Gặp lại tác giả 'con đường gốm sứ' trên đê sông Hồng

Nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí bằng gốm...

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy

Con đê sông Hồng với vẻ già nua, khắc khổ, xám xịt qua bao năm tháng bỗng chốc một ngày được thổi hồn, khoác tấm áo mới để trở thành con đường gốm sứ rực rỡ, lộng lẫy chào đón 1.000 năm Thăng Long. Con đường gốm sứ được trao kỷ lục Guiness. Còn bản thân tác giả, với cách thể hiện tình yêu Hà Nội độc đáo của mình, cũng được vinh danh là công dân ưu tú Thủ đô.

Ý tưởng từ tình yêu Hà Nội

Dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng là ý tưởng độc đáo của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, báo Hà Nội mới. Công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này trị giá 65 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2008, hoàn thành năm 2010 với chiều dài 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2, chạy từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm. Kể từ khi khánh thành, suốt hơn 7 năm qua, con đường đã trở thành biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người dân Thủ đô, cũng như những người yêu mến Hà Nội.

Kể về khởi nguồn ý tưởng độc đáo của mình, nhà báo Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, dải đê sông Hồng chạy qua nội thành Hà Nội đã được bê tông hóa, có chức năng bảo vệ Thủ đô trước hiểm họa lũ lụt, cũng là con đường đã thành lối xe, “bước chân năm tháng đi về”. Con đê gắn bó với Thủ đô, chứng kiến những thời khắc bi tráng và hào hùng, đã đi vào thơ, nhạc, trở thành nỗi nhớ mong của những người con xa Hà Nội. Nhưng thời điểm những năm 2000, những hình ảnh thường ngày của con đê không hề đẹp chút nào, thậm chí là nhếch nhác. Cho tới khi chị được chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003, những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng rạn thời Lê... đã khiến chị xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa lòng Thủ đô.

“Hàng ngày, đi từ nhà ở Nghi Tàm tới cơ quan (trụ sở báo Hà Nội mới nằm trên phố Lý Thái Tổ, sát hồ Gươm - PV), nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm trong tôi bỗng nhen nhóm. Một ước mơ rằng Hà Nội có “Con đường gốm sứ” tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam từ Phùng Nguyên - Đông Sơn đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn đã thôi thúc tôi từ đó”, nữ nhà báo chia sẻ.

Dự án con đường gốm sứ có chiều dài 3.950m

21 trường đoạn tái hiện văn hóa lịch sử

Tuy vậy, chị cũng cho hay, từ ý tưởng tới việc bắt tay vào thực hiện là con đường rất chông gai, từ vấn đề tài chính, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân... và đặc biệt là quan điểm của mọi người về nghệ thuật công cộng cũng như việc thực hiện xã hội hóa nó như thế nào để đáp ứng hài hòa các quyền lợi. Từ ý tưởng, chị xin phép UBND thành phố cho xây dựng con đường gốm sứ ven sông Hồng với ý nghĩa như một món quà chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ. Những nhà tài trợ đầu tiên là những tổ chức, quỹ văn hóa nghệ thuật nước ngoài, vì Public Art (nghệ thuật công cộng) ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Nhà tài trợ đầu tiên là quỹ Ford Foundation, Quỹ trao đổi văn hóa Đan Mạch, một số đại sứ quán và nhà tài trợ của Việt Nam đâu tiên là Công ty Cổ phần May 10...

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, việc xây dựng con đường gốm sứ ven sông Hồng là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện tình yêu Hà Nội sâu sắc của bản thân nhà báo Thu Thủy cũng như những họa sĩ trẻ tâm huyết cùng tham gia. “Có thể nói, tranh ghép gốm được làm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hiếm có một nước nào có bức tranh diện tích dài, rộng lớn như ở Việt Nam. Công trình này không những mang tính biểu tượng, là một điểm nhấn văn hóa mà còn góp phần đưa nghệ thuật đến với công chúng. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu như con đường này tiếp tục được mở rộng, cùng với sự tài trợ của những người yêu mến Hà Nội, yêu mến nghệ thuật”, ông Chương nói.

“Thời điểm kêu gọi tài trợ, tôi gặp nhiều khó khăn vì để đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ, phải ghi danh họ trên bức tranh, trong khi áp lực từ truyền thông báo chí thì nhất thiết không được đặt logo. Sau đó, tôi có giải thích và đưa ra một số ví dụ ở nước ngoài đều có cách vinh danh ghi tên nhà tài trợ. Sau khi giải thích hợp lý, làm logo nhà tài trợ nhỏ đi, chỉ chiếm diện tích 0,5% ở đầu bức tranh, mọi người thấy như vậy là hợp lý nên không nói về chuyện đó nữa, chứ ban đầu mọi người phê phán rất gay gắt”, chị Thủy kể.

