Gặp người dũng sĩ thương binh

Hơn 40 năm qua, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương cũ tái phát, bao nhiêu ký ức về một thời cầm súng, chiến đấu chống giặc ngoại xâm trong ông Nguyễn Xuân Tiến (1954, thương binh 2/4 ở thôn 2, xã Hòa Lễ, H. Krông Bông, Đăk Lăk) lại trỗi dậy.

Hơn 40 năm qua, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương cũ tái phát, bao nhiêu ký ức về một thời cầm súng, chiến đấu chống giặc ngoại xâm trong ông Nguyễn Xuân Tiến (1954, thương binh 2/4 ở thôn 2, xã Hòa Lễ, H. Krông Bông, Đăk Lăk) lại trỗi dậy.

Dũng sĩ, thương binh Nguyễn Xuân Tiến.

Dũng sĩ, thương binh Nguyễn Xuân Tiến.

Xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Bình Nam (H. Thăng Bình, Quảng Nam), năm ông Tiến tròn 5 tuổi, gia đình ông bị chính quyền Sài Gòn đưa lên dinh điền Lễ Giáo (nay là xã Hòa Lễ) vì có liên quan đến cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, trên thì máy bay địch sẵn sàng thả bom, rải chất độc, bên dưới thì trọng pháo 105 ly ngày đêm bắn phá dữ dội, cùng với những trận càn quét “phá sạch, đốt sạch”... , thực hiện chủ trương “tiêu thủ kháng chiến” “vườn không, nhà trống”, suốt quãng đời tuổi thơ của ông hầu như gắn liền với 8 lần sơ tán, cuộc sống vô cùng khốn khó. Mùa mưa năm 1969, khi địch đổ bộ bằng máy bay trực thăng vào căn cứ Lễ Giáo, cha ông đi dân công hỏa tuyến vắng nhà, mẹ ông “một nách 5 con”, chỉ kịp dẫn ông và đứa em bỏ chạy, còn lại 3 chị em gái của ông bị địch bắt đưa về Pleiku mất tích. Từ đó, đã nuôi trong ông ý chí căm thù giặc sâu sắc, để được cầm súng trực tiếp chiến đấu năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 301 Đăk Lăk và được biên chế về Đại đội 3 làm công tác liên lạc.

Nói về một thời mưa bom, bão đạn, ông Tiến xúc động kể: Trong cuộc đời quân ngũ, có hai sự kiện mà khiến ông nhớ và day dứt mãi. Thứ nhất là Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring (Buôn Hồ) trong suốt 28 ngày đêm từ 27-1 đến 25-2-1973. Trận này Tiểu đoàn 301 của ông nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến phòng thủ, ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào vùng giải phóng của ta, phá tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch trong giai đoạn thi hành Hiệp định Paris. Vào một đêm bàn giao ca giữ chốt cho Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn của ông, địch với quân số đông và hỏa lực mạnh nên trong trận chiến đấu kiên cường có 22 đồng đội của ông hy sinh. Trong những ngày giữ chốt buôn Tring, bản thân ông đã tiêu diệt 5 tên địch và được Tỉnh đội Đăk Lăk tặng Bằng khen.

Trận thứ hai là vào tháng 2-1974, ông cùng 1 chiến sĩ khác vượt suối Nước đục (nay thuộc xã Vụ Bổn) vào buôn Hàng 1 và buôn Hàng 2 (nay thuộc Ea Yiêng, Krông Păk). Trinh sát nắm tình hình địch để bộ đội ta chuẩn bị tổ chức tấn công, trên đường đi bị địch phát hiện bao vây, ông đã mưu trí dùng súng cá nhân bắn tỉa tiêu diệt 10 tên địch. Tuy nhiên, khi hoàn thành công việc trở về ông và đồng đội bị vướng mìn của địch bị thương, riêng ông bị thương với tỷ lệ thương tật 51%. Với chiến công trên, ông được Tỉnh đội tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi.

Năm 1980 ông xuất ngũ, chuyển ngành về Sở Lao động-Thương binh & Xã hội Đăk Lăk. Đến năm 1982, ông về công tác tại H. Krông Bông, sau đó được đề bạt giữ chức vụ Phó trưởng phòng, quyền Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội Krông Bông. Trong điều kiện huyện mới vừa chia tách, cơ sở vật chất làm việc cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ lúc bấy giờ còn hạn chế. Thế nhưng vốn là một thương binh, ông luôn thấu hiểu, cảm thông với những nỗi đau mất mát của các gia đình liệt sĩ, thương binh, mỗi khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng, ông luôn nhắc nhở cán bộ, công chức thuộc quyền phải hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục, tránh việc đi lại nhiều lần gây phiền hà cho các đối tượng.

Năm 1988, do sức khỏe giảm sút ông xin nghỉ hưu. Tuy vậy, là một đảng viên nên khi trở về nhà chưa được bao lâu, ông tiếp tục được địa phương bố trí nhiều công việc khác nhau từ Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã, đến Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ thôn, sau này theo nhu cầu và tính chất của công việc thực hiện chính sách tồn đọng sau chiến tranh, một lần nữa ông được địa phương tin tưởng bố trí làm cán bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xã Hòa Lễ cho đến năm 2000. Dù trên cương vị công tác nào, ông Tiến cũng luôn đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, được dân mến, dân thương.

Về với cuộc sống đời thường, ngoài chế độ phụ cấp thương binh, ông còn tăng gia sản xuất 1ha cà-phê và 3 sào ruộng nước. Nhờ vậy ông đã nuôi 2 đứa con ăn học đến nơi, ra trường có công ăn việc làm ổn định. Người dũng sĩ, thương binh Nguyễn Xuân Tiến 65 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy, là một tấm gương thương binh tàn nhưng không phế đáng để thế hệ trẻ noi theo.

MAI VIẾT TĂNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_209434_gap-nguoi-dung-si-thuong-binh.aspx