Gặp người kể chuyện 'khoán việc' cho cấp ủy và người đứng đầu ở Bắc Giang

Từ đầu năm 2018 đến nay, loạt bài ''Khoán việc' cho cấp ủy, người đứng đầu - cách làm của Bắc Giang' của nhóm tác giả: Lê Thế Phương, Trương Thị Thu Phong, Ngô Quốc Trường (Báo Bắc Giang) đã gây được tiếng vang khi liên tiếp được xướng tên trong nhiều giải thưởng báo chí. Gần đây loạt bài này đã nhận Giải B- Giải thưởng Báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc' lần thứ XIII, năm 2017-2018.

Đây là loạt bài gồm 3 kỳ với: “Chọn việc trọng tâm, việc khó”, “Giải quyết nhiều vấn đề nóng”, “Kinh nghiệm và đề xuất”. Trước đó, loạt bài này đã nhận Giải Nhất - Giải Báo chí Thân Nhân Trung năm 2017 của tỉnh Bắc Giang; Giải Khuyến khích- Giải Búa liềm vàng lần thứ 2, năm 2017; lọt vào Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2017. Để hiểu thêm về loạt bài này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Thế Phương (đại diện cho nhóm tác giả)

Nhà báo Lê Thế Phương (bên phải), hiện là Thư ký tòa soạn Báo Bắc Giang (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Lê Thế Phương (bên phải), hiện là Thư ký tòa soạn Báo Bắc Giang (Ảnh: NVCC)

Liên tiếp được xướng tên trong bốn giải thưởng báo chí uy tín ở Trung ương và địa phương, có thể nói đây là một tác phẩm thành công, thưa nhà báo?

Điều mà chúng tôi tâm đắc là loạt bài đã để cập đến một vấn đề đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, tính chiến đấu của các cấp ủy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo suy nghĩ thông thường, một trong những nhiệm vụ chính của cấp ủy là lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ được giao. Còn tác phẩm lại đề cập vấn đề dường như “ngược” lại điều đó là “khoán việc” cho cấp ủy, nghĩa là từng cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng phải lựa chọn, xác định những nhiệm vụ chính cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong một thời gian nhất định và phải được cấp ủy cấp trên nhất trí xác nhận bằng văn bản. Như vậy là bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên khác, qua “khoán việc”, việc lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi tập thể cấp ủy, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng có trọng tâm, trọng điểm hơn, theo đó hiệu quả trong thực tiễn cũng rõ nét hơn.

Còn nói loạt bài này đã thành công chưa thì tôi không dám khẳng định. Song, theo tôi, chủ đề tác phẩm đề cập cũng như khi triển khai thực hiện bảo đảm trung thực, khách quan, lý giải vấn đề có lý, có tình, có sức thuyết phục sẽ tạo nên một tác phẩm báo chí thành công.

Để thực hiện loạt bài về vấn đề không dễ trong công tác xây dựng Đảng như ““Khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu - cách làm của Bắc Giang”, chắc chắn nhóm tác giả đã gặp không ít khó khăn?

Nói chung, khi tập trung khai thác tư liệu cho bài viết, chúng tôi được các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện tối đa và rất thuận lợi. Và khi đề cập đến việc “khoán việc”, thực chất là đăng ký nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, người đứng đầu thì đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị nào cũng nắm nằm lòng. Có chăng, những cái khó lại nằm ở chính nhiệm vụ cấp ủy cấp trên “khoán” cho cấp ủy cấp dưới. Lý do có nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian dài mới hoàn thành, ví như giải quyết khiếu nại tố cáo, đâu phải quyết định giải quyết nào của cơ quan chức năng đưa ra cũng nhận được sự đồng thuận của người dân; rồi vấn đề đổi mới, tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới; hay như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, để thay đổi nhận thức rồi việc làm của người dân thì không phải là việc ngày một ngày hai.

