Gặp lại cô gái chỉ còn một chân chiến thắng nỗi đau bằng những nụ cười

Với Ngọc, lạc quan đã trở thành 'phương thuốc' để chữa lành những mất mát.

Trong những lần gặp gỡ, nói chuyện với chị Nông Thị Bích Ngọc (27 tuổi, Lạng Sơn), điều khiến chúng tôi nhớ nhất chính là nụ cười của chị. Nhiều người cũng từng nhận xét, điều họ chú ý nhất ở Bích ngọc không phải ở đôi chân khiếm khuyết do tai nạn mà ở nụ cười rạng rỡ của cô gái này.

Một ngày tháng 10/2016, trên đường về chịu tang bà ngoại, do va chạm giao thông nên chị Ngọc bị ngã ra đường. Không may, một chiếc xe ô tô cán qua người khiến chị rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Chị được người nhà đưa xuống bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu ngay sau đó.

Chị Ngọc là con cả trong gia đình có 2 chị em. Ngày con gái gặp nạn, bố chị đứt từng khúc ruột. Đáp trả lại những tình cảm của người thân dành cho mình, dù đớn đau, chị Ngọc luôn nở nụ cười. Chị bảo, đó là nụ cười để giúp mọi người an tâm và cũng giúp bản thân xoa dịu nỗi đau.

Chị Ngọc (ngoài cùng bên tay phải) thường đi tình nguyện, tham gia khám chữa bệnh cho bà con ở nơi khó khăn (ảnh nhân vật cung cấp)

Tại Bệnh viện Việt Đức, chị đã được phẫu thuật cắt bỏ 1 chân, chân còn lại cũng bị tổn thương nặng nên tiếp tục điều trị tích cực. Chị Ngọc mất một thời gian dài nằm viện điều trị. Tai nạn đó cũng khiến những dự định tương lai của chị tạm thời gác lại. Chị Ngọc từng học Đại học Y dược Thái Nguyên. Thời điểm gặp nạn, chị đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Ngày đó, câu chuyện về nữ bác sĩ gặp nạn được nhiều cộng đồng mạng chia sẻ. Gia đình chị Bích Ngọc cũng nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm về cả vật chất lẫn tinh thần. Chính những tình cảm ấm áp đó cũng là “liều thuốc” để giúp chị Ngọc trở nên mạnh mẽ hơn.

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, chị Ngọc trở về nhà nghỉ ngơi. Đó là những tháng ngày chị tập từng bước đi nhờ có sự trợ giúp của chiếc nạng. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi không làm chị nản lòng. Chị đã xây dựng lại cuộc sống của mình từ những việc làm nhỏ như vậy.

Khi cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, ổn định hơn, chị nói với bố mẹ về chuyện đi học thêm. Ước mơ của chị là trở thành bác sĩ. Nghe chị nói, bố mẹ cũng lo lắng vì sợ rằng con gái sẽ không lo toan được việc học hành, đi lại khi xa gia đình. Rồi cũng thuyết phục được bố mẹ, chị Ngọc tiếp tục học chuyên ngành siêu âm tại Bệnh viện Bạch Mai.

Những ngày đầu, chị Ngọc ở trọ gần bệnh viện. Nhưng do việc đi lại khó khăn nên chị xin vào kí túc xá. Trải qua nhiều khó khăn, chị bảo, tháng 7 này sẽ hoàn thành chương trình học. Chị tự tin với kiến thức mình đã học được sẽ giúp bản thân thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm.

Chị Ngọc thiệt thòi so với những người lành lặn khi mất đi một chân nhưng không có nghĩa đó là một điều tồi tệ. Chị luôn bảo mình vẫn là người may mắn khi có gia đình hết mực thương yêu, ủng hộ chị trong mọi quyết định.

Chính sự lạc quan đã giúp chị vượt qua nỗi đau.

Trên trang Facebook cá nhân, chị thường xuyên cập nhật hình ảnh mình vui vẻ khi đang đi làm tình nguyện. “Đi tình nguyện tôi thấy mình có giá trị khi làm được một việc tốt. Tôi hay liên hệ với các đoàn của Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y để đi khám cho bà con ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn. Thông thường thì tôi làm bác sĩ siêu âm”, chị Ngọc cho biết.

Chị cũng bảo rằng, việc mất đi một chân không ảnh hưởng đến nhiệt sống của chị. Chị vẫn đi tình nguyện, giao lưu bạn bè, thậm chí còn sống vui vẻ hơn trước đây. Hơn ai hết, chị hiểu chỉ có sống tốt, vui, khỏe thì người thân mới yên lòng. Trong tương lai, Bích Ngọc hy vọng có sức khỏe tốt. Xa hơn, chị mong bản thân tìm được công việc phù hợp, ổn định.

Chính sự lạc quan đã giúp chị vượt qua nỗi đau, mất mát trong cuộc sống. Nụ cười của chị cũng truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Ngọc Thi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gap-lai-co-gai-chi-con-mot-chan-chien-thang-noi-dau-bang-nhung-nu-cuoi-201805091546329.htm