Gặp 'người phụ nữ tiêu biểu toàn cầu' ở Cần Thơ

Bà là Trần Thị Kim Thia, tên thường gọi là bà Sáu Thia, quê ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. 16 năm qua, bà đã dạy miễn phí cho tròm trèm 2.500 em nhỏ vùng sông nước biết lội. Năm 2017, Hãng thông tấn BBC đã vinh danh bà Sáu Thia vào tốp “100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu” vì có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới. Mới đây, giải thưởng KOVA của Việt Nam cũng đã tôn vinh bà ở hạng mục “Sống đẹp”.
Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trò chuyện với bà Sáu Thia nhân chuyến bà sang Cần Thơ mới đây.

* Cô Sáu mới đi nhận giải thưởng KOVA về, cô có thể chia sẻ với độc giả về chuyến đi này ?

- Cô ra Hà Nội nhận giải, được 20 triệu đồng, địa phương và ban tổ chức đài thọ tiền ăn uống, đi lại nên không tốn tiền. Tiền đó với tiền bà con thương cho, cô dành cất nhà. Nhà cô đang ở nhỏ xíu, dột nát hết rồi. Nay được địa phương cho miếng đất 75m2, mạnh thường quân cho tiền cất nhà. Chắc Tết này cất, được ở nhà mới! (cười).

* Trở lại chuyện dạy bơi miễn phí, cô Sáu bắt đầu như thế nào?

- Năm 2002, khi xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, cô được chọn làm “huấn luyện viên”. Lúc đó cô có biết gì đâu, ngoài biết bơi, nên lo, ngủ không được mấy đêm liền. Rồi mỗi sáng cô mở tivi lên xem người ta dạy tập thể dục buổi sáng, mấy động tác khởi động. Thay vì hồ bơi, cô đóng cọc dưới bến sông rồi mua lưới giăng mùng ngược để các cháu có chỗ tập. Ban đầu phụ huynh còn e dè vì mình chuyên bốc vác, làm thuê chớ có dạy bơi hồi nào đâu. Vậy rồi từng tốp trẻ em sau hơn tuần học thì biết bơi, có cơ quan chuyên môn thẩm định đàng hoàng, bà con lại tin tưởng giao con cháu mình cho cô dạy.

* Đến nay, cô Sáu đã dạy bơi cho bao nhiêu em nhỏ vùng sông nước này?

- Thiếu 13 cháu nữa là 2.500 em. Cô có ghi kỹ mà. Từ 1-2 điểm dạy, có khi cao điểm cô dạy 7 điểm một ngày, khắp 13 xã, thị trấn của huyện. Có ngày mình cô không khô. Cô đảm bảo, trẻ em học, nhanh thì 4 ngày hoặc chậm lắm thì 10 ngày là biết bơi, chưa có em nào phải “lưu ban” ở lại khóa sau.

Mấy đứa nhỏ học bơi tốp đầu giờ ngoài 30 tuổi, làm nghề này, nghề kia đâu trên huyện, trên tỉnh, về cũng khoanh tay thưa cô Sáu đàng hoàng, lễ phép, nó còn nói nhờ cô Sáu mà biết bơi. Nhiêu đó thôi, cô đủ vui rồi!

* Sắp có nhà mới rồi, dự định tiếp nữa của cô Sáu là gì?

- Thì sẽ dạy bơi tiếp tục. Rảnh thì lấy vé số bán kiếm sống. Hồi đó cô từng làm bốc vác, đốn tràm, giặm lúa, gặt lúa... để sống. Bây giờ, mỗi năm cô có chừng 5 tháng không dạy bơi, thì đi bán vé số kiếm tiền để trang trải cho thời gian mình dạy, vì trợ cấp 300.000 đồng/tháng mỗi điểm không đủ xăng cộ, ăn uống. Đi dạy về tới nhà 7-8 giờ tối là chuyện thường. Đi về mình ướt nhẹp đó nhưng bắt nồi cơm điện lên, xong rồi tắm và ngủ cho đỡ mệt. Chừng nào bụng đói thì thức dậy trộn muối tiêu ăn cơm. Có khi 1-2 giờ sáng. Một mình là vậy.

* Cô Sáu có khi nào nghĩ sẽ nghỉ dạy bơi để tìm kế mưu sinh?

- Đời nào cô nghĩ vậy! Cô nguyện rồi, chừng nào đi hết nổi, chạy xe hết nổi thì mới nghỉ dạy bơi cho mấy đứa nhỏ. Cô biết sẽ tới ngày đó thôi nên đang tìm người kế nghiệp, nhưng cái nghiệp này chắc nặng quá nên chưa ai dám theo.

Mỗi đứa trẻ vùng sông nước Tháp Mười mà biết lội là cô mừng lắm. Nói thiệt, nghe báo đài đưa tin có trẻ chết đuối là cô thương mà giận dữ lắm, giận người lớn. Tại không quan tâm, không dạy bơi cho tụi nhỏ nên mới ra nông nỗi như vậy. Cô cứ tưởng tượng đứa nhỏ đang chơi đùa, chạy nhảy đó nhưng chỉ một phút bất cẩn đã phải thiệt mạng. Đau lắm chớ. Chắc cũng nhiều người thương mà giận như cô, nhưng cô không giận suông. Cô quyết sao cho xứ mình không có chuyện đó xảy ra, nên sẽ dạy bơi cho tụi nhỏ hoài hoài.

Cô thấy đời mình không sướng mà cũng không khổ. Mình muốn sướng thì sướng thôi, nhưng mình sướng mà mấy đứa trẻ không biết lội, mùa nước nổi linh đinh thấy sợ lắm, lòng không yên. Cô nguyện khổ đi, cho tụi nhỏ nó an lành. Nếu mà cô có gia đình, có chồng con, thì phải lo cho gia đình, trẻ em không biết lội, ai dạy? Thành thử thôi, để vậy đi, để lo cho tụi nhỏ.

* Được bình chọn vào tốp 100 phụ nữ truyền cảm hứng toàn cầu, cô Sáu nghĩ gì?

- Nhiều người chọc cô bây giờ là người nổi tiếng. Cô chỉ cười. Mình làm được gì cho tụi nhỏ thì làm thôi. Thương thì gọi “Bà Sáu dạy bơi” là cô vui rồi.

* Xin cảm ơn cô!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/gap-nguoi-phu-nu-tieu-bieu-toan-cau-o-can-tho-a104455.html