Gặp người giữ lửa nghề làm đầu lân đất Kinh kỳ

Những ngày đầu tháng Tám âm lịch, gia đình anh Bùi Viết Tưởng, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, lại tất bật sản xuất đầu lân để kịp cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Trung thu.

Anh Bùi Viết Tưởng, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bắt đầu theo nghề làm đầu lân từ năm 2008 và là một trong số ít người làm nghề này ở Hà Nội.

Hơn 10 năm theo nghề, thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả, nên anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển nghề.

Hơn 10 năm theo nghề, thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả, nên anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển nghề.

Anh Tưởng cho biết: “Công việc làm đầu lân thường dồn vào đầu tháng Tám âm lịch, bởi khách hàng đặt nhiều và yêu cầu lấy hàng trước đêm rằm. Những ngày này, gia đình tôi phải thức làm cả đêm mới kịp trả hàng cho khách. Mỗi ngày gần như tôi chỉ được ngủ khoảng 1-2 tiếng”.

Để sản xuất đầu lân phải trải qua các công đoạn như: Làm khung, cắt vải, may, gắn vải, vẽ mắt…

Chi tiết khó thực hiện nhất của Lân sư rồng nằm ở bộ khung, mang một kết cấu phức tạp của các mối nối từ tre, trúc. Còn công đoạn cần sự công phu, sáng tạo và óc thẩm mỹ của người chế tác là trang trí đầu lân, đầu rồng.

“Để hoàn thiện một chiếc đầu lân mất khoảng 4-5 ngày. Trước đây, gia đình tôi làm toàn bộ các công đoạn. Tuy nhiên, sau này, để tiết kiệm thời gian và tăng năng suất hơn thì tôi dạy lại nghề theo từng công đoạn cho một vài hộ rồi nhập lại sản phẩm. Hiện tôi chỉ làm phần công đoạn cuối là trang trí” – Anh Bùi Viết Tưởng cho biết.

Những phần lông đẹp nhất của tấm da thỏ, da cừu thật nguyên con, được chọn để trang trí phối màu cho phần đầu lân luôn đẹp và sinh động.

“Đầu Lân sư rồng khi hoàn thiện ngoài vẻ đẹp của màu sắc, tạo hình, mắt phải quạu, miệng dữ mà tươi, trọng lượng phải gọn, nhẹ, bền chắc, chịu được va đập để các môn sinh có thể thi triển bài diễn với độ khó cao”, anh Tưởng chia sẻ.

Công đoạn khó nhất là vẽ mắt, bởi mắt là hồn của lân nên người vẽ phải có chút năng khiếu mới thổi hồn được cho lân. Phải làm sao cho nổi bật, màu sắc đẹp, tai và mắt phải cùng 1 điệu nhịp nhàng, mắt lân phải mau lẹ, tai lân phải nhạy. Bởi nhãn pháp rất quan trọng trong các động tác lân ngủ, lân say… nên mắt phải rất chuẩn.

Từ đầu mùa trung thu đến giờ, cơ sở sản xuất của anh Tưởng đã cho xuất ra thị trường khoảng hơn 100 đầu lân các loại.

Giá của đầu lân khá đa dạng, phổ biến từ 2,5 triệu – 5 triệu đồng tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Vương Trọng Quyết, công nhân trong xưởng sản xuất đầu lân cho hay: “Tôi theo nghề này được gần 4 năm. Mặc dù nghề vất vả, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo bởi niềm đam mê với việc gìn giữ những giá trị truyền thống”.

Không chỉ phục vụ cho thị trường Hà Nội, những đầu lân của cơ sở anh Bùi Viết Tưởng còn được ưa chuộng ở những thị trường khác như miền Trung, Tp HCM… thậm chí còn xuất khẩu sang nước ngoài như Autralia, Malaysia, Balan… là những nước có đông người Việt sinh sống.

Hưng Nguyễn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/gap-nguoi-giu-lua-nghe-lam-dau-lan-dat-kinh-ky-122409.html