cũng hỏi, sao thầy chọn nghề này. Rồi đến khi thầy ra trường đi dạy, nhiều phụ huynh vừa tò mò lẫn lo lắng khi "mẹ hiền" của con mình lại một nam thanh niên, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng...

Nhớ ngày mới ra trường, được phân công nhận lớp nhà trẻ, việc chăm sóc phức tạp, khó khăn hơn do các cháu chưa biết tự làm vệ sinh cá nhân. Rối có những trẻ ban đầu còn lạ lẫm, cô giáo đón không sao nhưng thấy thầy giáo là khóc thét đòi mẹ; nhiều công việc như tết tóc cho các bé gái thì thầy luống cuống hơn. Rồi ngay cả phụ huynh, chủ yếu là các bà mẹ đưa đón con, lúc đầu cũng ngại trao đổi với thầy về những vấn đề của trẻ… khiến thầy giáo trẻ Nguyễn Phương Bình hơi nản lòng nghĩ “hay thôi mình nghỉ”.

Thầy Thái Hồng Duy chăm chút bữa ăn cho các em nhỏ tại Trường Mầm non 19/5 Thành phố.

Đến người “mẹ hiền” tận tụy

Tuy nhiên, bằng sự tận tụy, lòng yêu trẻ, tiếp xúc với trẻ, các em rất tình cảm, nhanh quý mến người khác nên đã tiếp thêm "sức đề kháng" cho thầy Nguyễn Phương Bình vượt qua những khó khăn, rào cản và trở thành người “mẹ hiền” trong mắt trẻ thơ. Mặt khác, sự yêu nghề luôn thôi thúc thầy tìm tòi, sáng tạo hướng đến những điều tốt đẹp cho trẻ. Thầy Bình sáng tạo trong các bài dạy, các hoạt động, thậm chí là "phá cách", không đi theo những lối mòn trong giáo dục trẻ từ cách chọn đồ chơi, vật dụng làm minh họa trực quan sinh động. Thầy Bình từng giành giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp Thành phố; đạt danh hiệu “Lao động giỏi”, "Lao động sáng tạo” do Công đoàn giáo dục Thành phố trao tặng.

Tương tự, thầy giáo trẻ Thái Hồng Duy, giáo viên Trường Mầm non 19/5 Thành phố (quận 1, TPHCM) cũng vì sự hồn nhiên, vô tư, đáng yêu của trẻ em mà thầy quyết tâm trở thành “cô nuôi dạy trẻ” thay vì chọn khối B theo dự kiến ban đầu. Vào nghề với niềm đam mê yêu thích công việc, nên thầy Thái Hồng Duy qua 2 năm gắn bó với ngôi trường Mầm non 19/5 Thành phố luôn làm tốt nhất mọi điều dành cho trẻ. Từ việc tập tết tóc, việc hỗ trợ trẻ ăn, dạy bảo trẻ, vỗ về yêu thương… Thầy vừa đóng vai trò là mẹ hiền, vừa giống như một người cha, người anh của trẻ.

Thầy Duy chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ, trẻ mầm non đến trường chỉ việc chơi, ăn và ngủ… nhưng thực tế đây là bậc học vô cùng quan trọng, làm nền tảng bước đầu cho những cấp học tiếp theo nên tôi cũng như các giáo viên mầm non khác luôn chuẩn bị rất kĩ lưỡng kế hoạch giảng dạy của mình”. Vì thế, một ngày mới bắt đầu, thầy Duy có mặt lúc khoảng 6h30 và bắt đầu đón trẻ vào lớp. Thầy trò cùng tập thể dục, cho trẻ ăn bữa sáng và bắt đầu một ngày học tập, vui chơi cùng các con. Với tiết học về phân biệt bạn nam, bạn nữ, nhận biết các kí hiệu khi đi vệ sinh… nắm bắt được tâm lý trẻ con thích hình ảnh, màu sắc, thầy đã dùng những hình ảnh, biểu tượng phù hợp để kích thích sự chú ý của trẻ. Thầy cũng rất chú trọng đến việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho các con, dạy trẻ giao tiếp.

Theo thầy giáo trẻ Thái Hồng Duy, dạy các con, mình cần sự kiên nhẫn, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, dễ thương, phải nhẹ nhàng và tự mình sắm vai như một người bạn của trẻ để hiểu trẻ hơn. Điều quan trọng nhất là yêu trẻ bằng cả trái tim mình. Mỗi ngày trôi qua, được chơi, được vui đùa, dạy bảo các con là điều tôi cảm thấy rất vui. Trẻ con rất vô tư, hồn nhiên, khi mình dành cho trẻ sự yêu thương từ trái tim mình, trẻ cũng đáp lại bằng tình yêu thương ấy. Kết thúc một ngày làm việc, bằng nụ cười hồn nhiên, cái vẫy tay chào của trẻ... là điều rất tuyệt vời.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gap-nhung-thay-giao-lam-me-hien-cua-tre-mam-non-115403.html