Gặp người phụ nữ đầu tiên nấu cơm cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) ra đời trong một khu rừng nằm giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngay khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của người dân xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, trong đó có bà Bàn Thị Chủ, người phụ nữ đầu tiên nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Bà Bàn Thị Chủ tới thăm gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30, phố Hoàng Diệu. Ảnh: Kim Nhượng

Bà Bàn Thị Chủ tới thăm gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30, phố Hoàng Diệu. Ảnh: Kim Nhượng

Ngày 30 tháng 8 âm lịch năm nay, số nhà 30, phố Hoàng Diệu đón vị khách đặc biệt, một bà lão năm nay đã 95 tuổi, xuống Hà Nội thắp hương cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là bà Bàn Thị Chủ, lão thành cách mạng, người dân tộc Dao, ở xóm Pù Mìn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, người năm xưa đã từng nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân những ngày đầu mới thành lập. Bà Chủ sinh năm 1925, mồ côi cha từ lúc 2 tuổi. Bà ở với mẹ và 4 chị em gái. Năm 16 tuổi, bà được chọn vào đội Hậu cần nuôi quân cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Dù đã 95 tuổi, nhưng bà Chủ vẫn nhớ như in những ngày đầu tham gia cách mạng và nấu cơm cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nhân dịp bà Chủ nhận lời mời của ông Võ Hồng Nam, con trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống Hà Nội khám sức khỏe, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà.

Bắt đầu câu chuyện, bà nói: “Lúc đó, nhà tôi nghèo lắm, thóc lúa cũng không có ăn, trồng được bao nhiêu thóc, nuôi được bao nhiêu lợn, gà thì Tây đến thu hết, cuộc sống khổ cực vô cùng. Nhưng khi nghe tin có bộ đội về làng, bà con mừng lắm, ai cũng cố gắng tăng gia sản xuất để lấy lương thực nuôi bộ đội. Ngày đó, đội nấu cơm có khoảng 10 người, trong đó chia ra một đội đưa cơm, một đội canh gác, đưa cơm cho bộ đội phải đưa vào buổi tối để giặc Pháp không phát hiện. Biết rằng, khi bị giặc bắt, chắc chắn sẽ bị giết, nhưng cả đội không hề nao núng, lo sợ”. Bà Bàn Thị Chủ nói tiếp: “Lúc tôi đang chuẩn bị đi đưa cơm cho bộ đội thì chỉ huy nói: Hôm nay, chị không phải đi đưa cơm nữa, mà chuyển vào rừng nấu cơm cho anh Văn. Mãi sau này, tôi mới biết người có bí danh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông Võ Hồng Nam chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi luôn coi bà Bàn Thị Chủ như người thân thiết, hàng năm, cứ mỗi dịp lễ, tết, gia đình đều gửi quà lên thăm bà. Năm 1994, khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, bà Bàn Thị Chủ mừng lắm, mất ăn, mất ngủ mong được gặp Đại tướng, rồi bà chuẩn bị cơm lam, mật ong rừng, hoa quả đến gặp Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết được liền nói: Đây là hoa hậu của đội Hậu cần đấy, mời bà vào đi”.

Được biết, sau này, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, bà Chủ buồn và khóc rất nhiều. Lúc đó, lãnh đạo huyện Nguyên Bình có bố trí đi viếng Đại tướng và mời bà đi, nhưng do sức khỏe yếu, bà không đi được, nên cử con dâu đại diện gia đình xuống dâng hương Đại tướng.

Nói chuyện hồi lâu, bà Bàn Thị Chủ phấn khởi nói: “Những năm qua, tôi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thăm hỏi, động viên, còn được mời xuống Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ. Anh Võ Hồng Nam cũng hay lên thăm tôi, mỗi lần lên đều tặng nhiều quà. Vừa rồi, thấy tôi mắt kém, không nhìn được, anh đã đưa tôi xuống Hà Nội thăm khám. Tôi chỉ mong sao mắt sớm bình phục để được vào thăm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ” - Bà Chủ giãi bày.

Tại căn phòng nhỏ, năm xưa từng là phòng khách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng để tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước, giờ đã trở thành phòng thờ chính của ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, bà Bàn Thị Chủ tiến đến nhìn bức ảnh của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi tay bà run run, đôi mắt ngân ngấn lệ, bà cầm nén hương thắp lên bàn thờ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi ông Võ Hồng Nam nói: “Bà Bàn Thị Chủ cùng con cháu từ Cao Bằng xuống thắp hương cho ba, người mà năm xưa nấu cơm cho ba và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đây”, bà Chủ không kìm nổi xúc động, đã bật khóc, những giọt nước mắt cảm phục, thương mến dành cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gap-nguoi-phu-nu-dau-tien-nau-com-cho-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-post436141.html