Gặp lại nữ biệt động thành

Chia sẻ những hồi ức về tháng Tư lịch sử cách đây 44 năm, nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa vẫn sôi nổi và hào hứng với những câu chuyện như mới ngày hôm qua...

Người con đất thép Củ Chi

Người nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) sinh ra và lớn lên trên vùng đất Củ Chi cách mạng.

Nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa (bên trái)

Nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa (bên trái)

Hồi tưởng lại thủa ấu thơ, bằng chất giọng ấm, nhẹ nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa kể: Khi còn nhỏ, tôi cũng nhanh nhẹn lắm, vậy mới trở thành giao liên, đưa cơm, mang tài liệu cho các cô, chú cán bộ hoạt động tại xã. Tôi mến và trân trọng việc làm của các cô, chú nên khi má biểu xách cơm, mang tài liệu phục vụ thì xung phong ngay chứ đâu biết cách mạng là gì. “Thực lòng, mang cơm, tiếp tế lương thực thường đặt đồ ăn, nước uống tại chỗ đã được dặn dò trước chứ nhiều khi còn hổng biết mặt người mình mang cơm cho ăn nữa. Lớn lên chút, tôi thích theo các cô, chú chỉ vì thích quấn khăn rằn, mang dép quai râu à” - bà Nghĩa chia sẻ.

Nhớ lại những năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi lan tỏa đến vùng đất Củ Chi, người dân miệt vườn đã cùng nhau tham gia phong trào đòi quyền lợi chính đáng. Khi ấy, mẹ của Minh Nghĩa đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một cuộc xuống đường biểu tình đòi quyền lợi…

Năm 1964, sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi kế hoạch đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara bất thành chính là “giọt nước tràn ly”, giục Nghĩa dấn thân theo con đường cách mạng, để rồi chưa đầy một năm sau, Đội 5 của biệt động thành hoạt động tại Củ Chi có một cô gái dũng cảm tham gia. “Ngày 15/4/1965, tui chính thức trở thành nữ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Năm đó, tôi vừa tròn 18 tuổi” - nữ biệt động thành cho biết.

Kiên cường trong lòng địch

“Hôm gửi tôi vào cách mạng, má đã dặn các cô, các chú rằng bố trí cho Minh Nghĩa vào chỗ nào gian khổ mấy cũng được chứ hoạt động nội thành, dễ bị địch phát hiện, bắt bớ lắm. Nó còn nhỏ quá, sợ không qua được các đòn ngón tra tấn mà khai thì lại mang tội với cách mạng, với đồng bào…” - bà Nghĩa xúc động cho hay. Hôm chia tay đi cùng các cô, chú, má con Minh Nghĩa không được gặp nhau. Lúc đeo túi xách lên vai, lòng bà thấy nao nao, bùi ngùi khó tả. Bà nghĩ, những năm tháng ấy, ai tham gia cách mạng khi bước chân ra đi sẽ chỉ trở về khi nước nhà độc lập. Bà cứ nghĩ mình sẽ đi xa lắm.

Nhưng, với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, sau khi được đứng vào hàng ngũ cách mạng, với bí danh Chính Nghĩa bà được cấp trên phân công về nội đô hoạt động trong vỏ bọc là một cô thợ may, với nhiệm vụ giao liên và sau này trở thành biệt động thành. 3 năm sống trong lòng địch trong vỏ bọc cô thợ may, trận Mậu Thân 1968, Minh Nghĩa là cô gái duy nhất trong số 15 chiến sĩ trên “tuyến lửa” đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập.

Và, bà Minh Nghĩa bị bắt sau đó. Trải qua 6 năm nếm trải đủ các ngón đòn tra tấn, trải qua hàng chục nhà tù khét tiếng của chế độ Việt Nam Cộng hòa… địch vẫn không thu thập được bất cứ một thông tin gì của tổ chức cách mạng từ cô gái trung kiên. Bà đã bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, Hiệp định Paris được ký kết, Minh Nghĩa được trả tự do cùng hàng nghìn chiến sĩ khác bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” này. Rồi chưa đầy 1 năm sau, cô gái đầy nghị lực ấy lại có mặt trong đội quân tiến về Sài Gòn những ngày tháng Tư lịch sử.

Trong không khí hào hùng kỷ niệm 44 năm Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, ký ức xưa của bà Vũ Minh Nghĩa càng thêm sống động hơn. Bà nhớ mãi hình ảnh khi quân giải phóng tiến đến đâu cũng được đông đảo bà con nồng hậu tiếp đón, cơm nước, chăm lo đến đó. Công tác dân vận, được lòng dân chính là bài học lớn nhất trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. “Trong lúc hành quân tiến vào nội đô Sài Gòn, nhiều cô gái đã nhìn tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ. Họ biểu tôi cởi chiếc mũ tai bèo ra cho coi mặt, rồi thắc mắc sao bộ đội mà vẫn trẻ trung, xinh đẹp và mạnh mẽ…” - bà Nghĩa bồi hồi.

Nhớ những ngày tháng giành giật từng con phố với kẻ địch, giờ phút chia nhau đạn dược để cầm cự, hay lúc tiếp lửa cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ... Rồi giây phút khi lần đầu được đi xe tăng, tự hào và tự tin diễu qua các đường phố Sài Gòn, nữ biệt động thành thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn đất nước...

Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang thành phố, ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân.

Hoa Quỳnh - Hương Sen

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gap-lai-nu-biet-dong-thanh-118865.html