Gặp người lính gửi bưởi cho bộ đội Trường Sa ăn Tết

Khi người dân cả nước trở lại đi làm sau những ngày Tết sum họp thì chuyến tàu thứ 2 chở những trái bưởi Diễn ngọt lành tiếp tục vượt biển khơi, đến với cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, xoa dịu nỗi nhớ đất liền cho anh em chiến sỹ nơi đảo xa.

Một buổi trao bưởi cho cán bộ vùng IV Hải quân để chuyển ra đảo

Chỉ mong cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa vơi bớt nỗi nhớ đất liền

“Trước đêm giao thừa, đồng đội, anh em ngoài Trường Sa đã gọi về cho tôi khoe được ăn bưởi Diễn ngon lắm, ngọt ngào, mát lành lắm rồi, giờ đang đợi được ăn thêm bưởi cho mát lòng đây” - Đại tá Nguyễn Đình Khôi, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel, cười rổn rảng kể. Gương mặt người lính phong trần ấy bỗng cúi xuống, đôi mắt chợt rưng rưng: “Tôi vốn là bộ đội Trường Sa, so với thời tôi còn công tác ở đảo những năm 1989 – 1990, thì bây giờ cuộc sống của anh em được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên, ngày Tết năm nào cũng vô cùng nhớ đất liền, nhớ từng hương vị của ngày Tết như củ, quả, trái cây, dưa hành…”

Vừa trở về từ trang trại bưởi ở huyện Yên Định (Thanh Hóa), với những thùng hàng đầy ắp trái bưởi Diễn vàng ươm chuyển ra Trường Sa, người lính phong trần Nguyễn Đình Khôi khẽ phủi những hạt mưa xuân lất phất bay vương trên tóc với chất giọng đầy cảm xúc khi nhắc đến Trường Sa: “Năm nay là năm đầu tiên trang trại của tôi và mấy anh em trong gia đình cùng làm, cho thu hoạch rộ mùa bưởi, dự tính khoảng 70 tấn. Có lần tôi khoe với đồng đội ngoài đảo về những trái bưởi, ai cũng xuýt xoa, vậy là ý tưởng nảy ra, tôi gửi bưởi ra Trường Sa cho anh em ăn Tết”.

Những thùng bưởi diễn được đóng gói cẩn thận trước khi chuyển lên tàu ra Trường Sa cho cán bộ, chiến sỹ ăn Tết

Biết được ý định của anh, cán bộ Hải quân vùng IV đã thăm trang trại bưởi 10ha của anh và đón nhận những thùng bưởi Diễn được đóng gói cẩn thận chuyển lên tàu, mang ra đảo Trường Sa cho cán bộ, chiến sỹ ăn Tết. Một chuyến tàu đã đi trước Tết, và một chuyến sau Tết, chỉ với một mong muốn rất nhỏ là để anh em chiến sỹ vơi bớt nỗi nhớ đất liền. Đại tá Nguyễn Đình Khôi cười tươi: “Tôi gửi được mỗi chuyến tàu khoảng 5 tấn, chủ yếu giới thiệu với anh em đồng đội là tôi có bưởi ngon lắm, trong mỗi trái bưởi ngọt lành ấy cũng là tình cảm tôi muốn gửi tới anh em ngoài đảo xa”.

Đại tá Nguyễn Đình Khôi tại trang trại bưởi của mình ở Thanh Hóa

Theo anh Nguyễn Đình Khôi, bưởi của anh có lợi thế là để được lâu, không cần chất bảo quản, anh dặn dò đồng đội ở đảo: cứ để bưởi ở nơi khôi ráo, thoáng mát rồi ăn dần. Bởi trái bưởi được hái xuống, phải để nửa tháng đến 1 tháng, bưởi xuống nước ăn mới ngon. Trái bưởi vừa hái trên cây xuống, trông quả bưởi vàng tươi rất đẹp, nhưng ăn lại chưa ngon. “Đó là lý do tôi tự tin chuyển bưởi ra đảo Trường Sa cho anh em chiến sỹ thưởng thức, mà không lo trái bưởi bị hỏng, bị dập nát” – Đại tá Khôi chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Đình Khôi cho biết: “Năm nay bưởi rộ, thu hoạch được mùa, dự báo năm tới sản lượng sẽ tăng hơn. Ngoài số lượng bán ra thị trường, có tem truy xuất rõ nguồn gốc, tôi dự kiến năm tới sẽ gửi số lượng nhiều hơn là khoảng 20 tấn ra Trường Sa cho anh em chiến sỹ ăn Tết sớm”.

