Gặp nguyên mẫu trong bài thơ 'Gửi em, cô thanh niên xung phong'

Tôi gặp o Nhị (cô theo cách gọi của người Hà Tĩnh) giữa một ngày tháng 7 nắng chói, trong một căn nhà nhỏ nép mình dưới hàng phi lao hướng ra mặt biển. Đứng trước mặt tôi là một người phụ nữ ngoài 70, mái tóc hoa râm, nước da đồi mồi, nét mặt hằn lên nhiều vết chân chim. Quả thật, nếu như tên tuổi o không gắn liền với bài thơ 'Gửi em, cô thanh niên xung phong' của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật thì cuộc đời o chắc cũng giống như bao người đàn bà chân chất khác ở cái miền đất đầy nắng gió này.

O Nhị và gánh hàng nhỏ mưu sinh qua ngày. Ảnh: Hoài Thương

O Nhị tên đầy đủ là Lê Thị Nhị, SN 1946, ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. O sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 5 anh em. Năm o một tuổi, cha đi vận tải ở Thanh Hóa bị địch bắn chết. Hai năm sau, cơn đói tràn về khắp miền quê lại cướp đi hai người em trai và người chị thứ hai, chỉ còn o và người chị đầu may mắn sống sót. Từ đó, mẹ o tay thúng tay mẹt tất tả bám gò biển mưu sinh.

Năm 1967, chứng kiến đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, o viết đơn tình nguyện vào thanh niên xung phong (TNXP), thuộc C4, Tổng đội TNXP 55 làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom ở tuyến đường 15A thuộc Phú Lộc, huyện Can Lộc. Tuyến đường này ngày đó được ví như túi bom của cả nước, bởi giặc Mỹ điên cuồng thả xuống hàng nghìn tấn bom nhằm chia cắt huyết mạch giao thông nối hai miền Nam - Bắc. Để đảm bảo cho xe ta kịp thời tiếp viện cho tiền tuyến, o và đồng đội ngày đêm bám đường quan sát để phá bom, lấp hố bom, bạt đường và làm cọc tiêu dẫn xe qua. Và chính những năm tháng phục vụ chiến đấu nơi chiến trường ác liệt, o đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, để rồi trở thành nguyên mẫu trong bài thơ "Gửi em, cô TNXP". Đó là một kỷ niệm đẹp mà o không bao giờ quên.

O Nhị kể: "Đó là vào một tối năm 1968, Tiểu đội o đang làm nhiệm vụ san lấp đường cho xe qua. Trong lúc mọi người vừa làm, vừa ca hát thì có một anh bộ đội nhảy từ trên xe xuống làm quen. Hồi đó, cánh lái xe và các o TNXP thân nhau lắm, hay trêu đùa nhau. Tui nhớ, anh có dáng người cao ráo, trán rộng, mũi cao, giọng Bắc ngọt lịm: "Các cô quê ở đâu?". Khi anh ấy hỏi đến tui thì tui nói: "Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ (ấy) là Thạch Nhọn eng nờ (anh à)!". Anh bộ đội nớ ngơ ngác rồi thắc mắc: "Thạch Nhọn là đâu?". Lúc đó, tụi tui cười phá lên. Tui nghĩ trong bụng, Thạch Kim là Thạch Nhọn đó, có vậy cũng không hiểu, nhưng không dám nói. Rồi anh ấy lại nhảy vội lên xe".

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đầy tiếng cười ấy không ai nghĩ rằng là "cơ duyên" đưa o Nhị vào những vần thơ sống mãi với thời gian:

"Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh, nói là "Thạch Nhọn"

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru...".

Sau đó một thời gian, khi bài thơ "Gửi em, cô thanh niên xung phong" của nhà thơ Phạm Tiến Duật được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì o gặp rắc rối. "Lúc đó, tui đang làm nhiệm vụ ngoài đường thì có lệnh của Đại đội trưởng kêu về gấp, chưa hiểu chuyện gì thì vị Đại đội trưởng nói: "O nói chi mà để người ta đọc trên đài nói o lừa Thạch Nhọn - Thạch Kim? May mà nhà thơ, chứ cán bộ Trung ương là o đi tù đó!".

Tui hết hồn, ngồi im thin thít, lúc sau mới nói: "Thôi, em trót dại, eng cho em ở lại chăn trâu, chăn bò chi cũng được, chứ đừng bắt em về mà em mang tội với mẹ, với làng xóm". Đại đội trưởng bảo tui nói rứa là làm mất hình ảnh của TNXP trong mắt bộ đội nên phải viết biên bản, cam kết rồi mới được tha. Tui sợ đến nỗi, mãi một khoảng thời gian ra đường, ai hỏi chi, tui cũng không dám nói nữa, sợ bị trách tội. Cái thời ấy hay rứa (như thế) đó".

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường, o Nhị trở về quê hương mang theo thương tật. Cũng từ đó, hai mẹ con o quanh quẩn bên gánh hàng nhỏ để kiếm sống qua ngày. O kể, nhiều lần mẹ giục con gái lấy chồng, nhưng ngặt nỗi, người thương mình nhưng mình không thương, người mình thương thì ngại chuyện ở rể nên o không thương lại được. O cũng buồn, nhưng nghĩ đến chuyện lấy chồng xa, không ai chăm sóc mẹ già, o đành phải cam phận. 70 tuổi, giờ đây o vẫn là con gái mẹ chứ chưa phải là dâu con nhà ai. Năm 2002, mẹ o mất. 10 năm sau, người chị gái cũng qua đời, chỉ còn mình o lầm lũi trong căn nhà quạnh vắng.

