'Gặp khó, hãy trực tiếp gặp lãnh đạo Cục hải quan TP thay vì gởi công văn'

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 10.7 tại TPHCM.

Toàn cảnh đối thoại hải quan với 150 doanh nghiệp Hàn - Ảnh: Khả Hòa

Hội nghị có sự tham gia của Tổng lãnh sự Hàn Quốc - ông Lim Jae Hoon, Chủ tịch Kotra - ông Yoon Joo Young và hầu hết là các chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc.

Ngoài việc cập nhật và phổ biến các thông tin, quy định mới trong hoạt động xuất khẩu liên quan Nghị định 59 của Chính phủ và Thông tư 39 của Bộ Tài chính mới đây, hải quan TP.HCM dành phần lớn thời gian để giải đáp thắc mắc và trao đổi tháo gỡ vướng mắc cho hơn 30 câu hỏi đến từ doanh nghiệp Hàn.

Doanh nghiệp Hàn phản ánh vướng mắc tại hải quan TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Về thắc mắc của doanh nghiệp liên quan chi phí phụ phát sinh tại cảng đến như phí cấp hồ sơ lệnh giao hàng (DO), phí cân bằng container (CIC), phí vệ sinh container (CCC) được cộng vào giá tính thuế, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thuế xuất nhập khẩu, sau khi dẫn các quy định tại hai Nghị định 59 và Thông tư 39 và một số công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cho rằng: “Theo cách hiểu của Cục Hải quan TP.HCM thì chi phí sau khi hàng hóa nhập khẩu đã bốc, dỡ từ tàu xuống cảng sẽ không bao gồm các phí CIC, DO, CCC. Hải quan TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan và đang chờ ý kiến xem xét không cộng các khoản phí này vào giá thành tính thuế”.

Liên quan đến thắc mắc miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp nhập thuê gia công bên ngoài, ông Toản giải thích nguyên vật liệu, vật tư… dùng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế theo điều 16 luật Thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, theo một số công văn hướng dẫn của Cục Thuế xuất nhập khẩu, thì doanh nghiệp nhập nguyên liệu về lại thuê gia công tại đơn vị khác để xuất hàng không được miễn thuế theo Nghị định 134.

Đại diện Hàn Quốc tham gia hội nghị - Ảnh: Khả Hòa

Đại diện Công ty New - Hanam (Khu Công nghệ cao TP.HCM) nêu vấn đề, hiện doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu tại chỗ, số đơn hàng được thực hiện theo giờ, mỗi ngày có rất nhiều hóa đơn. Song theo như quy định hiện nay thì doanh nghiệp phải làm quá nhiều tờ khai rất tốn thời gian và nhân lực. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp cộng gộp hóa đơn và làm tờ khai theo tuần để thuận lợi trong việc làm thủ tục hải quan.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM ghi nhận nhưng hiện chưa có quy định cho khai thuế gộp trong trường hợp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ nhiều lần.

Đại diện hải quan trả lời doanh nghiệp - Ảnh: Khả Hòa

Có chủ doanh nghiệp Hàn phản ánh công ty nhập khẩu thép phải chờ làm kiểm tra chuyên ngành đến 8 tháng nhưng do không có cụ thể nên ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đề nghị doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin để sau buổi đối thoại, các bộ phận hải quan sẽ rà soát giải quyết dứt điểm.

Về tham vấn giá hàng nhập khẩu, ông Đinh Ngọc Thắng cho biết, kết quả tham vấn sẽ được sử dụng lại cho các lần sau trong vòng 60 ngày, quá 60 ngày, yêu cầu tham vấn lại. Ông Thắng nhiều lần khuyến khích doanhh nghiệp gặp khó hãy liên lạc trực tiếp, qua điện thoại hoặc email, thậm chí gặp trực tiếp để hải quan xử lý trong thời gian ngắn nhất.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, ông Thắng nói: “Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cũng cam kết tạo mọi thuận lợi tối ưu nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Quyết tâm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan từ 108 giờ xuống 70 giờ với hàng xuất khẩu và từ 138 giờ xuống 90 giờ với hàng nhập khẩu. Sau hội nghị, nếu còn khó khăn vướng mắc, cứ đến gặp trực tiếp các lãnh đạo Cục. Chúng tôi sẽ lập bộ phận giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Cục, các doanh nghiệp phát sinh vướng mắc quá trình làm thủ tục hãy email cho chúng tôi cho nhanh, không cần phải qua đường công văn mất thời gian của doanh nghiệp”.

Nguyên Nga

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gap-kho-hay-truc-tiep-gap-lanh-dao-cuc-hai-quan-tp-thay-vi-goi-cong-van-981804.html