Gặp lại người Việt Nam đầu tiên làm việc tại IOM - Tô Thanh Sơn

Đã từng được giới thiệu trên Báo Thanh Niên Xuân năm 2003 (trong bài viết Tôi đi làm tại Afghanistan ), Tô Thanh Sơn được biết đến như là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Tổ chức Quốc tế về di dân (International Organization for Migration-IOM). Mới đây chúng tôi bất ngờ gặp lại anh trong lễ nhận bằng thủ khoa Khóa đào tạo thạc sĩ Quản trị công nghệ thông tin (Master of IT-Management) do Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp hợp tác với Viện Innotech (Pháp) đào tạo theo chương trình của Quỹ Đầu tư châu Á.

"Tôi làm việc cho IOM tính ra tròn 10 năm, là nhân viên quốc tế phụ trách bộ phận công nghệ thông tin cho các văn phòng IOM ở Đông Timor, Afghanistan... Trở về Việt Nam, từ đầu tháng 2/2004, tôi bắt đầu theo học thạc sĩ. Thời gian làm cho IOM đã tạo điều kiện để niềm đam mê của tôi với chiếc máy tính được trui luyện những kỹ năng về kỹ thuật. Kết thúc khóa học này, tôi lại có thêm những cái nhìn mới để có thể vận dụng chúng hiệu quả nhất...". Sau hai năm, câu chuyện tiếp nối giữa chúng tôi với người Việt Nam đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất đã từng có mặt ở đất nước Afghanistan trong vai trò là một nhân viên quốc tế của Tổ chức IOM lại bắt đầu xung quanh... chiếc máy tính. Thật dễ cảm nhận một điều: với Tô Thanh Sơn, chiếc máy tính chính là niềm vui, là sự đam mê mà cũng là động lực để anh hết lòng vì công việc. Anh nói về "duyên nợ" của mình với máy tính: "Tôi tiếp xúc với máy tính lần đầu tiên vào năm 1989. Lúc đó, khoa Điện tử của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh mới có chiếc máy tính đầu tiên. Mỗi sinh viên làm đề tài tốt nghiệp nếu có liên quan đến máy tính được cấp 60 giờ làm việc trên máy. Thời ấy chưa có Internet mà cũng chưa có sách về tin học, người biết về máy tính cũng rất ít. Thế nên để tìm hiểu về các chương trình, chức năng trên máy tính và cả những môn về lập trình, tôi phải in lại các file hướng dẫn (help) thành "sách" để tự học. "Sách" của tôi vì in trên giấy cuộn dùng cho máy in kim nên liên tục và dài. Khi xếp chúng lại, có "quyển" cao đến... 2 mét". Sau khi đã tốt nghiệp với vị trí thủ khoa ngành Điện tử của ĐH Bách khoa, Tô Thanh Sơn được nhận ngay về làm việc tại Bưu điện TP Hồ Chí Minh. Dù công việc đang ổn định, năm 1993, anh quyết định viết đơn xin nghỉ để chuyển sang làm lĩnh vực mình yêu thích cho IOM; tự học thêm về mạng, lập trình và thi lấy các chứng chỉ quốc tế về tin học. Anh kể: "IOM là một tổ chức quốc tế về di dân, hỗ trợ cho những người loạn lạc trong chiến tranh. Có những thời điểm rất nghiêm ngặt, đôi khi phải hoàn tất công việc hay dự án trong thời gian khẩn cấp, hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Nhưng chính những điều này đã giúp tôi rèn luyện kỹ năng tác nghiệp của mình tốt hơn. Có một điều tự hào tôi muốn chia sẻ là những đồng nghiệp ở các nước rất có thiện cảm và nể trọng người Việt Nam mình. Họ nghĩ tôi đã từng tốt nghiệp ở một trường công nghệ thông tin tên tuổi ở nước ngoài nào đó, chứ không tin những kiến thức mà tôi có được đều do tự học và học ngay tại Việt Nam...". Niềm tự hào nho nhỏ của Sơn thật ra là điều nhiều người trẻ bây giờ không phải ai cũng thực hiện được: dấn thân theo đam mê, sẵn sàng tạm gác những gì được xem là ổn định để phiêu lưu, và nếu quay lại học hành họ vẫn có kết quả rất... siêu !

Tố Tâm

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/gap-lai-nguoi-viet-nam-dau-tien-lam-viec-tai-iom-to-thanh-son-306101.html