Gặp lại 'người lính già' trên đảo Song Tử Tây

Tính đến nay, anh Lưu đã có khoảng 2/3 quãng thời gian ở ngoài biển đảo. Mỗi chuyến thay ca, thường về nhà chỉ được ít ngày lại gọi ra đảo hỏi: 'Công việc ở đấy thế nào? Cá mắm câu được không?...'

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và hải đảo động viên các công nhân hải đăng Song Tử Tây

“Ở đảo nhớ nhà, ở nhà nhớ đảo”!

Sau 11 ngày lênh đênh trên biển, sáng 4/5, tàu Hải Đăng 05 đưa chúng tôi đến với đảo Song Tử Tây, điểm cuối của hành trình tiếp tế 13 hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Tại đây, chúng tôi tình cờ được gặp ông Vũ Sỹ Lưu, Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc, người có thâm niên 23 năm canh “đèn thiêng” trên quần đảo Trường Sa.

Khoảng 9h ngày 4/5, đoàn rời tàu Hải Đăng 05 đi xuồng vào đảo Song Tử Tây trong cơn mưa nhè nhẹ, làm cho thời tiết nơi đây có phần dễ chịu hơn. Nhìn Song Tử Tây được phủ kín màu xanh, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi cách đất liền nhiều ngày hành trình bằng tàu biển. Trong số các công nhân hải đăng ra đón chúng tôi ở cầu tàu, tôi chợt nhận ra ông Vũ Sỹ Lưu (SN 1964, quê Hải Phòng). Ông chính là “người quen cũ” có thâm niên hơn 20 năm canh “mắt biển” trên các hải đăng Trường Sa mà tôi đã từng viết về ông trước dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (năm 2015). Trạm trưởng Trạm Hải đăng Song Tử Tây Vũ Sỹ Lưu cũng rất vui mừng khi thấy tôi cùng đi với đoàn công tác ra Trường Sa chuyến này.

Hải đăng Song Tử Tây cách biển Nha Trang 320 hải lý, cách biển Vũng Tàu hơn 330 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Đèn cao 36m, tầm chiếu xa khoảng 22 hải lý, được xây năm 1993 trên đảo Song Tử Tây. Đảo có diện tích khoảng 12ha, cao khoảng 4m so với mực nước biển. Mỗi năm có hàng trăm lượt tàu cá vào âu tàu Song Tử Tây tránh trú bão. Các lực lượng trên đảo hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển.

Sau khi dẫn đoàn công tác đi thăm và làm việc với Ban Chỉ huy đảo, ông Lưu dẫn chúng tôi đi thăm ngọn hải đăng, thăm vườn rau, khu “trang trại” chăn nuôi của các anh em nhà đèn. Nhìn vườn rau đủ các loại, từ chuối, đu đủ, cho tới rau ngót, rau cải, mùng tơi, húng quế, ớt… tất thảy đều xanh non, đang vào độ thu hoạch khiến những người từ đất liền thèm vì rau ở đây không chỉ ngon mà sạch. Ông Lưu cho hay, rau các anh em trồng ăn chẳng hết, còn gà, vịt thì thỉnh thoảng có cái để cải thiện bữa ăn. Công việc chính của các anh em là vận hành đèn 24/24h, bảo trì các thiết bị. Để giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, các công nhân ở đây luôn học hỏi, trao đổi, động viên, giúp đỡ nhau khi có việc gia đình. Những lúc rảnh rỗi, mọi người lại trồng rau, chăn nuôi.

Ông Lưu trải lòng: “Thời tiết ở Trường Sa khắc nghiệt, mùa này tuy nắng nóng nhưng còn dễ chịu. Mùa mưa bão, có khi sóng đánh lên tầng 2 nhà đèn, mọi người phải căng mình chống bão; gió mùa Đông Bắc lạnh thấu xương. “Đã ở Trường Sa chỗ nào cũng khổ. Nhưng mỗi đảo lại có cái hay. Đảo lớn đẹp nhưng đảo chìm thì anh em thoải mái “Robinson”, tự nhiên lắm. Đảo chìm thì tự do tự tại nhưng một số đảo xuống cấp. Ở Song Tử Tây có cảnh quê, có con cò, con vạc, góc vườn càng nhớ nhà hơn. Hồi ở Tiên Nữ, anh em còn đặt tên những người bạn thân cho các chú chó để gọi cho đỡ nhớ. Ở những đảo có dân, chúng tôi chỉ quan hệ với những người đàn ông. Nhìn thấy phụ nữ không thích đâu, nhớ nhà lắm!”, ông Lưu hóm hỉnh.

Người “lính già” cho biết, sang năm 2019 là ông đến tuổi nghỉ hưu nhưng không hề muốn nghỉ. Ông Lưu chia sẻ: “Tính đến nay, anh đã có khoảng 2/3 quãng thời gian ở ngoài biển đảo. Mỗi chuyến thay ca, thường về nhà chỉ được ít ngày lại gọi ra đảo hỏi: “Công việc ở đấy thế nào? Cá mắm câu được không?...” Ở đảo nhớ nhà còn ở nhà lại nhớ đảo. Anh đang không muốn về hưu đây. Sau này về, chắc thường gọi như vậy, nhớ Trường Sa chắc phải xin công ty đi thăm nhiều lần”.

Trạm trưởng Trạm Hải đăng Song Tử Tây Vũ Sỹ Lưu như cánh chim đầu đàn không biết mỏi

Kiên cường nơi “đầu sóng” nhờ hậu phương

Quanh năm “mút mùa” với biển cả, Trạm trưởng Lưu nhớ lại, thời chưa có sóng điện thoại, có những năm, cả 9-10 tháng ngoài đảo, những công nhân đèn biển không có thông tin gì. Ở nhà người thân gặp khó, ốm đau… cũng đành chịu. Hầu hết các anh em do ở ngoài đảo quá lâu nên khi trở về đất liền, họ trở nên xa lạ với cả người thân, có khi phải mất cả tuần mới hòa nhập. Ông Lưu tự hào về người vợ đảm đang, chung thủy, đã thay ông nuôi dạy con cái nên người. Xong, ông cũng cảm thông, chia sẻ với nhiều anh em có hoàn cảnh gia đình tan nát, bất hạnh vì khoảng cách nghìn trùng, vì những chuyến ra khơi dài đằng đẵng.

“Những người giúp chúng tôi yên tâm công tác, ngoài vợ con thì Tổng công ty BĐATHH miền Nam mà trực tiếp là Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo cũng chính là hậu phương vững chắc. Không chỉ chăm lo chế độ chính sách chu đáo cho anh em, các cán bộ của công ty còn trực tiếp đến nhà trao quà, động viên, hỗ trợ người thân chúng tôi khi hoạn nạn. Điều đó làm anh em vô cùng tự hào, gắng hết sức mình vào công việc”, ông Lưu xúc động nói.

Cảm mến “người lính già”, cánh chim đầu đàn nơi hải đảo của đơn vị, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo bày tỏ: Tôi rất trân trọng và quý mến anh Lưu. Cá nhân tôi dù đã trải qua 37 năm làm việc ở các đơn vị thuộc tổng công ty, cũng vẫn phải học tập về ý chí và tinh thần của anh ấy. Còn công nhân Bùi Thọ Tưởng (SN 1988), ra hải đăng Song Tử Tây được gần 4 tháng cho biết, anh luôn noi gương và học hỏi Trạm trưởng Vũ Sỹ Lưu, cái gì cũng hỏi và được ông Lưu chỉ bảo tận tình.

Mai Huyên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gap-lai-nguoi-linh-gia-tren-dao-song-tu-tay-d260556.html