Trong câu chuyện bên chén nước chè, khi tôi nhắc tới cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, đôi mắt o Nhị đỏ hoe. Những tất tả lo toan về cơm áo gạo tiền đã cuốn o vào vòng xoáy mưu sinh nên gần như quên lãng anh bộ đội năm nào. Cho đến năm 2000, lúc nhà thơ Phạm Tiến Duật về dự hội thảo ở Hà Tĩnh, thông qua nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã gọi điện hỏi thăm sức khỏe và hẹn gặp o. Nhưng sau đó, nhà thơ có việc đột xuất phải đi ngay nên mãi đến ngày cố nhà thơ sắp tạ thế, o Nhị mới có dịp gặp lại.

Lúc đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật ốm nặng sắp mất, nhờ bạn bè và người thân của ông, o đã được đón ra Hà Nội 5 ngày thăm nhà thơ. O được đưa đến Bệnh viện 108, nơi nhà thơ đang giành giật sự sống từng ngày với căn bệnh ung thư. "Lúc nớ, anh Duật đã rơi vào trạng thái hôn mê rồi. Tui tiến đến cạnh giường, nắm chặt tay và ghé sát vào tai anh: "Anh Duật ơi... Em là Nhị đây, cô gái TNXP đây. Anh có nhận ra em không?".

Anh Duật đang nằm bất động trên giường bỗng dưng mở mắt nhìn tui trong khoảng 30 giây rồi anh lại hôn mê trở lại." Không ngờ đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng, cô gái TNXP được gặp lại tác giả bài thơ. O Nhị về được mấy ngày thì nhà thơ - người lính lái xe Trường Sơn năm xưa đã về cõi vĩnh hằng. O lại ra Hà Nội dự lễ tang của ông. Gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật quý o Nhi lắm. Hai bên vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại như những người thân trong gia đình.

Thơ của Phạm Tiến Duật, người chiến sĩ lái xe, viết ngay trong mưa bom, bão đạn mà vẫn tươi rói thể hiện sức sống mãnh liệt tuổi thanh xuân của một lớp người trưởng thành từ thực tế chiến đấu. Giản dị, mộc mạc mà lại rất sinh động, tươi trẻ, chứa đựng tinh thần lạc quan của cả một thế hệ chống Mỹ cứu nước. Bài thơ "Gửi em, cô TNXP" kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường ra mặt trận với cô gái TNXP mà trung tâm chính là em - một cô gái không nhìn rõ mặt. Từ cuộc gặp gỡ cụ thể ấy, nhà thơ đã khái quát nâng tầm lên thành một hình tượng nghệ thuật ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh của lực lượng TNXP thời chống Mỹ.

Giờ đây, o Nhị đã quen với cảnh vào ra một mình trong căn nhà nhỏ, với gánh hàng, đàn gà, thỉnh thoảng có bà con xóm giềng và mấy đứa cháu sang thăm. Tôi nhìn gánh hàng của o. Mấy gói kẹo lạc, gói thuốc lá, xấp tiền vàng mã, mươi cái bắp cải, vài trái bí, dăm bó hành, ngò. Có thế thôi mà mỗi ngày, o phải dậy từ 4 giờ sáng, ngược lên chợ Thạch Kim mua hàng về rồi phân loại, chất lên chiếc xe nhỏ đẩy ra gò Thạch Kim bán lại.

"Trông rứa nhưng mà nặng, so với thời con gái thì không là chi cả, bom nặng cả tạ tui còn vác được, nhưng cái gánh hàng này càng ngày lại càng thấy nặng rồi, cháu ạ" - o Nhị tâm sự. Kể từ ngày cảng cá và bến cá đi vào hoạt động, nhưng con lạch bị cạn trơ, tàu lớn không vào được, khiến cho bến gò và chợ gò trở nên đìu hiu, gánh hàng của o cũng thêm phần ế ẩm. Thu nhập từ gánh hàng cộng với khoản tiền trợ cấp thương binh mỗi tháng cũng chỉ đủ để o rau cháo đắp đổi qua ngày.

O Nhị sợ mai đây già yếu, không còn đẩy được chiếc xe hàng này nữa thì không biết trông ngóng vào ai. O Nhị cho biết thêm, ngôi nhà mà o đang ở được kiên cố như vậy là nhờ Công ty May Việt Tiến thông qua báo Người lao động tặng cho 20 triệu đồng cùng Mặt trận Tổ quốc xã xây dựng năm 1997. Nếu không có những tấm lòng đó thì o vẫn đang sống trong căn lều lụp xụp, mưa nắng đều tới thân. O khoe, năm 2005, Công ty May Việt Tiến đã đưa o vào thăm chiến trường miền Nam năm xưa, o được nhìn thấy tận mắt địa đạo Củ Chi, được đặt chân lên Bến cảng Nhà Rồng và tham quan nhiều di tích lịch sử cách mạng khác. Một đôi lần, có đoàn làm phim tư liệu về Ngã ba Đồng Lộc mời o làm cố vấn, o cũng hăng hái nhận lời. O bảo, những lúc như thế, o như được sống lại một thời tuổi trẻ.

Tôi rời căn nhà o Nhị khi mặt trời vừa khuất sau dãy núi. Hình ảnh cô TNXP năm xưa và hình ảnh một bà lão chân trần gò lưng đẩy xe hàng giữa con đường cát nóng bỏng khiến tôi không cầm lòng được. Thoang thoảng trong không gian mùi vị mặn mòi của biển và tiếng sóng vỗ rì rào như muốn nhắn gửi lời tri ân đối với người con gái quê hương đã cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hoài Thương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gap-nguyen-mau-trong-bai-tho-gui-em-co-thanh-nien-xung-phong/