Những trái bưởi cho thu hoạch rộ mùa đầu tiên của anh Khôi

Về đất liền vẫn đau đáu nỗi nhớ Trường Sa

Nói về tình cảm với Trường Sa, Đại tá Nguyễn Đình Khôi khoe: “Tôi có tình cảm sâu nặng với Trường Sa hơn nhiều đồng đội khác ở đất liền, là bởi tôi có 3,5 năm công tác ở Trường Sa”. Đại tá Khôi khẽ nhấp ngụm cà phê đen đặc quánh, đôi mắt dõi ra con phố tấp nập phía trước mặt, trầm ngâm: “Khi đã ra đến đảo, cảm giác rất khác ở đất liền. Ngay cả buổi lễ chào cờ cũng vậy, ở đảo buổi lễ chào cờ cứ thấy thiêng liêng vô cùng. Đã từng sống và chiến đấu ở Trường Sa, tôi dám chắc bất cứ ai cũng đều nhớ rất lâu, nhớ từng giây, từng phút cận kề cùng nhau nơi đảo xa đầy sóng gió ấy. Bây giờ, mỗi lúc nhớ Trường Sa, mỗi lúc thành công một việc gì, có niềm vui gì lớn, tôi vẫn gọi điện cho một số bạn bè, đồng đội đang phục vụ ngoài đảo để chia sẻ”.

Bưởi diễn của đại tá Khôi chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa

Đại tá Khôi tâm sự: Khi còn ở Trường Sa, tôi cảm giác rất rõ sự xa xôi, cách trở với đất liền. Ở đất liền, con người còn bị nhiều thứ chi phối, ở đảo chúng tôi chỉ có tình cảm linh thiêng nhất về chủ quyền đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đó cũng là điều dễ hiểu khi cán bộ, chiến sỹ ở ngoài ấy sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh về bản thân mình, để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

“Thời điểm tôi còn công tác ở Trường Sa, có thời gian 6 tháng chúng tôi ngóng chờ một chuyến tàu ra đảo. Nhìn thấy con tàu từ đất liền ra từ rất xa hướng đến, chúng tôi hò reo, đã xôn xao chờ đón, đã thấy nước mắt chảy vòng quanh vì xúc cảm. Lúc tàu cập bến, anh em cứ ôm được tập thư, đem chia, phát hết, đọc ngốn ngấu hết từng chữ, rồi mới chịu xuống tàu chuyển lương thực tiếp lên đảo” – Đại tá Nguyễn Đình Khôi nhớ lại.

Những trái bưởi ngọt lành là tình cảm của người lính Trường Sa gửi cho đồng đội của mình khi đã về đất liền công tác

Với Đại tá Khôi, được đón 3 cái Tết liên tục ở Trường Sa, với những chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, (không như bây giờ lá dong, gạo đỗ đều được chuyển sớm từ đất liền ra đảo) cũng đầy chộn rộn. Giây phút đón giao thừa đều khiến anh em ngậm ngùi trong nỗi nhớ nhà. Những năm 1990, chúng tôi là lính thông tin còn có radio bập bõm để nghe, còn lại anh em ở lĩnh vực khác trên đảo chỉ nghe gió và tiếng sóng biển quen thuộc, không một động tĩnh gì của Tết từ đất liền.

“Từ ngày về đất liền công tác, tôi kể rất nhiều về Trường Sa cho vợ con nghe, nhưng dường như các con cũng không cảm nhận hết được những khó khăn, thiếu thốn ở Trường Sa, chỉ có chúng tôi đã sống và chiến đấu ở đó, mới có cảm xúc tận cùng ở nơi thiêng liêng của Tổ quốc được” – Đại tá Nguyễn Đình Khôi dường như chưa hài lòng với sự cảm thông của người lính Trường Sa của các con mình.

Năm nay anh gửi 10 tấn bưởi ra Trường Sa, dự kiến sang năm sai quả hơn, anh sẽ chuyển 20 tấn để anh em chiến sỹ Trường Sa ăn Tết

Đại tá Khôi kể: “Đến giờ, hơn 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như vị ngon đậm đà của bữa canh rau bí ngày Tết trên đảo Trường Sa lúc ấy. Đã hơn 1 tháng trời, biển động rất mạnh, gió bão liên miên, nên các chuyến tàu từ đất liền ra đảo cũng vắng bóng. Tôi đi dạo trên biển, thấy 1 ngọn rau bí bò trên mặt cát, từ trong gốc cây gỗ mục, tôi cắt ngay ngọn bí khá dài. Đó là trưa ngày mồng 2 Tết, tôi cẩn thận tước từng đoạn rau bí, nấu 1 nồi canh to đầy nước, rau bí loáng thoáng, bởi cả nồi canh chỉ có 1 ngọn. Thế nhưng, nồi canh ngày Tết năm đó với anh em cán bộ, chiến sỹ, được ăn bữa cơm ngon như bữa cỗ tuyệt vời nhất trong đời. Ăn xong, ai cũng thấy bụng mình dịu lại, bởi lâu lắm rồi, bữa cơm lính đảo mới có 1 nồi canh rau có màu xanh, ngon lành đến thế”.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/gap-nguoi-linh-gui-buoi-cho-bo-doi-truong-sa-an-tet-post39321.html