Gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày Thành lập Đoàn Thanh Xuyên Công an nhân dân vũ trang

Sáng nay, 24-3, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, gần 400 đại biểu các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn Thanh Xuyên của 16 tỉnh, thành trong cả nước đã có buổi gặp mặt xúc động kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2019) và 65 năm Ngày Thành lập Đoàn Thanh Xuyên (23/9/1954-23/9/2019).

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền trao quyết định và Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” của Bộ Tư lệnh BĐBP cho cán bộ chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền trao quyết định và Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” của Bộ Tư lệnh BĐBP cho cán bộ chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền, nguyên Tư lệnh BĐBP, Trưởng Ban liên lạc truyền thống BĐBP TP Hà Nội; Trung tá Nguyễn Hữu Nam, Phó Chính ủy Trung đoàn 692, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tới dự buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí nồng ấm với cả những nụ cười rạng rỡ, niềm tự hào và cả những giọt nước mặt hạnh phúc của những người lính can trường trên các mặt trận tiễu phỉ, bắt gián điệp biệt kích, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam...

Sau nhiều năm xa cách, những người lính từng mang trên vai quân hàm xanh đã cùng nhau sống lại không khí hào hùng, những ký ức chiến đấu anh hùng trên nhiều mặt trận trong niềm tự hào. Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi họ tưởng nhớ những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên núi cao, trong những cánh rừng già. Nhiều đôi mắt ánh lên nỗi ưu tư, áy náy khi chưa tìm được hài cốt của một số đồng đội.

Đại tá Nguyễn Đức Hiệu điểm lại những dấu ấn vẻ vang của Đoàn Thanh Xuyên trong 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Ảnh: Bích Nguyên

Điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của Đoàn Thanh Xuyên, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh xuyên cho biết: Cách đây 65 năm, vào mùa thu năm 1954, Tiểu đoàn 12 được thành lập (sau này Bác Hồ đặt tên cho đơn vị là Đoàn Thanh Xuyên với ý nghĩa như một thanh gươm báu sắc bén của Đảng, Nhà nước, thường xuyên được mài tôi luyện, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao).

Tiểu đoàn 12 chính là tiền thân của Trung đoàn 12, nằm trong đội hình Trung đoàn 600. Tiểu đoàn 12 có nhiệm vụ bảo vệ, đón Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ từ Thủ đô Việt Bắc về Hà Nội.

Những năm sau đó, Đoàn Thanh Xuyên đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ, các cơ quan quốc tế...

Ngày 3-3-1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập, Đoàn Thanh Xuyên được tách ra từ Đoàn Tân Trào xây dựng thành đơn vị cơ động chiến đấu mạnh duy nhất của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Cũng từ đây bước chân hành quân tiễu phỉ, bắt gián điệp biệt kích, bắn máy bay... của cán bộ, chiến sỹ Đoàn Thanh Xuyên in đậm trên khắp mọi miền đất nước. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, núi rừng Đông Bắc, điệp trùng Tây Bắc tới duyên hải miền Trung...

Tiểu biểu là vụ bắt sống Thượng tá Trịnh Kỳ Thiệu, chỉ huy toán biệt kích của Mỹ tại Quảng Ninh ngày 4-8-1963. Rồi những ngày chiến đấu, công tác gian khổ tại chiến trường K5, truy quét phủ Vàng Pao, bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ 4 của Đảng nhân dân cách mạng Lào...

Giây phút xúc động gặp lại đồng đội của cán bộ Đoàn Thanh Xuyên. Ảnh: Bích Nguyên

Khi Tổ quốc gọi tên, cán bộ, chiến sỹ Đoàn Thanh Xuyên lập tức có mặt ở những điểm khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Đoàn Thanh Xuyên đã anh dũng ngã xuống khi vừa bước vào tuổi thanh xuân - thời khắc đẹp nhất của cuộc đời để bảo vệ Tổ quốc.

Những tấm gương chiến đấu anh dũng của liệt sỹ Lê Đình Chinh, liệt sỹ Nguyễn Đình Thuần, liệt sỹ Nguyễn Công Thuận và nhiều liệt sỹ khác mãi là tấm gương sáng chói được lịch sử dân tộc khắc ghi.

Nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt tại biên giới Lạng Sơn trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Thiếu tá Tống Văn Nếp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 anh hùng của Đoàn Thanh Xuyên tự hào nói: “Trong những ngày chiến đấu ác liệt, cái chết luôn cận kề nhưng tất cả cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn đều kiên cường chiến đấu, không ai đào ngũ. Đó là điều tự hào nhất của tôi”.

Chia sẻ cảm xúc sau nhiều năm mới gặp lại đồng đội, Trung tá Võ Trọng Điểm, nguyên Trưởng phòng Trình sát BĐBP Kon Tum cho biết: “Tôi rất cảm động khi được gặp lại những đồng đội cùng chiến đấu một thời. Mặc dù đơn vị gốc không còn nhưng chúng tôi tự tổ chức để có buổi gặp mặt này. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng đượm đầy cảm xúc”.

Do yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 26-4-1980, Đoàn Thanh Xuyên được điều chuyển từ BĐBP về Quân khu Thủ đô. Phát huy truyền thống Anh hùng, đơn vị tập trung vào xây dựng chính quy, hiện đại và luôn là lá cờ đầu của Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô).

Đại tá Nguyễn Đức Hiệu thay mặt Ban liên lạc truyền thống Đoàn Thanh Xuyên tặn quà nguyên lãnh đạo Đoàn Thanh Xuyên. Ảnh: Bích Nguyên

Ban Liên lạc truyền thống Đoàn Thanh Xuyên được thành lập, đi vào hoạt động năm 1994. Ban liên lạc đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tích cực tham gia cuộc vận động nghĩa tình đồng đội chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, tặng quà các hội viên khó khăn, tri ân các gia đình liệt sỹ, đưa 4 hài cốt liệt sỹ từ biên giới miền Tây Nghệ An, 2 liệt sỹ ở Lạng Sơn về quê hương...

Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” cho 120 đồng chí và cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP.

Tại buổi gặp mặt, Ban Liên lạc truyền thống Đoàn Thanh Xuyên đã tổ chức trao Kỷ niệm chương 40 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc của Đoàn Thanh Xuyên cho các đại biểu, trao tặng quà cho các gia đình hội viên khó khăn.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, trước đó, chiều 23-3, cán bộ, chiến sỹ Đoàn Thanh Xuyên đã tới viếng mộ liệt sỹ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Chinh.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gap-mat-ky-niem-65-nam-ngay-thanh-lap-doan-thanh-xuyen-cong-an-nhan-dan-vu-trang/