Gặp mặt nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam

Sáng 24-8, tại công trình hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân), Tổng cục Thủy lợi tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống của ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2019).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, ban, ngành Trung ương và địa phương tham quan khu đầu mối đập chính hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân).

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; đại diện các cơ quan, đơn vị, ban, ngành Trung ương và địa phương, các hội thủy lợi liên quan; các thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngành thủy lợi qua các thời kỳ.

Trước buổi gặp mặt, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi tham quan khu đầu mối đập chính hồ chứa nước Cửa Đạt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, ban, ngành Trung ương và địa phương chụp ảnh lưu niệm tại công trình hồ chứa nước Cửa Đạt.

Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi nêu rõ: Cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Thủy lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son trong lịch sử của ngành thủy lợi. Kể từ đó tới nay, trải qua bao thời kỳ vô cùng khó khăn, thử thách, ngành thủy lợi đã không ngừng vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế-xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đến nay, cả nước có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng – Phước Hòa), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn (có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho 2.000ha trở lên). Các hệ thống thủy lợi đã phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh, mang lại hiệu ích lớn cho đất nước. Diện tích đất canh tác được tưới bởi công trình thủy lợi là 4,28 triệu ha/ 11,54 triệu ha (chiếm 36,5%). Tổng diện tích đất sản suất nông nghiệp, tổng diện tích tưới lúa cả năm là 7,26 triệu ha/7,4-7,5 triệu ha gieo trồng (chiếm 97%); tổng diện tích tưới rau màu cả năm là 1,3 -1,7 triệu ha… Ngoài ra, các hệ thống công trình thủy lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương dần hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố, kiện toàn. Cả nước hiện có khoảng 90 doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi; khoảng 17.000 tổ chức thủy lợi cơ sở. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác thủy lợi ngày càng phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi trình bày báo cáo công tác thủy lợi.

Tuy nhiên, công tác thủy lợi vẫn còn những hạn chế, thách thức lớn từ biến đổi khí hậu như: Diễn biến lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du. Hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi. Trong khi, các công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp; công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành thủy lợi tiếp tục triển khai xây dựng Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia, rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi làm cơ sở đầu tư công trình thủy lợi trên phạm vi toàn quốc. Tập trung ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Thúc đẩy chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”, đồng thời phân rõ vai trò chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi, đổi mới phương thức hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi, chuyển mạnh sang đặt hàng, đấu thầu trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Quan tâm đặc biệt đến an toàn đập, an toàn công trình thủy lợi, nâng cao năng lực dự báo (mưa, lũ) phục vụ vận hành hồ chứa theo thời gian thực…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu ý kiến.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền chúc mừng các thế hệ ngành thủy lợi nhân kỷ niệm ngày truyền thống; đồng thời thông tin khái quát một số tình hình kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh, trong đó có kết quả đầu tư hoạt động của các công trình hồ đập trên địa bàn, có ảnh hưởng tích cực tới sản xuất nông nghiệp, nhất là vai trò quan trọng của công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt đối với sản xuất, dân sinh và an ninh quốc gia. Đồng chí mong muốn các cấp, bộ, ngành ở Trung ương quan tâm hơn nữa để các công trình, dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chúc mừng và biểu dương những kết quả ngành thủy lợi đã đạt được, chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với công tác thủy lợi trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí đề nghị ngành thủy lợi cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Phải gắn công tác thủy lợi với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, chuyển từ an ninh lương thực sang an ninh nguồn nước, từ thủy lợi thô sơ sang thủy lợi thông minh. Thực hiện tốt chiến lược về thủy lợi, về quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong thủy lợi. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực cho ngành thủy lợi.

Toàn cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/gap-mat-nhan-ky-niem-74-nam-ngay-truyen-thong-nganh-thuy-loi-viet-nam/106557.htm