Vượt qua tất cả khó khăn ban đầu, năm 2008 nhà báo Thu Thủy bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Bức tranh gốm tạo nên con đường gốm sứ có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế...

Con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống. Năm 2008, tác phẩm được hoàn thành. Cùng trong năm này, tác phẩm được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội”. Đến năm 2010, “Con đường gốm sứ” đã được Tổ chức Guiness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Bản thân nhà báo, họa sĩ Thu Thủy cũng được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Từ đam mê sáng tạo đến thành hiện thực

Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, đến năm 2015, công trình đã bắt đầu xuống cấp. Toàn bộ tuyến đường có vô số vết đứt ngang dọc, bong tróc rất mất mỹ quan. Thậm chí, một số đoạn gần cầu Chương Dương, Long Biên, các vết nứt ngang kéo dài cả trăm mét. Có những mảng bong tróc rộng tới nửa mét vuông, hay vết nứt dài tới 2 - 3m. Để trả lại nét đẹp vốn có cho con đường gốm sứ, chính quyền thành phố đã tiến hành tu sửa lại toàn bộ tuyến đường. Tất cả các đoạn bong tróc, có dấu hiệu bị sụt lún, lồi lõm đều được dỡ ra và gắn lại.

Nhà báo Thu Thủy cho biết, hiện công trình được giao cho Sở VH&TT quản lý, hàng tháng có nhân viên của Công ty Vệ sinh môi trường đi lau rửa. Đồng thời, con đường chạy qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng nên Đoàn thanh niên tất cả các phường thuộc 4 quận đều tình nguyện tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường đảm bảo cảnh quan sạch đẹp.

“Ngân sách từ nguồn tài trợ không được đều, năm có, năm không. Việc lau rửa thì chính quyền các địa phương thường xuyên dọn dẹp. Còn việc đi kiểm tra xem có bong tróc để sửa chữa lại thì từ đợt trùng tu năm 2015 đến nay cũng chưa có nguồn kinh phí. Tuy nhiên, nếu công trình xuống cấp nghiêm trọng tôi sẽ lập dự án để kêu gọi kinh phí. Hiện nay, mong muốn của tôi là con đường gốm sứ tiếp tục được xây dựng mở rộng về phía cầu Nhật Tân. Trước đây, việc kêu gọi tài trợ không khó khăn lắm, vì lúc đó sắp tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên ai cũng rất hào hứng, còn bây giờ chỉ còn một số đại sứ quán thể hiện sự quan tâm”, nhà báo Thu Thủy cho hay.

Trả lời câu hỏi thẳng thắn của PV: “Bản thân chị có quyền lợi gì trong việc kêu gọi xây dựng con đường gốm sứ?”, nhà báo Thu Thủy cười: “Quyền lợi ở đây là ý tưởng của mình thành hiện thực, được đóng góp cho cộng đồng. Con đường gốm sứ có đặc thù không giống như bất cứ công trình nào khác”.

Chia sẻ về công việc hiện tại, nữ nhà báo cho hay, hiện chị đã nghỉ công tác ở báo Hà Nội mới để tiếp tục thực hiện đam mê của mình trong lĩnh vực nghệ thuật công chúng. “Tôi yêu quý cả hai nghề, nghề báo và nghề sáng tạo nghệ thuật. Đối với nghề báo, tôi cũng đã từng đoạt giải B Báo chí Quốc gia cho loạt bài viết về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam. Nhưng sau đó, tôi đam mê Public Art - nghệ thuật công chúng hơn, nên tôi phải dừng viết báo, vì nhiều dự án đã ngốn hết thời gian của tôi”.

Nhà báo Thu Thủy kể, những công trình mới nhất mà chị vừa hoàn thành là đài phun nước công cộng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, đài phun nước trong công viên nước Hồ Tây, đều đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi quốc tế. Tháng 3 vừa qua, chị cũng tham gia vẽ trang trí tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và đã đoạt giải Ba trong cuộc thi vẽ quốc tế ở Los Angeles, Mỹ. Đặc biệt, những năm qua chị đã tham gia thực hiện rất nhiều công trình ở Trường Sa như: Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca, Lá cờ gốm sứ rộng 312m2 ở đảo Trường Sa lớn, 6 bức tranh cổ động ở cầu cảng và ở đường băng đảo Trường Sa lớn...

Văn Huế

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gap-lai-tac-gia-con-duong-gom-su-tren-de-song-hong-d220644.html