Do vậy, để soi chiếu kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm với tình hình thực tế từ đó chỉ rõ kết quả đạt được, những hạn chế là không dễ. Và để rút ra được những đánh giá có sức thuyết phục, khâu thu thập, xử lý thông tin cần thực hiện chắt lọc, nghiêm túc, bên cạnh phỏng vấn các cơ quan, đơn vị liên quan còn gặp gỡ người dân để rút ra những đánh giá khách quan.

Nhà báo Ngô Quốc Trường, (ngoài cùng bên phải) đại diện cho nhóm tác giả nhận Giải B- Giải thưởng Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” lần thứ XIII, năm 2017-2018 (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Bắc Giang đã thành công trong việc áp dụng “khoán việc” cho cấp ủy và người đứng đầu, tuy nhiên đây là vấn đề không dễ. Theo anh khi thực hiện việc này thì điều quan trọng nhất cần lưu ý là gì?

Điều quan trọng để việc “khoán việc” thành công là xác định các nhiệm vụ cần bám sát nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tiễn đang đặt ra để lựa chọn được những nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế, mỗi cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và cùng thời gian phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ở Bắc Giang, trong nhiều nhiệm vụ ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi cơ quan, đơn vị chỉ lựa chọn 5 nhiệm vụ để chỉ đạo thực hiện. Như vậy, 5 nhiệm vụ cấp ủy cấp trên “khoán” cho cấp dưới đều phải là những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc, những vấn đề đang đặt ra để tập trung cao chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tế.

Tôi nghĩ không chỉ ở Bắc Giang mà ở bất kỳ địa phương nào cũng có thể vận dụng, thực hiện việc “khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu. Vấn đề là lựa chọn nhiệm vụ ra sao, khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện như thế nào. Nếu mọi cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng đồng thuận, quyết tập cao thì đều có thể thực hiện và thực hiện thành công.

Việc “khoán việc” cho cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đối với vấn đề phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh nhà còn điều gì bất cập, hạn chế? Và xin anh cho biết hướng giải quyết?

Bắc Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tôi nhớ không nhầm thì có tới hơn 20 dân tộc khác nhau. Nhìn chung, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, còn những bất cập, hạn chế có chăng là tình hình đời sống, sản xuất, cơ sở hạ tầng ở một số khu vực miền núi, vùng cao còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, ngay trong “khoán việc”, cấp ủy nhiều địa phương cũng đăng ký các nhiệm vụ về vấn đề này. Ví như huyện Yên Thế, Sơn Động đăng ký nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng để nâng cao thu nhập cho bà con; rồi huy động các nguồn lực kết hợp cơ chế hỗ trợ của tỉnh (hỗ trợ xi măng) cứng hóa đường giao thông nông thôn. Huyện Lục Ngạn đăng ký nhiệm vụ phát triển, nâng cao giá trị, hiệu quả vùng cây ăn quả (vải thiều, bưởi, cam…). Từ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, diện mạo kinh tế- xã hội, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc mấy năm gần đây đã thay đổi rõ rệt. Đó cũng là minh chứng cho hiệu quả thiết thực của việc “khoán việc” cho cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang./.

Vâng, xin cảm ơn anh!

“Đây là lần thứ Ba tôi vinh dự nhận Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”. Hai lần trước được nhận Giải C, bài viết cũng về công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những giải thưởng báo chí có uy tín, thu hút rất nhiều người làm báo chuyên và không chuyên trong cả nước gửi tác phẩm tham gia. Loạt bài ““Khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu - cách làm của Bắc Giang” là tâm huyết của cả nhóm tác giả, trong đó có cá nhân tôi đối khi được Ban Giám khảo cuộc thi ghi nhận, qua đó ở một góc độ nào đó đã góp phần vào sự thành công của giải”, nhà báo Lê Thế Phương

Đức Huy (thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/doc-duong-tac-nghiep/gap-nguoi-ke-chuyen-khoan-viec-cho-cap-uy-va-nguoi-dung-dau-o-bac-giang-49553